Hiện tượng tàu 'bay lơ lửng' có thể giải mã thảm họa Titanic

Hiệu ứng ảo ảnh của những chiếc tàu 'lơ lửng' tại Anh có thể giải đáp bí ẩn liên quan đến thảm họa Titanic cách đây hơn 100 năm.

Chỉ trong vài ngày, những con tàu lơ lửng đã xuất hiện tại hạt Cornwall, Devon và ngoài khơi Aberdeenshire. Hình ảnh mới nhất được chia sẻ ngày 11/3, chụp một con tàu đang lơ lửng ngoài khơi thị trấn South Shields (Anh).

David Morris, người chụp bức ảnh tàu lơ lửng trong lúc đi dạo tại Cornwall, nói ông "kinh ngạc và bối rối". Trên Internet, nhiều người cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí đặt ra các giả thuyết về tàu lơ lửng.

 Con tàu trong như đang lơ lửng chụp tại Cornwall. Ảnh: David Morris.

Con tàu trong như đang lơ lửng chụp tại Cornwall. Ảnh: David Morris.

Hiệu ứng ảo ảnh phức tạp, hiếm gặp

Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng Fata Morgana, một dạng ảo ảnh khiến vật thể trông như nằm phía trên đường chân trời, có thể được nhìn thấy trên đất liền hoặc biển. Theo Explorersweb, nó được đặt theo tên phù thủy trong truyền thuyết Arthurian, chuyên tạo ra ảo ảnh về những hòn đảo không tồn tại lơ lửng trên trời để đánh lừa các thủy thủ.

“Hiện tượng xảy ra trên bề mặt nước bởi sự chồng chất của các lớp không khí có chiết xuất khác nhau”, phát ngôn viên Văn phòng Khí tượng Anh (Met Office) nói rằng đây là dạng ảo ảnh hiếm gặp và phức tạp. Theo The Guardian, hiện tượng này xảy ra nhiều tại Bắc Cực, nhưng không thường xuất hiện ở Anh.

Hiện tượng Fata Morgana gây ảo ảnh khiến con người nhìn thấy con tàu lơ lửng trên trời. Ảnh: The Sun.

David Braine, nhà khí tượng học của BBC giải thích hiện tượng này xảy ra do hiệu ứng nghịch nhiệt, nơi không khí lạnh gần mặt biển, ở trên lại có lớp không khí ấm hơn.

Theo New York Times, hiện tượng này ngược với điều kiện bình thường (lên càng cao trong khí quyển, nhiệt độ càng lạnh).

Lúc Morris nhìn thấy con tàu lơ lửng, 2 lớp không khí đã "đổi chỗ". Một lớp không khí nóng nằm trên không khí lạnh sẽ khiến ánh sáng từ con tàu bị lệch khi đi qua khe hở giữa các dòng khí. Khi xảy ra ảo ảnh, vật thể trông như đang ở phía trên đường chân trời.

“Khi đi từ tàu đến mắt, ánh sáng đã bị lệch về phía lớp không khí lạnh hơn, dày hơn (ở dưới). Hiện tượng khúc xạ này khiến mắt chúng ta tưởng con tàu cao hơn so với thực tế”, Braine giải thích thêm.

Tiến sĩ Claire Cisowski, nhà nghiên cứu về quang học tại Đại học Glasgow, cho biết ánh sáng thường truyền đến mắt qua đường thẳng, tuy nhiên "đôi khi hình ảnh bị lệch hướng khi các tia sáng chiếu đến chúng ta qua nhiều lớp khác nhau", trong trường hợp này là truyền từ không khí đến không khí với chiết xuất khác nhau.

Với cảnh tượng tàu lơ lửng mà Morris nhìn thấy, do lớp không khí lạnh dày hơn không khí ấm nên ánh sáng từ con tàu bị bẻ cong xuống. Khi nhìn từ bờ biển, Morris thấy con tàu dường như nằm cao hơn thực tế.

Theo DailyMail, bộ não của chúng ta giả định rằng ánh sáng truyền theo đường thẳng nên nếu bị uốn cong, vị trí của vật khi nhìn vẫn được xử lý như thể nó được truyền theo đường thẳng.

Bức ảnh tại bãi biển Paignton, hạt Devon chụp những con tàu dường như đang lơ lửng. Ảnh: Martyn Cannan.

