Hiện tượng giấc ngủ kinh hoàng, night terrors là gì?

Chúng ta ai cũng mong muốn có được 1 giấc ngủ yên lành, đủ sâu và đủ giấc sau 1 ngày dài. Tuy nhiên có nhiều người lại không có được điều đó bởi nhiều nguyên do khác nhau, có thể là do mất ngủ, bị ác mộng hoặc mộng du, cũng có những người, đặc biệt là trẻ nhỏ hay bị gặp phải một hiện tượng là cái giấc ngủ kinh hoàng, night terrors, nghe như là 1 tựa đề phim kinh dị hay được chiếu ngoài rạp. Vậy triệu chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì và nó khác biệt với mộng du hay gặp ác mộng ra sao?

Giấc ngủ kinh hoàng bao gồm các việc như gào thét, sợ hãi cực điểm và phá phách trong khi đang ngủ, thường thì bạn đồng hành của hiện tượng này sẽ là mộng du và cũng giống như mộng du night terror được coi là một vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ không mong muốn ở con người. Hiện tượng này phần lớn xảy ra ở trẻ em, có khoảng 40% trẻ gặp hiện tượng này, còn với người lớn thì tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Mặc dù có những biểu hiện khá là gây shock với những người phải chứng kiến hoặc theo dõi hiện tượng này nhưng thực tế hầu hết trẻ sẽ không còn bị night terror khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên nếu trẻ hoặc những người lớn bị night terrors có các vấn đề liên quan đến thiếu ngủ hoặc gây nguy hiểm cho bản thân thì cũng nên cho đi khám để có hướng xử lý phù hợp.

Có nhiều người hay bị nhầm giữa giấc ngủ kinh hoàng với việc gặp ác mộng. Sự khác biệt của hai hiện tượng này là người gặp ác mộng sau khi bị bừng tỉnh họ vẫn có thể nhớ được một vài chi tiết trong cơn mơ khủng khiếp của họ, còn với giấc ngủ kinh hoàng thì phần lớn đều hoạt động trong lúc ngủ và hầu như sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng đối với trẻ em chúng thường sẽ không nhớ bất cứ điều gì, còn người lớn có thể nhớ 1 vài thứ trong khi bị hiện tượng kể trên.

Hiện tượng giấc ngủ kinh hoàng thường đi cùng với mộng du và trong quá trình người ta có thể:

- Bắt đầu với những tiếng thét hoặc gào lớn đầy kinh hoàng

- Ngồi bật dậy trên giường với các biểu hiện hoảng sợ

- Mắt trợn trừng lên nhưng thực tế vẫn đang ngủ

- Toát mồ hôi nhiều, hơi thở nặng nề và tăng nhịp tim, đỏ mặt tía tai và con ngươi liên tục đảo

- Đấm, đá, đánh mọi thứ trong vô thức

- Có thể nhảy ra khỏi giường và chạy lòng vòng, nếu gặp chướng ngại vật thì thường có các hành động đập phá

- Rất khó để đánh thức, nhiều trường hợp không chịu để người khác đánh thức dậy

- Khi tỉnh dậy vào buổi sáng thường không có nhớ 1 chút nào các việc mình đã làm trong khi ngủ.

Giấc ngủ kinh hoàng được liệt vào một trong những danh mục của hội chứng rối loạn giấc ngủ, chúng thường xảy ra vào giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ, mộng du cũng xảy ra vào giai đoạn này nên thường hai hiện tượng này được coi là cặp đôi hoàn cảnh đi cùng với nhau.

Có các nguyên nhân có thể dẫn đến giấc ngủ kinh hoàng mà bạn có thể liệt kê nhanh ra như:

- Thiếu ngủ thường xuyên và mệt mỏi cực độ

- Bị lo âu, stress hoặc trầm cảm

- Thói quen ngủ bị thay đổi đột ngột

- Bị sốt

- Đang sử dụng các thuốc có tác dụng phụ

- Với người lớn còn thêm 1 lý do là sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích quá nhiều

Nếu bạn hoặc con của bạn bị hiện tượng này, bạn có thể nói chuyện với bác sỹ về các triệu chứng thường gặp. Có thể bạn sẽ được kêu đi khám tổng quát xem có vấn đề gì có thể có liên quan đến việc gây nên giấc ngủ kinh hoàng hay không. Cũng có thể bạn sẽ được kêu nhập viện 1 hôm để bác sỹ có thể đo các chỉ số của bạn như nhịp tim, nhịp thở, sóng não, lượng oxy trong máu hay các chuyển động khác trong lúc ngủ.

Thường thì không cần phải điều trị hiện tượng này, tuy nhiên nếu sau khi kiểm tra tổng quát mà bác sỹ thấy có thể có các vấn đề khác có thể dẫn đến night terrors thì bạn sẽ được điều trị tùy theo triệu chứng như:

- Điều trị chứng dừng thở khi ngủ, ngủ ngáy.

- Điều trị tâm lý liên quan đến lo âu trầm cảm, khi giải tỏa được tâm lý thì cũng có thể hiện tượng này sẽ ra đi.

- Sử dụng thuốc, hiếm khi phải dùng đến biện pháp này, nhất là ở trẻ nhỏ, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc bác sỹ có thể kê đơn một vài loại thuốc an thần cho bạn.

Để phòng ngừa ta có thể làm các biện pháp như:

- Ghi nhật ký giấc ngủ để biết được khoảng thời gian nào thường gặp hiện tượng này, khi đã nắm được khoảng giờ nào thường bắt đầu night terror ta có thể đánh thức họ dậy trước khoảng 15 phút và đợt qua khoảng thời gian đó rồi đi ngủ trở lại.

- Dọn dẹp phòng gọn gàng, loại bỏ các vật nhọn, sắc có khả năng gây nguy hiểm, cẩn thận các loại dây điện hoặc dây rèm, cần thì tháo ra. Khóa trái các cửa để phòng ngừa hiện tượng mộng du.

- Theo dõi người bị hiện tượng này để đề phòng họ có thể tự gây hại cho bản thân. Bạn có thể nhẹ nhàng vỗ về hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ cho đến khi triệu chứng qua đi, đừng cố lay mạnh hoặc hét lại bởi như thế chỉ làm mọi chuyện xấu hơn.

Các ví dụ về giấc ngủ kinh hoàng có thể tìm thấy trên Youtube

Cuối cùng cũng nhắc lại là giấc ngủ kinh hoàng có thể làm những người chứng kiến bị shock, nhưng thực tế nếu chúng ta có chuẩn bị thì hầu như những người bị hiện tượng này sẽ không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Cứ phòng ngừa và chuẩn bị trước thì mọi việc rồi cũng sẽ qua thôi, nhất là với trẻ em, khi đến tuổi dậy thì bạn sẽ không phải lo về hiện tượng này nữa.

Chúc các bạn sống vui sống khỏe.

Tham khảo MayoClinic
Ảnh HuffingtonPost, The Daily Star, NourLuxury

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/ban-co-biet-hien-tuong-giac-ngu-kinh-hoang-night-terrors-la-gi.2825507/