Hiên trà

Chủ nhân của ngôi nhà gỗ cổ hai trăm năm tuổi trịnh trọng giới thiệu với đám khách thành phố về chơi những hoành phi câu đối treo khắp gian giữa. Ý nghĩa của nó là để răn dạy con cháu đời đời giữ lấy nghiệp nhà chữ nghĩa. Tổ tiên của người chủ là một vị khoa bảng thành công triều Nguyễn. Ngôi nhà gỗ ba gian hai chái dù chạm khắc cầu kì khắp trên những vì kèo, chồng diêm, thượng lương, bẩy và thuận thì vẫn không giấu đi được vẻ đạm bạc thanh bần của một ông quan chữ nghĩa hồi hưu.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Người chủ dẫn khách ra ngồi trên bộ tràng kỷ kê dưới mái hiên ngôi nhà sau những tấm dại tre đan trau chuốt có cửa chống mở ra khoảnh sân. Một bể đá non bộ thấp lòa xòa cây si phủ rể. Vài chiếc chum vại, bể nước mui luyện và hàng cau gầy guộc. Những nhánh trầu không chín vàng bò lan lên chiếc cổng lợp ngói ta xộc xệch tháng Năm. Hương cau dịu dàng lan tỏa bùi ngùi nhớ. Ông kể rằng chỗ đang ngồi đây ngày trước là một hiên trà dành cho những tao nhân mặc khách về thăm thú đàm đạo với vị quan hồi hưu. Miệng nói, tay thoăn thoắt tráng ấm chén bằng phích nước sôi bày tất cả lên một chiếc khay gỗ hôi hổi bốc hơi. Trà đong một chén hạt mít vào chiếc ấm đất da chu rót nước sôi vào đậy nắp. Lại rót thêm một lần nước sôi nữa vòng quanh bên ngoài thành ấm. Ông bảo sẽ cho mội người thưởng trà đúng như những gì văn sĩ Nguyễn Tuân đã tả trong Vang bóng một thời. Khách không nhớ lắm mục lục cuốn sách xuất bản từ đầu thế kỷ trước. Hỏi lại, giống như “Chiếc ấm đất” hay “Chén trà trong sương sớm”? Chủ cười, cả hai!

Khách không phải lần đầu đến thăm những ngôi nhà cổ khắp đồng bằng Bắc bộ. Giàu có chữ nghĩa hay lam lũ chắt bóp thì sức tưởng tượng của người Việt xưa cũng chưa bao giờ vượt ra khỏi nếp nhà vài gian hai chái. Chưa bao giờ vượt qua chum vại, bể mui luyện, hàng cau gầy và những non bộ tiểu cảnh trước hiên nhà. Khách cũng có người hiểu biết về trà đến mức có thể mở một nhà máy sản xuất nhiều loại trà bán ra khắp thế giới. Họ ngậm ngùi nâng niu trong tay chén trà rực nóng không muốn đưa lên thưởng thức mùi hương.

Vào cái lúc mà những sĩ phu lưng lửng già nước nhà vẫn còn tụ tập nhau bàn luận về hương thơm của chén trà thì cũng tuổi ấy các nhà khoa học thế giới đang ngồi nghĩ ra đủ máy móc công nghệ cao và năng lượng hạt nhân. Họ còn sáng tác ra những tác phẩm văn chương thơ ca hội họa vĩ đại mang tầm nhân loại. Vậy mà nước mình khi ấy mới chỉ thay đổi được vài chuyện cỏn con ăn mặc, đầu tóc, răng lợi. Và ngồi uống trà để bàn luận về nó. Trà chỉ có một thứ và uống cũng duy nhất một kiểu không thể thô sơ hơn.

Rất may, nhà cổ bây giờ chỉ còn là di tích dùng vào việc tham quan. Không còn ai muốn sống trong những ngôi nhà kém tiện nghi đến thế cả chủ nhân của nó. Muốn giữ được ngôi nhà cổ làm di tích không phải chuyện dễ. Phải tìm cách học hỏi từ đầu. Học về kiến trúc và công năng ngôi nhà. Học về lề lối sinh hoạt tiền nhân để lại. Học nấu nướng một bữa cơm truyền thống để khách có thể ngồi ăn trong chính di tích của mình. Và học sử dụng cái hiên trà cho đúng cách. Duy chỉ có một thứ không học được. Làm sao biết được kiến thức của những xì xồ khách khứa đến đâu mà giải thích cho họ về thú chơi an bần lạc đạo vào giữa kỷ nguyên công nghệ này? Rồi thì còn mơ nâng thú chơi ấy lên tầm văn hóa nữa?

Chơi vất vả thế thì còn gì là chơi?

Đỗ Phấn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hien-tra-290350.html