Hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh

Chỉ có hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh thì môi trường kinh doanh của Việt Nam mới có thể thực sự bùng nổ. Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại hội thảo 'Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị'- do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức tuần qua.

Nỗ lực cải tiến thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Chuyển biến tích cực

Để các Bộ, ngành nhanh chóng cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý gây khó cho doanh nghiệp (DN), sau nhiều lần đốc thúc từ Tổ công tác của Thủ tướng về cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), ĐKKD các bộ, ngành đã có những câu trả lời bằng các con số khá rõ ràng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng Tổ công tác, qua kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành về cải cách hoạt động KTCN và cắt giảm ĐKKD đã có chuyển biến rất tích cực so với tháng trước.

Về kiểm tra chuyên ngành, theo kế hoạch, các Bộ phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản (6 nghị định, 1 quyết định và 21 thông tư) để đơn giản, cắt giảm 6.003/9.926 dòng hàng phải kiểm tra và 74 thủ tục. Đến nay, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2% tổng số điều kiện, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Kết quả đạt được cụ thể của các Bộ: Lao động- Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Bộ Khoa học và Công nghệ (22/24); Bộ Công thương (402/702); Bộ Thông tin và Truyền thông (89/146); Bộ Xây dựng (33/64); Bộ Giao thông vận tải (80/134 dòng hàng và đơn giản 07 thủ tục); Bộ Tài nguyên và Môi trường (38/74); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng hàng và đơn giản hóa 9/10 thủ tục). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 5.898 dòng hàng; Bộ Y tế đã bãi bỏ 1 mặt hàng với 5 dòng hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; 810 dòng hàng của 4 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành).

Về cắt giảm, đơn giản các ĐKKD, theo kế hoạch, các Bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 70 văn bản (19 luật; 51 nghị định) để đơn giản, cắt giảm 3.794/6.191 điều kiện. Đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (1 luật và 21 nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao, tăng 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước).

Kết quả đạt được cụ thể của từng Bộ: Công thương cắt giảm 675/1.216 điều kiện, vượt 5,5%; Bộ Y tế đơn giản, cắt giảm 1.343/1.871 điều kiện, vượt 21,78%; Bộ Xây dựng cắt giảm 183/215 điều kiện, vượt 35,12%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đơn giản, cắt giảm 101/163 điều kiện, vượt 12%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn giản, cắt giảm 121/212 điều kiện, vượt 7.08%. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đơn giản, cắt giảm 60/112 điều kiện, vượt 3,57% và cắt giảm 75/85 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 172/345 điều kiện, đạt 50%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn giản, cắt giảm 63/122 điều kiện, vượt 1,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản, cắt giảm 26/385 điều kiện, đạt 13%; Bộ Giao thông vận tải đơn giản, cắt giảm 243/570 điều kiện, đạt 42,6%; Bộ Tư pháp đơn giản, cắt giảm 7/94 điều kiện, đạt 7,45%; Ngân hàng Nhà nước đơn giản cắt giảm 27 điều kiện.

Những kết quả trên cho thấy việc cắt giảm các ĐKKD trong tháng 10 chuyển biến mạnh so với thời điểm cuối tháng 9, khi các Bộ mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng, 30 thủ tục và 1.133 ĐKKD.

Số lượng chưa đạt, chất lượng cũng chưa ổn

Dù các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC, cắt giảm các ĐKKD nhưng nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng chất lượng chưa đạt và số lượng chưa ổn, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói. Minh chứng về điều này ông Hiếu dẫn ra 33 nghị định mới để sửa đổi bổ sung, thay thế cho 88 nghị định có các nội dung về ĐKKD. Sau khi nghiền ngẫm, nghiên cứu cả tháng trời xem con số ĐKKD được bãi bỏ thực tế là bao nhiêu, số sửa đổi là bao nhiêu. Rồi “đong đếm” tác động đến DN, người dân thế nào cho thấy chất lượng của việc cắt giảm còn chưa ổn. Chưa ổn vì theo thống kê của CIEM trong tổng số hơn 5.000 ĐKKD, đã có 542 ĐKKD được sửa đổi, 771 ĐKKD được bãi bỏ, 111 điều kiện kinh doanh thay thế nhưng bổ sung đến 98 ĐKKD và phát sinh, ban hành thêm 29 ĐKKD. Điều này có nghĩa, theo yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% ĐKKD tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ thì con số “chưa đạt được”.

Số lượng chưa đạt, chất lượng cũng chưa ổn. Theo ông Phan Đức Hiếu, có ĐKKD được bãi bỏ hoàn toàn không có tác động gì.

Dẫn chứng Nghị định 08/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, ông Hiếu cho biết: Tại điều 7 Nghị định 83 yêu cầu “DN được thành lập theo quy định của pháp luật, trong giấy chứng nhận đăng ký DN có đăng ký kinh doanh xăng dầu”. Sang đến Nghị định 08 điều kiện này được bãi bỏ. “Điều kiện này được bãi bỏ có tác động gì không? Không có tác động gì”- ông Hiếu nói và cho hay trường hợp này được phân vào nhóm “tác động rất hạn chế”. Chưa kể, ông Hiếu lo ngại có việc bổ sung thêm ĐKKD, tái sinh những ĐKKD mới.

Để hoạt động rà soát, điều chỉnh ĐKKD của các Bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng DN trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả của cắt giảm các TTHC, ĐKKD Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho DN; xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Bên cạnh đó, công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử; trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử. Đồng thời xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trực thuộc. Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền.

Tổ chức khảo sát ý kiến người dân và DN về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp Sở, ngành, huyện theo mô hình dân chấm điểm, công khai kết quả và yêu cầu các Sở, ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Ban Cải cách môi trường kinh doanh CIEM: Đã cải thiện nhưng cần nỗ lực hơn nữa

Trong 5 năm qua, thứ hạng các yếu tố môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết 19. Trong năm 2018, tuy môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm 2018 nhưng 8/10 chỉ số của Việt Nam lại cải thiện về điểm tuyệt đối như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng…

Từ năm 2014 điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2014 chúng ta xếp hạng thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và 2018 là 69. Trong đó, hiệu quả trong logistics được cải thiện nhiều nhất trong thập niên vừa qua, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 2018.

Tuy đã có sự cải thiện nhưng hầu hết chưa đạt trung bình ASEAN 4 như mục tiêu đề ra. Về cải cách ĐKKD, bà Thảo cho biết, thời gian qua đã có 15 nghị định được ban hành, tuy vậy, vẫn còn nhiều ĐKKD không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/hien-thuc-hoa-muc-tieu-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-tintuc422945