Hiện thực một khát vọng…

Trong chuỗi sự kiện 'Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển' do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh phối hợp tổ chức, trong ngày 30/11/2020 sẽ diễn ra Lễ gắn biển công trình Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ.

Dự án Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ là 1 trong 3 phân khu chức năng quan trọng của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, do Tập đoàn Thiên Minh Đức làm chủ đầu tư.

Một đề án lớn

Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ là một đề án phát triển kinh tế lĩnh vực lâm nghiệp lớn của tỉnh Nghệ An, được thực hiện theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có tổng diện tích đất có rừng là 3,1 triệu ha, chiếm 21,4% diện tích đất có rừng trong cả nước; trong đó Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 1,166 triệu ha, lớn nhất toàn vùng. Tài nguyên rừng ở Nghệ An vô cùng phong phú, đa dạng. Trong 0,965 triệu ha đất có rừng, thì diện tích rừng tự nhiên lên đến 0,784 triệu ha với gần 2 triệu cây tre, mét các loại và hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm; diện tích có rừng trồng 0,212 triệu ha, với trữ lượng ước đạt 9,6 triệu m3, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 -1,5 triệu m3.

Nghệ An có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu... liên kết với toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng, đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa phát triển hình thành chuỗi giá trị tương xứng với lợi thế, tiềm năng.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Các tỉnh trong vùng cũng trong thực trạng tương tự, việc đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ còn manh mún tự phát, chưa thực sự chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Phối cảnh mặt bằng tổng thể Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ. Ảnh phối cảnh dự án.

Phối cảnh mặt bằng tổng thể Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ. Ảnh phối cảnh dự án.

Đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được ra đời trong bối cảnh này. Theo đó, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được phân thành 3 Phân khu chức năng, gồm: Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu khảo nghiệm, trình diễn, trồng rừng thâm canh, trồng cây dược liệu lâm sản ngoài gỗ; Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao với hệ thống vận hành chế biến chuyên sâu và chuyên môn hóa các công đoạn khép kín theo chuỗi sản phẩm, sản xuất ra các mặt hàng có giá trị và có sức cạnh tranh; các phụ kiện ngành gỗ cung ứng cho các nhà máy chế biến đồ gỗ; Sàn giao dịch, kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ là nơi quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của khu ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, còn có các khu vực phụ trợ như hệ thống rừng giống, hệ thống vườn ươm vệ tinh và khu khảo nghiệm trình diễn, nhân rộng mô hình trồng rừng thâm canh chất lượng cao…

Phối cảnh các hạng mục công trình Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ. Ảnh phối cảnh dự án.

Mục tiêu của đề án là hướng tới thúc đẩy phát triển ngành Lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị sản xuất; phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2 tỷ USD, định hướng đến năm 2035 đạt khoảng 3 tỷ USD, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của cả nước đến năm 2025 đạt từ 18 đến 20 tỷ USD.

Hiện thực một khát vọng

Góp phần hiện thực hóa Đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, Tập đoàn Thiên Minh Đức với người đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Chu Thị Thành đã nhanh chóng vào cuộc với “Dự án Trung tâm giống cây Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ - DKC”. Ngày 10/1/2020,Tập đoàn Thiên Minh Đức được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 104/QĐ-UBND.

Theo đại diện Tập đoàn Thiên Minh Đức, giống cây trồng từ lâu được đã được khẳng định là yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị rừng trồng và là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị. Trong hệ thống các giải pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất rừng trồng, giống cây trồng là mắt xích quan trọng đầu tiên quyết định đến giá trị của rừng trồng. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc từ khâu giống trong chuỗi giá trị được xem là khâu đột phá tăng giá trị trong chuỗi xuất khẩu sản phẩm.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Đức - bà Chu Thị Thành tham quan Phòng nuôi cấy mô Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp ĐH Nông Lâm TP Thái Nguyên. Ảnh: PV

Chỉ tính riêng diện tích rừng trồng toàn tỉnh Nghệ An chiếm 208.714 ha, trong đó, rừng trồng keo và bạch đàn ước tính lên tới 150.075 ha. Hàng năm, nhu cầu cây giống keo và bạch đàn phục vụ trồng rừng ước tính lên tới 60 triệu cây giống/năm. Nếu tính nhu cầu của toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ, ước tính khoảng 200 triệu cây giống trồng rừng mỗi năm.

