Hiện thực hóa 'giấc mơ' cất cánh

Với gần 110.000 km2, chiếm 33% diện tích cả nước – Tây Bắc được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy điện, khai khoáng, nông – lâm nghiệp và du lịch. Tuy nhiên hiện nay, nhiều tiềm năng của vùng vẫn chưa được khai thác, trở thành đòn bẩy giúp Tây Bắc cất cánh.

Tiềm năng dồi dào

Bên cạnh lĩnh vực phát triển thủy điện đi đầu cả nước, Tây Bắc còn có ưu thế lớn trong việc phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với tiềm năng dồi dào về tài nguyên rừng cũng như thế mạnh trồng các loại cây ăn quả, cây thức ăn gia súc, cây lúa đặc sản địa phương, cây dược liệu, rau, quả nhiệt đới, ôn đới và chăn nuôi gia súc…

Tây Bắc - trung tâm thủy điện của cả nước

Nói tới kinh tế Tây Bắc, không thể không nhắc đến những vùng cây ăn quả ở Sơn La, Hòa Bình; khai thác khoáng sản tại Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai; sản xuất gạo chất lượng cao ở Điện Biên, Yên Bái; sản xuất chè ở Phú Thọ, Tuyên Quang. Các vùng cây công nghiệp như: Cà phê, cao su ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; cây dược liệu tại Hà Giang, Bắc Kạn; cây hồi, quế tại Lạng Sơn, Yên Bái… Đặc biệt, hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ nhờ vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

So với các vùng trên cả nước, cơ hội phát triển kinh tế hàng hóa của Tây Bắc cũng rất lớn khi cả vùng có tới 7 tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu. Với hệ thống các cửa khẩu đang được nâng cấp, mở rộng, Tây Bắc có nhiều cơ hội thuận lợi để gia tăng các hoạt động giao thương, tăng sức tiêu thụ của sản phẩm nông – lâm sản, công nghiệp.

Trăn trở tốc độ tăng trưởng kinh tế

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của Tây Bắc cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển vùng Tây Bắc; đồng thời, dành một khoản ngân sách lớn đầu tư cho khu vực này. Với khát vọng phát triển, đi lên, nhiều tỉnh Tây Bắc chủ động tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động kết nối, xây dựng nhiều chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, góp phần đưa hàng hóa nông sản của Tây Bắc đến với nhiều vùng miền, quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội của Tây Bắc vẫn chưa thật sự tương xứng với sự đầu tư và tiềm năng vốn có. Đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng có kinh tế chậm phát triển với tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần so với trung bình chung của cả nước, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc; hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; đường bộ kém phát triển, đường sắt không có, đường thủy hạn chế… Trong đó, thấy rõ nhất là việc các tỉnh Tây Bắc chưa liên kết để có được những vùng trồng trọt, chăn nuôi quy mô, đảm bảo về năng suất, chất lượng phục vụ cho chế biến sâu với công suất lớn.

Tìm "tiếng nói chung" để bứt phá

Với mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp…, Báo Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo "Phát triển sản xuất hàng hóa, tạo liên kết vùng và thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc trong hội nhập". Đây sẽ là diễn đàn để các địa phương khu vực Tây Bắc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và thực trạng sản xuất, phát triển hàng hóa; đón nhận những sáng kiến của các chuyên gia kinh tế, nắm bắt thông tin từ các nhà quản lý về chính sách biên mậu, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo liên kết vùng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, thương mại, dịch vụ và du lịch

Theo ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng Biên tập Báo Công Thương, hội thảo là ý tưởng ấp ủ đã từ lâu của Báo Công Thương. Thông qua hội thảo, Báo Công Thương mong muốn tạo diễn đàn, tạo cầu nối giữa nhà quản lý, địa phương, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Từ những chia sẻ, đề xuất tại hội thảo cùng việc thông tin được tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi, hy vọng rằng, liên kết giữa các địa phương trong vùng Tây Bắc, liên kết giữa vùng Tây Bắc với các vùng của cả nước sẽ được đẩy mạnh, từng bước tạo cơ hội để Tây Bắc xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa cho đồng bào Tây Bắc.

Ông Tạ Văn Long- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho rằng, trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, hội thảo sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, địa phương tìm tiếng nói chung; cùng phối hợp, liên kết tạo sức mạnh để phát triển sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư vào khu vực Tây Bắc.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-cat-canh-111003.html