Hiện thực hóa khát vọng 'yên bình, phú túc'

Năm năm tới, bức tranh toàn cảnh từ nông thôn đến thành thị của Phú Yên sẽ xuất hiện những nét chấm phá kinh tế - xã hội khởi sắc, thổi luồng sinh khí mới mang lại sự no ấm, mạnh giàu cho nhân dân

Phú Yên nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.023 km2, địa hình vừa có biển vừa có đồng bằng, trung du và miền núi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực để đến năm 2030, có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh.

Lấy phát triển kinh tế biển làm trọng tâm

Đến năm 2025, Phú Yên phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 95.000 tỉ đồng; thu ngân sách đến năm 2025 khoảng 11.000 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 370 triệu USD.

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, Phú Yên xác định phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác phát triển rừng, thực hiện thành công Đề án trồng 15 triệu cây xanh, giai đoạn 2021-2025.

Với những lãnh đạo trẻ, năng động, Phú Yên đặt nhiều kỳ vọng trong nhiệm kỳ này Ảnh: HỒNG ÁNH

Với những lãnh đạo trẻ, năng động, Phú Yên đặt nhiều kỳ vọng trong nhiệm kỳ này Ảnh: HỒNG ÁNH

Tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế với trọng tâm là kinh tế biển. Trong đó, xác định xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng. Cùng với đó là khai thác các tiềm năng về nông nghiệp, lâm nghiệp tại khu vực phía Tây trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển sản phẩm theo chuỗi; gắn kết chặt chẽ theo liên kết vùng, giữa Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, giữa Sông Cầu của Phú Yên với Quy Nhơn của Bình Định, giữa Phú Yên và Tây Nguyên. Thực hiện các giải pháp về thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài xã hội và phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Đối với ngành công nghiệp và xây dựng, bất động sản, tỉnh sẽ phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, năng lượng tái tạo. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị bền vững. Tập trung phát triển đô thị theo hành lang phía Đông gồm các đô thị ven biển; phát triển đô thị trung tâm TP Tuy Hòa mở rộng về phía Tây, phía Bắc và nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và nhà ở.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên sẽ được đầu tư và phát huy hiệu quả.

Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển. (Trong ảnh là thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa) Ảnh: HỒNG ÁNH

Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản công nghệ cao bền vững; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản; giảm tỉ trọng nuôi trồng, khai thác gần bờ, đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác xa bờ. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Phú Yên tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, trong đó có 15% xã nông thôn mới nâng cao, 5% xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Như vậy, Phú Yên không chỉ thu hút đầu tư cho những vùng đô thị trung tâm mà còn tập trung xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Bộ mặt nông thôn, miền núi có khang trang và tươi đẹp hơn thì niềm vui giàu đẹp của thị thành mới trọn vẹn.

Người dân là trung tâm

Hướng đến đối tượng thụ hưởng chính là người dân, trong 5 năm tới, Phú Yên sẽ tập trung phát triển, từng bước hình thành các mạng lưới dịch vụ đồng bộ, hiện đại như: Du lịch biển, dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính ngân hàng... Tỉnh đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn FDI. Đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống đẹp, gắn phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức và kỹ năng xã hội. Chú trọng phát huy các giá trị văn hóa. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Để phát triển dân trí và thể lực, tỉnh sẽ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống các vùng, miền; chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Tạo điều kiện phát triển các hoạt động văn học, nghệ thuật. Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, tạo điều kiện nâng cao thể lực, trí lực nhân dân; phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 35% dân số. Chú trọng phát triển một số môn thể thao thành tích cao có thế mạnh. Đầu tư xây dựng Khu Liên hợp thể thao của tỉnh; đầu tư, nâng cấp các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao cấp huyện.

Phát triển con người Phú Yên toàn diện cũng là một trong những cơ sở phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Phát triển kết cấu hạ tầng

Phú Yên sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng kết nối các vùng, địa phương. Từng bước hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực trung tâm. Tập trung xúc tiến thu hút đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics. Huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp năng lực khai thác cảng Vũng Rô lên 2 - 2,5 triệu tấn/năm. Xúc tiến đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Tuy Hòa công suất 5 triệu lượt/năm. Xây dựng cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên. Tỉnh sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, từng bước khẳng định vị trí là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia. Gắn kết chặt chẽ Khu Kinh tế Nam Phú Yên và Khu Kinh tế Bắc Khánh Hòa.

Thu hút 4 triệu lượt khách du lịch

Đối với ngành du lịch, dịch vụ, tỉnh Phú Yên tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ phát triển ngành du lịch khoảng 14%/năm. Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực tại vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, Phú Yên sẽ thu hút trên 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 50.000 lượt.

TRẦN HỮU THẾ (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hien-thuc-hoa-khat-vong-yen-binh-phu-tuc-20210428215056821.htm