Hiện tượng bất thường trong làn sóng dịch mới ở Ấn Độ

Trong khi truyền thông và nhiều bác sĩ Ấn Độ đổ lỗi cho biến chủng B.1.617, các nhà khoa học tin rằng hiện chưa đủ dữ liệu để đi đến kết luận này.

Sir Ganga Ram là bệnh viện lớn ở trung tâm thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Đầu tháng 4, bệnh viện này ghi nhận 37 bác sĩ dù đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 vẫn nhiễm virus corona, theo New York Times.

Dù đa phần chỉ có triệu chứng nhẹ, các ca bệnh ở Sir Ganga Ram củng cố thêm nỗi sợ của công chúng Ấn Độ về khả năng thảm kịch hiện nay xuất phát từ một biến chủng virus khác, nguy hiểm hơn, lây lan mạnh hơn, có thể kháng lại hệ miễn dịch của người đã được tiêm vaccine.

Đến lúc này, chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận cho làn sóng dịch bệnh thứ hai. Các nhà khoa học cảnh báo có nhiều nguyên nhân khác, ngoài biến chủng virus mới, có thể giải thích cho đợt bùng phát chết chóc tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự hiện diện của không chỉ một mà nhiều biến chủng càng làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát và khắc phục đại dịch Covid-19.

 Người nhà bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: AP.

Người nhà bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: AP.

Tranh cãi nguyên nhân làn sóng thứ hai

"Làn sóng dịch Covid-19 hiện nay có biểu hiện lâm sàng rất khác. Nó đang tác động tới người trưởng thành trẻ tuổi, lây lan trong toàn bộ gia đình, lây cho cả trẻ em hai tháng tuổi. Mọi thứ đều khác", bác sĩ Sujay Shad, chuyên gia tim mạch tại bệnh viện Sir Ganga Ram, cho biết.

Các nhà khoa học lúc này đang tìm cách xác định vai trò của các biến chủng virus trong làn sóng dịch bệnh ở Ấn Độ. Dữ liệu thu được lúc này ở Ấn Độ là rất hạn chế, bởi quốc gia Nam Á chưa xây dựng được hệ thống theo dõi virus hiệu quả.

Người dân Ấn Độ đang ngày càng lo ngại trước biến chủng B.1.617, biến chủng lần đầu được phát hiện tại nước này từ tháng 10/2020. Truyền thông và nhiều bác sĩ kết luận biến chủng B.1.617 là nguyên nhân cho làn sóng dịch bệnh thứ hai đang nhấn chìm quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên, các nhà khoa học bên ngoài Ấn Độ cho rằng với dữ liệu hạn chế có được đến lúc này, nhiều khả năng biến chủng B.1.1.7 (biến chủng được tìm thấy ở Anh) mới là tác nhân của thảm kịch y tế hiện nay.

"Chắc chắn B.1.617 đóng một vai trò trong dịch bệnh, nhưng hiện chưa rõ nó tác động trực tiếp như thế nào tới đà gia tăng số ca mắc bệnh cũng như so sánh với các biến chủng đang lan rộng khác, đặc biệt là B.1.1.7", Kristian Andersen, nhà virus học từ Viện nghiên cứu Scripps, San Diego, nhận định.

Bãi hỏa táng tập thể ở New Delhi. Ảnh: New York Times.

Ngoài tác động của các biến chủng, các nhà khoa học cho biết có những yếu tố khác, hiển nhiên hơn, đã dẫn tới làn sóng dịch bệnh chết chóc hiện nay ở Ấn Độ.

Các chuyên gia cho rằng sự chủ quan của nhà chức trách cũng như người dân, với hàng loạt hoạt động tụ tập đông người mà không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, là nguyên nhân quan trọng.

"Có nhiều người nhảy thẳng tới kết luận rằng biến chủng B.1.617 là lời giải thích cho những gì đã xảy ra. Tôi cho rằng có những yếu tố khác là lời giải thích phù hợp hơn", Jeffrey Barrett, chuyên gia về Covid-19 từ Viện Wellcome Sanger của Anh, cho biết.

Bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vaccine vẫn có hiệu quả với những biến chủng đã được xác định như B.1.1.7, P1 hay B.1.351, dù tính hiệu quả thấp hơn. Ấn Độ hiện phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca. Loại vaccine này ít hiệu quả hơn so với hai vaccine khác của Mỹ là Pfizer-BioNTech và Moderna.

"Lúc này, vaccine vẫn đang hiệu quả, nhưng có xu hướng hiệu quả giảm dần", bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện Bellevue, New York, cho biết.

Ấn Độ quá thiếu dữ liệu

Tại Ấn Độ, nhiều bác sĩ khẳng định có những trường hợp đã được tiêm đủ liều vaccine nhưng vẫn mắc bệnh. Nhiều bác sĩ cho biết có triệu chứng nghiêm trọng như tiêu chảy nặng, tụt huyết áp trên trẻ em, thậm chí cả người lớn khỏe mạnh, điều hiếm thấy trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

"Đây là hiện tượng rất khác những gì chúng tôi chứng kiến năm ngoái", bác sĩ Soonu Udani, giám đốc dịch vụ chăm sóc tích cực tại Bệnh viện trẻ em SRCC ở Mumbai, cho biết.

