Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Các điểm nghẽn chính

Tuyên bố về những tiến triển đáng kể và sẽ gia hạn thời gian kết thúc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2019 được coi là tuyên bố quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao ASEAN, trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC tại Papua New Guinea.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore vừa kết thúc, khép lại ba ngày làm việc quan trọng của các nhà lãnh đạo về những vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm. Bên cạnh những nội dung hợp tác và xu hướng chuyển dịch từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ASEAN nói riêng và các nước Đông Á nói chung đã cho thấy sự khó khăn trong việc hoàn tất RCEP đúng thời hạn mục tiêu đặt ra cho năm 2018.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia RCEP

Trải qua 24 vòng đàm phán chính thức và rất nhiều phiên làm việc giữa kỳ, các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia RCEP chỉ có thể tuyên bố “sự tiến bộ đáng kể” trong quá trình đàm phán kéo dài. Điều đó cũng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do đa phương. Giáo sư kinh tế quốc tế Michael Plummer - Đại học Johns Hopkin (Bologna, Italia) - cho rằng, trong bối cảnh của chủ nghĩa dân túy tác động đến quản trị thương mại toàn cầu, có sự khuyến khích mạnh mẽ đối với một số đối tác đàm phán RCEP chính để thể hiện vai trò lãnh đạo trong ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu.

Các nhà phân tích tiếp tục chờ đợi kết quả cuối cùng cho RCEP (dự kiến trong năm 2019), dù sau nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu và RCEP vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại.

Những vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Trong quá trình đàm phán RCEP, Ấn Độ được coi là một trong những trở ngại chính đối với việc kết thúc nhanh chóng hiệp định này vì trong số các nội dung đàm phán, có nhiều vấn đề là điểm vướng mắc đối với Ấn Độ mà các nhà phê bình đã từng chỉ ra ví dụ như các biện pháp bảo vệ IP yếu và việc định giá các loại thuốc giá rẻ của Ấn Độ... Trong khi các nước RCEP muốn tiếp cận thị trường lớn hơn ở Ấn Độ, nước này muốn nhượng bộ nhiều hơn trong lĩnh vực dịch vụ để số lượng lớn các lao động lành nghề chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ có thể làm việc ở các nước RCEP. Về vấn đề này, Ấn Độ đã đề cập đến FTA ASEAN - Australia-New Zealand vì ít nhất hiệp định này tạo điều kiện cho các thủ tục dễ dàng và minh bạch hơn đối với việc nhập cảnh tạm thời của các thể nhân tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư. Xuất khẩu dịch vụ có vị trí quan trọng đối với Ấn Độ vì ngành sản xuất trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong nền kinh tế. Hạn chế thị thực việc làm và các hạn chế khác ở một số thị trường chính, bao gồm Mỹ, Anh và Australia, có nghĩa Ấn Độ sẽ không từ bỏ nhu cầu tiếp cận thị trường lớn hơn cho các chuyên gia của mình. Tuy nhiên, hầu hết các nước RCEP vẫn không cam kết trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Ấn Độ e ngại về cách thức mở cửa thị trường đối với Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ đang từng bước mở cửa thị trường thông qua việc kết hợp các FTA song phương và đa phương, đồng thời giảm bớt các quy tắc FDI của mình, nhưng không thuận lợi đặc biệt là trong trường hợp của Trung Quốc. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc thì Ấn Độ đang cạnh tranh để tiếp cận thị trường tốt hơn. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ tăng từ 36 tỷ USD trong năm 2013 - 2014 lên 63 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2018. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ gần gấp 6 lần xuất khẩu của Ấn Độ, với thuế quan và hàng rào phi thuế quan cản trở nhập khẩu và đầu tư của Ấn Độ - có thể là dược phẩm, xuất khẩu hàng nông nghiệp hoặc công nghệ thông tin. Hơn nữa, Trung Quốc có công suất dư thừa trong lĩnh vực sản xuất của mình do các doanh nghiệp nhà nước tài trợ, trong khi Ấn Độ gần đây đã khởi động chương trình “made in India” để gia tăng sản lượng sản xuất của khu vực tư nhân. Các nhà sản xuất địa phương lo ngại rằng, việc mở thêm thị trường nữa - đặc biệt cho Trung Quốc - sẽ làm thiệt hại cho tăng trưởng công nghiệp của Ấn Độ. New Delhi lo sợ mức thuế giảm hơn cho Bắc Kinh sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường. Với kịch bản này, các quan chức chính phủ và ngành công nghiệp Ấn Độ không muốn linh hoạt hơn trong các giao dịch của họ với các nước RCEP, bất chấp triển vọng hội nhập nền kinh tế với chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thiết lập. Nhà lập pháp Charles Santiago của Malaysia cho biết, nếu vẫn còn sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ không được giải quyết thì Hiệp định RCEP không thể tiến lên được. Các nền kinh tế mới nổi như Malaysia cũng có những lo ngại về tiếp cận thị trường.

Và khác biệt của phần còn lại

Một trở ngại lớn khác đối với RCEP hiện nay là sự khác biệt giữa 16 nước thành viên về các quy tắc gây tranh cãi cho phép các nhà đầu tư ở 16 nước gia tăng các thách thức pháp lý đối với chính phủ của nước sở tại khi có tranh chấp tại các tòa án quốc tế. Trong khi các nhà đầu tư cho rằng, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) đưa ra những cam kết quan trọng, đặc biệt khi họ thiết lập chi nhánh hoặc đại diện lần đầu tiên ở một nước sở tại, các chính phủ lo sợ họ có thể phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý trong hệ thống tư pháp về quyết định chính sách công.

Các nhà đàm phán và các nhà quan sát cho rằng, cuộc bầu cử quốc gia diễn ra ở một số nước RCEP cũng có thể làm thay đổi tương lai của đàm phán RCEP. Đặc biệt, Ấn Độ có thể không muốn kết thúc các cuộc đàm phán trước cuộc thăm dò dự kiến vào tháng 4 năm tới, bởi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cảm thấy một số điều khoản có thể trở thành vấn đề nóng cho cuộc bầu cử đó. Trong khi, Thái Lan - nước Chủ tịch ASEAN năm 2019 - cho biết, dự kiến, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/2/2019, còn cuộc bầu cử tổng thống của Indonesia được lên kế hoạch vào tháng 4 và Australia sẽ bỏ phiếu bầu cử vào tháng 5 năm tới.

16 quốc gia RCEP chiếm 25 - 30% GDP thế giới, 30% thương mại toàn cầu, 26% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 45% dân số thế giới. Khi tranh chấp giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, EU, Canada, Nhật Bản... tiếp tục leo thang, RCEP có thể đóng vai trò thúc đẩy đáng kể cho thương mại quốc tế. RCEP đặt mục tiêu thiết lập một thị trường tích hợp giữa các nước thành viên và có phạm vi rộng bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, chính sách cạnh tranh và đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ (IP) và giải quyết tranh chấp...

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc-rcep-cac-diem-nghen-chinh-112147.html