Hiệp định CPTPP- cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Canada

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin về cam kết của Hiệp định CPTPP, cũng như cam kết giữa Việt Nam – Canada trong CPTPP, cơ hội của doanh nghiệp Việt tại thị trường Canada. Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo 'Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam – Canada'.

Hội thảo CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada

Hội thảo CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam - Canada

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP, Canada nổi lên như nhân tố mang tính đột phá về mặt đối tác của Việt Nam. Thực tế, Việt Nam và Canada đã và đang có một nền tảng quan hệ kinh tế, chính trị tốt đẹp hơn bao giờ hết. Hai nước đều là thành viên tích cực của nhiều diễn đàn quốc tế như: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie), Canada là một Đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN…

Về thương mại, Canada được xem là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Canada, xuất nhập khẩu của hai nước đã tăng 412% trong 10 năm qua, tính từ năm 2008 đến năm 2018; và tăng tới 2.300% nếu tính từ năm 2000. Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương; xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2018 đạt 4 tỷ USD, xuất siêu 2,4 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính là các mặt hàng chủ lực gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ… Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả bước đầu có tăng trưởng tích cực.

Trong lĩnh vực đầu tư, hiện nay Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỷ USD. Các dự án được đánh giá là có chất lượng cao, với bình quân 1 dự án là 32,36 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án, với các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo… Để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư Canada vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, logistic, công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…

Về phía Canada, cũng xem Việt Nam như một “ngôi sao đang lên” ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Với vị trí địa lý thuận lợi, thị trường 95 triệu dân, dân số trẻ và năng động cùng với chính sách kinh tế cởi mở, Canada mong muốn Việt Nam trở thành điểm đến tốt giúp đa dạng hóa thị trường thương mại và đầu tư, là cầu nối cho Canada hướng về Châu Á, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn với các xung đột kinh tế - chính trị phức tạp, cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị thuận lợi giữa hai nước, dư địa và tiềm năng phát triển còn nhiều, Hiệp định CPTPP với các cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, được coi như một “cú hích lớn” cho phát triển đầu tư, thương mại song phương, mở ra một “chân trời kinh doanh” mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc cam kết của Canada xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay lập tức, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình là 17% xuống 0%, rõ ràng là thị trường Canada đang mang lại cơ hội “có một không hai” để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình. Các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép và hàng nông sản…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hiep-dinh-cptpp-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-tai-canada-90424.html