Giới khoa học cho biết một số yếu tố khác có thể dẫn tới hiện tượng thanh niên bị lây nhiễm mạnh hơn, ví dụ như các trường học quá tải ở Ấn Độ đã được mở cửa trở lại trong vài tháng qua, sau giai đoạn đóng cửa trong làn sóng đầu tiên.

Biến chủng B.1.617 được gọi với cái tên biến chủng "đột biến kép". B.1.617 có cái tên này bởi nó mang hai đột biến - trong số hàng chục đột biến khác - được coi là nguy hiểm từng xuất hiện trên các biến chủng "khó kiểm soát" khác.

Một trong các đột biến nguy hiểm giúp B.1.617 lây lan mạnh hơn. Đột biến đáng chú ý còn lại, từng được phát hiện trên biến chủng Nam Phi, giúp B.1.617 làm giảm hiệu quả của vaccine.

Một cơ sở hỏa táng thi thể tại New Delhi. Ảnh: Getty.

"Có những biến chủng lây lan mạnh hơn thứ tất cả chúng ta từng đối phó vào 1 năm trước. Tình hình có thể thay đổi đột ngột, nếu một quốc gia không phản ứng kịp thời, thế trận có thể xấu đi nhanh chóng", bác sĩ Barret nói.

Các nhà khoa học cho biết những loại biến chủng khác nhau đang thống trị các khu vực địa lý khác nhau ở Ấn Độ. Ví dụ, B.1.617 được tìm thấy trong phần lớn các mẫu xét nghiệm ở khu vực trung tâm bang Maharashtra.

Trong khi đó, B.1.1.7 lại lây lan mạnh ở New Delhi. Biến chủng Anh đã chiếm hơn 50% các mẫu bệnh phẩm từ cuối tháng 3, tăng gấp đôi so với mức 28% trước đó. New Delhi cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng B.1.617.

Dù vậy, dữ liệu thu thập ở Ấn Độ vẫn quá ít để có thể phân tích chính xác sự phân bổ của các loại biến chủng trên khắp cả nước. Dù số ca bệnh đang bùng nổ, Ấn Độ phân tích rất ít mẫu bệnh phẩm.

Tháng 12/2020, chính phủ Ấn Độ chọn ra 10 phòng thí nghiệm với mục tiêu phân tích 5% số mẫu bệnh phẩm toàn quốc mỗi tháng. Nhưng đến lúc này, chỉ chưa đầy 1% mẫu bệnh phẩm được phân tích. Nguyên nhân nằm ở thách thức về hậu cần, tình trạng quan liêu và thiếu nguồn tài chính.

"Họ đơn giản là không có đủ nguồn lực, cũng giống như việc thiếu các nhà khoa học và bác sĩ", bác sĩ Gounder nhận xét.

Lúc này, giới chức Ấn Độ đang tìm cách xác định những trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiêm đủ liều vaccine, nhằm tìm ra mức độ nguy hiểm bất thường nếu có trên các biến chủng ở Ấn Độ.

Tới ngày 21/4, dữ liệu từ Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ cho thấy khoảng 0,02-0,04% người tiêm đủ liều vaccine mắc Covid-19. Con số này cao gấp nhiều lần so với mức 0,008% ở Mỹ.

Tại bệnh viện Sir Ganga Ram, 37 bác sĩ đã nhiễm Covid-19 sau khi được tiêm dủ hai liều vaccine AstraZeneca. Tổng số bác sĩ tại bệnh viện này là 500 người.

Khi được đề nghị cho ý kiến về hiện tượng các biến chủng đã vượt qua hàng rào miễn dịch của vaccine, bác sĩ Shad của bệnh viện Sir Ganga Ram ngần ngại đưa ra kết luận.

"Tôi không nghĩ có ai có đủ dữ liệu huyết thanh để trả lời câu hỏi đó", ông Shad nói.

Tình trạng thiếu dữ liệu trầm trọng đang cản trở nỗ lực nghiên cứu các biến chủng và tác động của chúng tới cuộc khủng hoảng y tế ở Ấn Độ hiện nay. Những đột biến biến đổi nhanh càng khiến tình hình thêm phức tạp, bởi người ta không rõ tốc độ lây lan cũng như khả năng kháng vaccine của chúng.

Tại Ấn Độ, hệ thống chăm sóc y tế hoàn toàn không được chuẩn bị cho tác động của các biến chủng mới, ngay cả khi chúng đã lan rộng ra toàn cầu, bác sĩ Thekkekara Jacob John nhận xét.

"Chúng ta đã hoàn toàn không nghiên cứu các biến chủng, nói cách khác, chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ của chính mình", ông Thekkekara nói.

'Người chết cũng không thể ra đi thanh thản ở New Delhi' Ấn Độ đang bị thiếu hụt thiết bị y tế và oxy nghiêm trọng trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng quá nhanh. Người nhà bệnh nhân phải chờ đợi mòn mỏi để làm lễ hỏa táng.

Duy Anh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hien-tuong-bat-thuong-trong-lan-song-dich-moi-o-an-do-post1209442.html