Hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một khu vực hòa bình và phát triển bền vững

Sáng 15-1, tại Siem Reap, Campuchia, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF- 27).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

NDĐT - Sáng 15-1, tại Siem Reap, Campuchia, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF- 27).

Phiên khai mạc được tiến hành với sự đồng chủ trì của Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia và Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch APPF- 27.

Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni gửi thông điệp tới hội nghị, trong đó nêu rõ: Campuchia vinh dự và tự hào đăng cai tổ chức hội nghị quan trọng, APPF- 27. Quốc vương Campuchia bày tỏ hy vọng, nghị viện và nghị sĩ các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ những mối quan tâm và triển vọng chung, cùng nhau đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết những vấn đề lớn đang đặt ra trong thế kỷ 21; tin tưởng APPF- 27 tại Siem Reap sẽ thành công tốt đẹp.

Gửi thông điệp tới hội nghị, Chủ tịch danh dự APPF Takuji Yanagimoto chia sẻ, APPF được thành lập để thúc đẩy tin tưởng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau dựa trên sự khoan dung, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sự khác biệt về tôn giáo, thể chế chính trị. Hơn 1/4 thế kỷ qua, APPF không ngừng phát triển và vẫn duy trì tôn chỉ, mục đích đã đề ra. APPF- 26 (được tổ chức tại Việt Nam - PV) đã để lại nhiều dấu ấn phát triển, trong đó có việc đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ châu Á-Thái Bình Dương trở thành một sự kiện thường niên gắn với APPF.

Phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF- 27).

Phát biểu tại phiên khai mạc với tư cách Chủ tịch APPF- 26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: APPF- 26 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) với Tuyên bố Hà Nội đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF, mở ra một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương tới năm 2030, trong đó đề cao đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước thành viên, thúc đẩy các nước thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) còn dang dở và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). APPF đã thành công trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa APPF với APEC nhằm hiện thực hóa nguyện vọng của người dân châu Á- Thái Bình Dương về một khu vực hòa bình và phát triển, phản ánh một xu thế của nền ngoại giao nghị viện trong giai đoạn phát triển mới của nhân loại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại APPF- 26, một trong những điểm nhấn là việc lần đầu tiên Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF đã trở thành cơ chế chính thức và định kỳ tại các kỳ họp thường niên của Diễn đàn, với kỳ vọng đây sẽ là một cơ chế hữu hiệu giải quyết những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực và trên thế giới.

Tại APPF 27, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”, phù hợp định hướng quan hệ đối tác nghị viện, yêu cầu và xu thế phát triển của toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng trong giai đoạn mới. Kiên trì các mục tiêu độc lập, tự chủ, đối thoại và hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc là nền tảng căn bản để giữ vững hòa bình, an ninh và phát triển.

“Điều quan trọng hơn cả là những mục tiêu phát triển bền vững phải được trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài cho các chính sách phát triển của các quốc gia; xuất phát từ nguyện vọng của người dân, bảo đảm được lợi ích của người dân mà chúng ta là những người đại diện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Góp ý để APPF tiếp tục hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị APPF tiếp tục hợp tác toàn diện, chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và phát triển bền vững với lộ trình phù hợp, dựa trên tinh thần đồng thuận, đoàn kết, với phương châm “không bỏ ai lại phía sau” và “biến lời nói thành hành động”. Cam kết hợp tác bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, đối thoại và cùng có lợi, giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mở rộng trao đổi hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực, phát huy tối đa vai trò trong việc giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại mỗi quốc gia.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, nhấn mạnh: Sau nội chiến, Campuchia đang phát triển thành một quốc gia hòa bình, thịnh vượng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các nước bạn bè, trong đó có Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, kết thúc nội chiến, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển đất nước.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen đề nghị các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng lòng giải quyết mọi xung đột dựa trên các công ước và nguyên tắc của Liên hợp quốc và của khu vực, trong đó có khu vực ASEAN; tôn trọng quyền của người dân, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Kiên quyết phản đối các hành động phi pháp, trái nguyên tắc của Liên hợp quốc; tuân thủ nguyên tắc giải quyết hòa bình mọi xung đột; chuẩn bị tốt để đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cũng như những hiện tượng làm hàng giả, di dân hay dịch bệnh trong khu vực và trên toàn cầu; thông qua giao lưu văn hóa để thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia, Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững là những mặt không thể tách rời. Mặc dù có bối cảnh lịch sử và trình độ phát triển khác nhau, nhưng mỗi quốc gia đều cần được bảo đảm về độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Đây là những nhân tố cơ bản để xây dựng một thế giới hòa bình, không có bạo động, là điều kiện để tạo ra một môi trường hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho nhân dân.

Các nhà chính trị, lãnh đạo trong khu vực cần có sự trao đổi quan điểm, tôn trọng đầy đủ Hiến chương của Liên hợp quốc, luật pháp và thông lệ quốc tế, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ; tạo mối quan hệ hòa bình, thân thiện, hòa đồng và công bằng; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực vì mục đích địa chính trị; không chạy đua vũ trang, không sử dụng bạo lực tạo ra thuận lợi cho phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại song phương và đa phương, tăng cường trao đổi thông tin về các thách thức của khu vực và toàn cầu, trao đổi thông tin về lập pháp và chính sách quốc gia; thúc đẩy rộng rãi thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân; duy trì quan hệ hài hòa trong mọi lĩnh vực, ở tất cả các cấp.

“Hy vọng APPF- 27 sẽ là một cơ chế có sự đóng góp quan trọng vào tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới” - Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch APPF- 27, Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin trong bài phát biểu của mình đã bày tỏ hài lòng về sự tiến bộ cũng như thành tựu mà APPF đã đạt được trong suốt 27 năm qua.

Ông cho biết, APPF- 27 là cơ hội để các nước củng cố hợp tác, củng cố hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác, hiểu biết lẫn nhau; góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh, phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới. Để đạt được Tầm nhìn của APPF cần có sự hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn ở mức độ đa phương nhằm thực hiện những thỏa thuận, nghị quyết bằng các cơ chế khác nhau.

Nhấn mạnh rằng hòa bình trong khu vực và trên thế giới là một trong những chủ đề quan trọng của APPF- 27, hòa bình là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia bày tỏ hy vọng, APPF sẽ thành công và phản ánh được nỗ lực hợp tác của nghị viện các nước thành viên vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực, vì lợi ích của tất cả các quốc gia và người dân các nước trong khu vực.

Cần tiếp tục đổi mới tổ chức, quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự phối hợp và quan hệ giữa kênh lập pháp và hành pháp của các nước trong khu vực. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, xây dựng cơ chế giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết được thông qua tại mỗi kỳ APPF để nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động của Diễn đàn...

(Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân)

Chúng tôi khuyến khích tất cả đại diện Quốc hội, nghị sĩ, trưởng đoàn trong diễn đàn cùng nhau chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, vững mạnh để đạt được nhận thức và tầm nhìn chung...

(Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch APPF- 27 Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin)

VĂN NGHIỆP CHÚC và SƠN XINH. Ảnh: SƠN XINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/38911102-hien-thuc-hoa-nguyen-vong-cua-nguoi-dan-ve-mot-khu-vuc-hoa-binh-va-phat-trien-ben-vung.html