Hiện tượng khí hậu đáng ngại: Châu Âu lạnh giá, Bắc Cực ấm lên

Phần lớn người dân châu Âu thức dậy trong hôm 1/3 để chứng kiến một ngày băng giá khác trong đợt lạnh bất thường khiến cho đường phố London, Rome chìm trong tuyết trắng. Đợt lạnh gây ra cái chết của nhiều người này được cho là rất hiếm khi xảy ra ở châu Âu.

Tuyết phủ trắng đường phố London, Anh trong những ngày qua. (Nguồn: AP).

Đợt nóng, lạnh bất thường

Trớ trêu thay, những người dân tìm cách tránh khỏi đợt lạnh có tên gọi "Con thú từ phía Đông" có thể sẽ phải đi về hướng Bắc thay vì hướng Nam.

Trong lúc khu vực châu Âu bị bao phủ bởi tuyết, Bắc Cực lại chứng kiến một trong những mùa Đông ấm nhất từ trước đến nay.

Trên thực tế, nhiều khu vực của Vòng Cực Bắc thậm chí còn ấm hơn ở châu Âu trong vài ngày qua.

Hôm Chủ nhật tuần trước, nhiệt độ ở Anh đã giảm xuống còn -5 độ C, trong khi khu vực Bắc Greenland có nhiệt độ cao hơn, 6 độ C. Hôm 28-2 vừa qua, nhiệt độ ở Warsaw, thủ đô Ba Lan, xuống -7 độ C ngay trong thời điểm mà nhiệt độ ở Sisimiut, phía Bắc Vòng Cực nằm ở Greenland, chỉ là -6 độ C. Trong khi đó, ở Berlin (Đức), nhiệt độ được dự báo ở mức -4 độ C.

"Bắc cực chưa từng ấm như thế này. Điều này thực sự chưa từng có tiền lệ" - Ruth Mottram, nhà khí tượng học thuộc Viện Khí tượng Đan Mạch, nói với hãng tin DW.

Dù cho Bắc Cực từng chứng kiến nhiều mùa Đông ấm kể từ năm 1896 đến nay, nhưng giới khoa học cho rằng hàng loạt sự kiện mùa Đông ấm ở Bắc Cực xảy ra hiện tại là một hiện tượng có khả năng liên quan tới nhiệt độ thấp ở toàn khu vực châu Âu.

"Các sự kiện mùa Đông ấm này rất bất thường, nhưng chúng đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và có thời lượng dài hơn" - Robert Graham, chuyên gia khí tượng thuộc Viện Vùng Cực Na Uy, nhận định.

Ông Graham cùng nhiều nhà khoa học khác mới đây đã hợp tác để nghiên cứu về hiện tượng này và nhận ra rằng các cơn bão có khả năng là nguyên nhân gây ra các đợt ấm bất thường ở Bắc Cực.

"Nghiên cứu của chúng tôi trong những năm gần đây cho thấy, mỗi sự kiện ấm lên này đều liên hệ với một trận bão lớn. Trong khi các cơn bão này hiện diện, gió mạnh từ phía Nam thổi không khí ấm và ẩm từ Địa Trung Hải tới Bắc Cực" - ông Graham cho hay.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tin rằng chính biến đổi khí hậu đã gây ra những sự kiện thời tiết cực đoan này.

Các cơn bão gây tăng nhiệt độ ở Bắc Cực đã gây ra ảnh hưởng ngược lại đối với khu vực châu Âu, bởi khi chúng suy yếu sẽ tạo ra một vùng áp suất thấp gọi là "Xoáy cực", thường giữ không khí lạnh ở vùng cực. Và ảnh hưởng đó có thể cảm thấy cả ở châu Âu và Bắc Cực.

Băng ở Bắc Cực tan dần?

Trong khi nhà chức trách ở nhiều thành phố trên khắp châu Âu đang đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giúp người vô gia cư và ngăn chặn các trường hợp tử vong do lạnh giá, giới khoa học ở Bắc Cực lại lo ngại rằng các cơn bão "đã làm tăng nhiệt độ ở vùng cực gần với mức nhiệt độ làm băng tan chảy".

Giới khoa học lo ngại rằng sự kiện khí tượng trên có thể đẩy nhanh quá trình tan chảy băng ở Bắc Cực và làm tan các tảng băng trôi, cuối cùng dẫn đến mực nước biển toàn cầu tăng, nhấn chìm nhiều thành phố lớn nhỏ của thế giới.

Đợt mùa Đông năm nay ở châu Âu thậm chí còn có thể diễn biến tồi tệ hơn, khi mà 1/3 lượng băng bao phủ trên biển Bering đã biến mất chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, những cảnh báo đáng sợ này dường như không nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền Mỹ. Mỹ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới rút khỏi thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, sau khi 2 quốc gia từng nằm ngoài thỏa thuận này, Nicaragua và Syria, cũng đặt bút ký kết.

Người đứng đầu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) mới đây đã đặt ra câu hỏi nghi vấn về biến đổi khí hậu, điều này phản ánh sự hoài nghi của chính phủ Mỹ đối với vấn đề toàn cầu này.

EPA cũng bác bỏ những tuyên bố cho rằng những cơn siêu bão mà nước Mỹ phải hứng chịu thời gian qua là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Cùng với quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris, chính quyền Mỹ hiện nay còn hủy bỏ cả các quy định giảm lượng phát thải từng được áp dụng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Giới chức Mỹ hiện nay còn lo ngại rằng việc tham gia thỏa thuân Paris sẽ làm suy yếu quyền lực của chính phủ nước này trong những vụ kiện tụng liên quan tới vấn đề môi trườngtrong tương lai.

Giới khoa học và cả các đồng minh của Mỹ thì lo ngại rằng Tổng thống Trump cuối cùng sẽ phải hối hận về quyết định của mình.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/hien-tuong-khi-hau-dang-ngai-chau-au-lanh-gia-bac-cuc-am-len-tintuc396230