"Không khí không phải lúc nào cũng giống nhau. Nó có đặc tính khác nhau dù lạnh hay nóng. Khi ánh sáng truyền qua các lớp (không khí) khác nhau, não của chúng ta sẽ cố gắng xử lý để hiểu nó", Tiến sĩ Cisowski chia sẻ với New York Times rằng giống như mắt người, camera cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng ảo ảnh này.

Hiện tượng ảo ảnh Fata Morgana từng được ghi nhận trên biển trong quá khứ. Vào đầu thế kỷ XIX, thủy thủ William Scoresby trên tàu săn cá voi đã nhìn thấy một con tàu lộn ngược ở phía Bắc Cực, chính là tàu của cha ông cách đó 35 km. Người khác trên tàu còn nói rằng họ nhìn thấy nhiều hình ảnh phức tạp hơn, bao gồm "những ngọn tháp nhọn hoặc rừng cây trụi lá".

Giải mã thảm họa hàng hải kinh hoàng trong lịch sử

Theo nhà sử học Tim Maltin, hiện tượng ảo ảnh liên quan đến chiếc tàu lơ lửng tại Anh thời gian qua có thể giải mã những bí ẩn về vụ đắm tàu Titanic năm 1912, khiến khoảng 1.500 người chết.

Ông Maltin là nhà văn, nhà sử học, MC dành nhiều thời gian nghiên cứu về chiếc tàu huyền thoại, từng xuất hiện trong các bộ phim về Titanic chiếu trên BBC, SmithsonianNational Geographic.

Trong trường hợp này, hiệu ứng Fata Morgana khiến tảng băng chìm trong "dải ảo ảnh", không được người canh gác nhìn thấy trước khi xuất hiện và đánh chìm con tàu.

Theo chuyên gia, hiện tượng ảo ảnh khiến người canh gác tàu Titanic không nhìn thấy tảng băng trước mặt. Ảnh: Getty Images.

"Tàu Titanic chìm trong vùng nước đóng băng tại dòng hải lưu Labrador (Bắc Đại Tây Dương), bao quanh bởi hàng chục tảng băng trôi lớn, một số cao 61 m. Lớp không khí ấm phía trên các tảng băng đã tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt tương tự những con tàu lơ lửng tại Anh gần đây", ông Maltin chia sẻ với The Sun.

Nói với nhà điều tra, những người canh gác trên tàu Titanic khẳng định tảng băng đột ngột xuất hiện như một khối đen từ đám mây mù mịt trước mặt.

Trên thực tế, một số tàu đi qua khu vực này đều ghi nhận hiện tượng ảo ảnh bất thường ở đường chân trời, trước và sau thảm kịch Titanic. Maltin nói rằng thời tiết trong đêm định mệnh rất đẹp và quang đãng, nhưng hiện tượng ảo ảnh khiến người canh gác chỉ nhìn thấy dải mây mù khắp đường chân trời. Khi tảng băng được nhìn thấy, mọi việc đã quá muộn.

"Titanic không giảm tốc độ vì thời tiết quang đãng, thuyền trưởng cho rằng sẽ kịp nhìn thấy tảng băng để tránh. Tuy nhiên, hiệu ứng ảo ảnh sương mù xung quanh đường chân trời đã làm giảm độ tương phản giữa tảng băng với bầu trời và biển cả", Maltin nói.

Những chiếc tàu lơ lửng liên tục được nhìn thấy tại Anh. Ảnh: DailyMail.

Chuyên gia nghiên cứu về Titanic cũng tin rằng hiện tượng ảo ảnh đã cản trở khả năng cứu hộ của tàu chở hàng SS Californian gần đó. Những người trên tàu California nhìn thấy một con tàu cách họ 8 km, nhưng đó chính là Titanic đang chìm cách đó khoảng 16 km.

"Hiệu ứng ảo ảnh khiến thuyền trưởng SS Californian cho rằng những gì họ nhìn thấy là con tàu nhỏ và không phát ra sóng radio... Tàu Titanic cũng đã phát cảnh báo khẩn cấp bằng mã Morse, nhưng hiệu ứng nghịch nhiệt khiến tín hiệu xuất hiện như những bóng đèn nhấp nháy ngẫu nhiên", Maltin nhận định những hiện tượng bất thường đã gây hiểu lầm cho tàu SS Californian.

Con tàu gần Titanic nhất vào đêm định mệnh đã không có hành động nào để giải cứu 2.200 hành khách.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hien-tuong-tau-bay-lo-lung-co-the-giai-ma-tham-hoa-titanic-post1192444.html