Hiệp định EVFTA: Cơ hội cho ngành gỗ Việt bứt phá

Ông Nguyễn Tôn Quyền Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Đặc biệt, 90 sản phẩm gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Mới đây, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết. Đây là cơ hội đặc biệt để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào liên minh châu ÂU (EU). Đối với các ngành điện máy, điện tử, thủy sản, đặc biệt là gỗ - thế mạnh của Việt Nam muốn vào thị trường EU phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt. Bởi từ trước tới nay, EU vẫn là thị trường khó tính, yêu cầu hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU rất cao.

Năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đạt 759,07 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2017. Xét về thị trường trong nội khối, Anh là quốc gia NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong khối. Năm 2018, xuất khẩu vào quốc gia này chiếm 36,2%, đạt 289 triệu USD, tiếp đến là Pháp, đạt 130 triệu USD và Đức với giá trị đạt 107 triệu USD.

Về mặt nhập khẩu, EU là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ EU được đánh giá có mức độ rủi ro rất thấp. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: gỗ xẻ, gỗ tròn, veneer. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 246,47 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ từ EU, tăng 5% so với năm 2017. Các loại gỗ nhập khẩu EU chủ yếu là gỗ sồi, tần bì, dẻ gai, óc chó… Đây là nguồn cung gỗ hợp pháp lớn thứ hai cho Việt Nam sau thị trường Mỹ.

Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn của ngành gỗ khi vào thị trường EU sau Hiệp định EVFTA được ký kết.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Đây là kí kết mở ra cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng rất nhiều cơ hội. Theo ông, đâu là thuận lợi của ngành gỗ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực?

Nói về ngành gỗ, việc tham gia Hiệp định EVFTA có nhiều cơ hội. Chúng ta đã có giao thương buôn bán nông sản với EU nhiều năm nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành gỗ vào EU dao động khoảng 650 đến 700 triệu USD/năm. Nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc xuất khẩu gỗ sẽ bao hàm tất cả khu vực EU. Do đó, điều kì vọng đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu tăng lên ít nhất là 15-20%.

Tiếp theo, EU là quốc gia có tiềm năng gỗ lớn. Hiện, 28 quốc gia có 500 triệu ha rừng, mỗi năm họ khai thác 4-500 triệu m3 gỗ. Theo cam kết của EVFTA, Việt Nam sẽ mua gỗ của các nước nội khối với chất lượng tốt. Quan trọng nhất ở EU là tính pháp lý cao, họ bảo vệ môi trường rất tốt.

Hơn nữa, các nước trong EU có trình độ phát triển công nghiệp rất lớn, tiên tiến bậc nhất hiện nay. Trước kia, chúng ta nhập gỗ từ Đài Loan, Trung Quốc nhưng bây giờ được giảm thuế từ 15-20% chúng ta sẽ mua của EU. Điều đáng nói, gỗ tại EU chất lượng hơn rất nhiều. Và EU cũng là quốc gia có trình độ quản lý rất cao, chuyên nghiệp, Việt Nam có thể học hỏi điểm này từ họ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Với Hiệp định EVFTA, ngoài vấn đề thuế suất về 0%, ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong quá trình mua máy móc, thiết bị, học hỏi công nghệ chế biến gỗ cũng như trình độ quản trị doanh nghiệp từ EU để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh

Ngoài ra, lợi ích còn đến từ lĩnh vực đầu tư. Hiệp định EVFTA tạo ra môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt với ngành gỗ.

Cũng phải nói thêm rằng, việc thực thi các cam kết trong Hiệp định EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường Kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có thay đổi, cải thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Bên cạnh những thuận lợi, ngành gỗ Việt Nam sẽ gặp những thách thức nào khi tham gia Hiệp định EVFTA thưa ông?

Bên cạnh đó, thách thức đối với ngành gỗ cũng không phải nhỏ. Trước tiên, nội lực doanh nghiệp trong nước tương đối thấp. Muốn thực hiện tốt, chúng ta phải vươn lên học hỏi. Để làm được điều này cần phải có thời gian, kinh phí, trình độ.

Ví dụ, muốn có kỹ năng lao động thì phải đi học. Dù có công nghệ tiên tiến, thiết bị mới cũng phải học; đặc biệt chủ doanh nghiệp phải đi học kỹ năng quản lý. Các vị thường nói tới những điều lớn lao như thay đổi thể chế nhưng theo tôi quan trọng phải thay đổi được trình độ quản lý. Làm sao trình độ quản lý cao, kỹ năng lao động tốt hơn; giải quyết vấn đề sản xuất chất lượng, những vấn đề xã hội tốt hơn.

Tôi lấy ví dụ về lao động, đối với ngành gỗ, hiện nay Việt Nam rất thiếu cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước: “Đề nghị giao cho một cơ sở đào tạo nào đó, phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực. Cơ sở đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp về mặt lý thuyết, giáo viên; doanh nghiệp có cơ sở, máy móc thiết bị để thực hành”.

Thứ hai, Nhà nước phải hướng dẫn doanh nghiệp. Bao nhiêu cam kết, nội hàm doanh nghiệp không nắm hết được. Vì thế, Nhà nước phải có văn bản hướng dẫn, tập huấn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ ba, nguồn nguyên liệu gỗ là quan trọng nhất. Chúng ta nhập từ EU nhưng nội tại trong nước phải có. Trong nước phải xây dựng những cánh rừng, có giấy phép xuất khẩu gỗ hợp pháp.

Theo ông, chúng ta cần làm gì để tranh thủ cơ hội tốt nhất từ Hiệp định EVFTA?

Có 3 việc cần phải thực hiện. Thứ nhất, nâng cao hiểu biết cho bản thân đội ngũ cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp để nhận thức và hiểu về Hiệp định EVFTA này.

Thứ hai, làm sao để vận dụng Hiệp định này? Thực tế, doanh nghiệp chúng tôi đã nhiều lần tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến để hiểu rõ hơn về luật.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với người trồng rừng. Bởi doanh nghiệp chế biến gỗ có thị trường, công cụ máy móc, thiết bị còn người trồng rừng có nguyên liệu.

Thứ ba, Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kinh phí cho vay để đầu tư công nghệ mới, đào tạo kỹ thuật.

Năm 2019, triển vọng ngành gỗ ra sao, thưa ông?

6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ đạt 5,3 tỷ USD, mỗi tháng đạt 900 triệu USD. Đây là con số chưa từng có trong ngành gỗ. Khi tham gia EVFTA, tôi tin rằng ngành gỗ sẽ đạt và vượt kế hoạch của năm.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Ngân

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hiep-dinh-evfta-co-hoi-lon-cho-nganh-go-viet-nam-but-pha-d160429.html