Hiện tượng Bình Ca

Chào sân văn đàn bằng tiểu thuyết gây sốt 'Quân khu Nam Ðồng', tác giả Bình Ca gần đây với tiểu thuyết 'Ði trốn' lại ghi dấu qua giải thưởng 'Khát vọng Dế mèn' năm 2021.

Nếu nhìn qua lý lịch, Bình Ca (tên thật là Trần Hữu Bình) dường như chẳng liên quan gì đến văn chương (học ngành kinh tế, từng làm Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình...). Nhưng khi cầm bút, Bình Ca lại trở thành hiện tượng của văn đàn dù gia tài của ông đến nay chỉ 2 tác phẩm.

Con trai cả của nhà văn Hữu Mai bước tới cánh đồng văn chương với tiểu thuyết Quân khu Nam Đồng cách đây 6 năm. Dù là tác phẩm chào sân, Quân khu Nam Đồng ngay lập tức được bạn đọc đón nhận, sách được tái bản 15 lần trong 4 năm, in 32.000 cuốn. Đây là một kỷ lục của một tác giả, tác phẩm của văn học Việt Nam đương đại mà rất nhiều cây bút trẻ mơ ước, ngoại trừ những “thương hiệu” như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư.

Quân khu Nam Đồng của Bình Ca viết về “thời trẻ trâu” của một lớp thanh niên Hà Nội những năm 1970. Lật từng trang sách, bạn đọc thấy hình ảnh cuộc sống sinh động của những đứa trẻ trong khu gia binh lớn nhất Hà Nội một thời, luôn mang trong mình niềm tự hào là “con nhà lính”, cùng đủ những chuyện vui buồn, nghịch ngợm, học hành, yêu đương. Qua ngòi bút của Bình Ca, câu chuyện xưa cũ vẫn khiến thế hệ thanh niên thời nay, tận quãng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI cũng phải “sục sôi” tìm mua và đọc tác phẩm.

Đó là do cách kể chuyện của Bình Ca cứ bình thản, hóm hỉnh, chậm rãi lục tìm trong kí ức, tưởng tượng lại nét mặt thời những năm 1970, giọng nói, ánh mắt của bạn bè mà ráp vào các tình tiết, hành động để kể. Qua đó tác giả gửi đến thông điệp: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, 20 năm đầu chính là nửa đời tươi đẹp và quan trọng nhất của bạn. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát!

Nhà văn Bình Ca và 2 tiểu thuyết gây sốt trên văn đàn.

Nhà văn Bình Ca và 2 tiểu thuyết gây sốt trên văn đàn.

Sau Quân khu Nam Đồng, tác giả Bình Ca từng chia sẻ “gác bút”. Nhưng bất ngờ vào cuối 2020, ông tái xuất với tiểu thuyết Đi trốn. Tiểu thuyết này ra đời vì theo tác giả “thời gian rảnh quá, mà dịch COVID-19 ở Việt Nam trong năm qua là một nguyên do”. Cũng như tác phẩm đầu tay, đến nay Đi trốn vẫn là cuốn sách “hot” trên văn đàn và được nhiều người bạn đọc yêu mến.

Đi trốn kể về cuộc phiêu lưu của nhóm 5 bạn nhỏ - là con em cán bộ, từ Thủ đô về nơi sơ tán gồm: Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam ở tuổi 12, 13 - độ tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá, được đưa ra Hà Nội sinh sống và học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. Giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ đầy nguy hiểm đó, nhóm trẻ này vừa dũng cảm, vừa vụng về, vừa chân thành, vừa nông nổi, nhưng rồi, đã dần trưởng thành, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, mà đã tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.

Đặc biệt, Đi trốn của nhà văn Bình Ca vừa được nhận giải “Khát vọng Dế Mèn” thuộc Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2021. Hội đồng Giám khảo giải thưởng đánh giá Đi trốn chân thật, vạm vỡ, đậm chất hoài niệm. Giữa ngổn ngang những hình mẫu ẻo lả, lấy cảm xúc nhất thời làm chỗ dựa, sự bạo lực ẩn dưới vẻ quyến rũ ngôn tình, sự tôn sùng vật chất hay được đẩy lên bề mặt truyền thông, những nhân vật trong Đi trốn đem lại suy tư về một thế hệ biết cách chia sẻ, cảm thông, vượt qua những định kiến, hoặc ít ra là một sự kỳ vọng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Đi trốn là câu chuyện về những đứa trẻ trong sáng và hiếu kỳ nhưng chứa đựng thông điệp lớn về cuộc đời”. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh - nhà văn Bảo Ninh đánh giá: “Đi trốn là câu chuyện sinh động và cảm động. Bình Ca đã thể hiện vốn sống dày dạn, phong phú qua cách kể chuyện giản dị, lối miêu tả phác họa nhanh và tự nhiên, chữ nghĩa không cầu kỳ nhưng diễn đạt được nội tâm, suy nghĩ và lời nói của các nhân vật”.

Cũng như Quân khu Nam Đồng, tiểu thuyết Đi trốn không chỉ là tác phẩm viết về trẻ con và cho trẻ con. Có nhiều câu chuyện, sự kiện người lớn có thể nhìn lại và thấy mình trong đó.

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hien-tuong-binh-ca-n194767.html