Tuy nhiên, nguồn giống trồng rừng chất lượng cao còn rất hạn chế cả về quy mô và chất lượng. Tại Nghệ An, hiện chỉ có 24 đơn vị đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp; ngoài ra có một số vườn ươm hộ gia đình nhỏ lẻ. Năng suất sản xuất cây giống các loại đạt khoảng 40 - 45 triệu cây/năm. Số lượng lô cây con được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc chỉ đạt 15-20 triệu cây. Do thiếu nguồn cung, giống chất lượng cao nên phần lớn nguồn giống phục vụ trồng rừng của người dân trên địa bàn có chất lượng thấp, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Đây là những hạn chế có tác động tiêu cực đến việc xây dựng các diện tích rừng trồng không đảm bảo cho việc cấp chứng chỉ rừng rừng bền vững theo quy định của quốc tế. Hậu quả của nguồn giống chất lượng thấp dẫn đến chất lượng gỗ không đạt được tiêu chuẩn cao làm đồ gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, mà chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu gỗ băm dăm giá trị thấp.

Khu vườn ươm công nghệ cao thuộc Trung tâm giống cây Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ ở xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Trung Hoa

Từ thực trạng trên, để đáp ứng mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp trong thời gian tới và lâu dài đáp ứng tiêu chuẩn cho xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ mục tiêu đề ra trong Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư thực hiện dự án Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ.

Với tổng mức đầu tư 251,565 tỷ đồng (100% vốn của chủ đầu tư), Trung tâm có công suất 1 triệu cây giống đầu dòng cho mỗi chu kỳ khai thác hom tối đa 3 năm; 20 triệu cây giống chất lượng cao/năm bằng phương pháp nuôi cấy mô; 100 triệu cây giống chất lượng cao bằng phương pháp giâm hom và các phương pháp tiên tiến khác.

Trên tổng diện tích của dự án là 48,57 ha, Trung tâm sẽ có các hạng mục, công trình chính gồm: Nhà văn phòng 3 tầng (1.000m2); Nhà ăn 1 tầng (500m2); Nhà nghỉ ca công nhân viên 3 tầng (500m2); Khu nuôi cấy mô tế bào, phòng thí nghiệm về giống 3 tầng (5.000m2); Khu vườn ươm công nghệ cao, mái vòm tự động 1 tầng (10.000m2); Khu nhà xưởng đóng bầu siêu nhẹ 1 tầng (5.000m2); Nhà kho chứa các nguyên vật liệu, hóa chất vật tư 1 tầng (5.000m2); Công trình phụ trợ, trạm điện, bãi đỗ xe (1.000m2); Đường giao thông, sân thể thao, tiểu cảnh, cây xanh (72.000m2; mật độ xây dựng khoảng 40%).

Hạng mục lâm sinh của Trung tâm có diện tích 388.800m2, bao gồm: Vườn giống lâm đặc sản, diện tích 198.800m2; Vườn giống đầu dòng lưu trữ các nguồn gen, diện tích 110.000m2; Khu khảo nghiệm các giống và kết hợp trình diễn giống, diện tích 80.000m2.

Mục tiêu đề ra của dự án là cung cấp cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận, cung ứng nguồn giống gốc cho các vườn ươm vệ tinh trong khu vực. Cung cấp dịch vụ chuyển giao thiết bị và công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây lâm nghiệp cho các đơn vị kinh doanh; cung cấp dịch vụ tham quan, học tập, ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Khu khảo nghiệm các giống và kết hợp trình diễn giống chất lượng cao. Ảnh: Trung Hoa

Khi được hỏi lý do nào để Tập đoàn Thiên Minh Đức có một bước chuyển sang một lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, là thực hiện trung tâm giống cây lâm nghiệp? Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, bà Chu Thị Thành chia sẻ: "Có rất nhiều nguyên nhân cho việc quyết định đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp của Tập đoàn Thiên Minh Đức mà trong đó Trung tâm giống là một hợp phần quan trọng. Thứ nhất, chúng tôi muốn phát huy được hết tiềm năng điều kiện tự nhiên của tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung. Thứ hai, Tập đoàn mong muốn tạo kế sinh nhai ổn định cho bà con nông dân, hạn chế tình trạng làm ăn xa xứ, chảy máu chất xám, từ đó góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Hơn thế nữa, hiện nay ứng dụng công nghệ là xu thế phát triển tất yếu, nhằm tạo ra những bước tiến mới trong sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở chuyển nhanh nền lâm nông nghiệp nước nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trung tâm giống công nghệ cao được Tập đoàn Thiên Minh Đức kỳ vọng sẽ đóng góp cho khu vực nguồn cung giống chất lượng và năng suất cao góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bước đầu thay đổi đáng kể ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, là hình mẫu điển hình phát triển rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ…".

Nhật Phương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hien-thuc-mot-khat-vong-278207.html