Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực

Hãng thông tấn TASS cho hay, cổng thông tin pháp lý của Chính phủ Nga ngày 4-7 đã đăng tải nội dung bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua sau cuộc bỏ phiếu trên phạm vi toàn quốc ngày 1-7 vừa qua. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết thêm, Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 4-7-2020.

"Hiến pháp đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 12-12-1993 và có những sửa đổi được phê chuẩn trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 1-7-2020", cổng thông tin pháp lý của Chính phủ Nga nêu rõ.

Theo truyền thông Nga, trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp sửa đổi này.

 Ông Vladimir Putin đi bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp tại Moscow, ngày 1-7-2020. Ảnh: CNN

Ông Vladimir Putin đi bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp tại Moscow, ngày 1-7-2020. Ảnh: CNN

Hiến pháp sửa đổi của Nga bao gồm tổng cộng 206 sửa đổi, trong đó có những nội dung chính liên quan đến các vấn đề xã hội. Điển hình là những bảo đảm về việc bảo vệ phẩm giá công dân và tôn trọng người lao động, bảo đảm thực hiện các nguyên tắc hợp tác xã hội trong lao động. Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi của Nga cũng nhắc tới khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng với giá thành phù hợp dành cho các công dân, đồng thời nhà nước sẽ bảo đảm ưu tiên giáo dục gia đình và trách nhiệm của cha mẹ đối với những trẻ em không được chăm sóc.

Đáng chú ý, bản Hiến pháp sửa đổi này tăng thêm quyền hạn cho Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Trong điều khoản quy định số lượng nhiệm kỳ của Tổng thống Nga cũng bổ sung điều khoản không tính đến số lượng nhiệm kỳ mà tổng thống đã đảm nhiệm tính đến thời điểm những nội dung sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực. Truyền thông Nga cho rằng thay đổi này có thể mở đường để ông Vladimir Putin tham gia tranh cử và nắm giữ chiếc ghế tổng thống thêm hai nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm), sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024. Nói cách khác, theo quy định của Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 4-7-2020, Tổng thống Vladimir Putin hoàn toàn có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2036.

Bên cạnh đó, trong Hiến pháp sửa đổi còn có một số nội dung do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất, chẳng hạn như cấm một số quan chức nhất định, kể cả nguyên thủ quốc gia, có quốc tịch kép và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Theo khẳng định của hãng thông tấn TASS, những sửa đổi lần này trong Hiến pháp Nga không phải là bước đi mang động cơ chính trị giống như truyền thông phương Tây vẫn nói, mà phần lớn những sửa đổi tập trung vào việc bảo đảm những lợi ích kinh tế-xã hội của người dân Nga.

Trong Thông điệp Liên bang đọc vào giữa tháng 1 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra ý tưởng sửa đổi Hiến pháp. Ông cho rằng các sửa đổi này đóng vai trò cần thiết đối với sự phát triển hơn nữa của nước Nga. Tiếp đó, ngày 11-3-2020, Luật sửa đổi Hiến pháp đã được Duma Quốc gia Nga và Hội đồng Liên bang Nga thông qua. Luật này nêu rõ các sửa đổi trong Hiến pháp sẽ chỉ có hiệu lực nếu như nhận được sự ủng hộ của người dân. Và đến ngày 1-7 vừa qua, cử tri Nga trên toàn quốc đã đi bỏ phiếu về gói sửa đổi Hiến pháp do ông Vladimir Putin đề xuất. Kết quả bỏ phiếu cho thấy gần 78% số cử tri Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, trong khi có khoảng 21,27% phản đối. Theo nhận định của Điện Kremlin, kết quả cuộc bỏ phiếu là một chiến thắng và cho thấy sự tin tưởng của công chúng đối với Tổng thống Vladimir Putin.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hien-phap-sua-doi-cua-nga-chinh-thuc-co-hieu-luc-626168