Hiến pháp năm 2013 - Sự kết tinh ý chí, trí tuệ toàn dân tộc

Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp mang ý nghĩa quan trọng. Do đó, cần được quan tâm và tổ chức một cách bài bản, khoa học, với quy mô trên phạm vi cả nước. Việc tạo ra cách hiểu đúng và thống nhất về nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Giới thiệu sách

Hiến pháp (sửa đổi) được công bố ngày 9-12-2013 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung hết sức quan trọng, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...; là cơ sở hiến định quan trọng mở đường cho việc tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt của đất nước.

Ðể giúp bạn đọc tìm hiểu một cách có hệ thống, Báo Nhân Dân phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách: "Hiến pháp năm 2013 - Sự kết tinh ý chí, trí tuệ toàn dân tộc". Cuốn sách tập hợp đầy đủ nội dung Hiến pháp Việt Nam từ ngày thành lập nước đến nay để bạn đọc thuận tiện trong tra cứu, nghiên cứu các bản Hiến pháp của nước ta và nhận thức đầy đủ hơn về sự phát triển trong xây dựng Nhà nước pháp quyền trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Sách đăng tải những thông báo, chỉ thị, nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cuốn sách tuyển chọn các ý kiến của các tổ chức cá nhân đóng góp những ý kiến tâm huyết, quý báu đại diện cho trí tuệ của toàn dân tộc. Những ý kiến được tuyển chọn in trong sách đã được Báo Nhân Dân đăng trong chuyên mục "Góp ý kiến về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)". Ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Bằng tâm huyết và trí tuệ của mình, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và xây dựng; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực. Các ý kiến đóng góp đã nêu bật giá trị của Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Ðảng (1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

Qua hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Các ý kiến được đăng tải nêu rõ trong giai đoạn cách mạng mới, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền để phát triển toàn diện, bền vững; xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Ðồng thời, trong nội dung cuốn sách đã lựa chọn, đăng những vấn đề quan trọng, nêu rõ giá trị Hiến pháp (sửa đổi) là sự kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992; là sự thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội để xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/25112602-hien-phap-nam-2013-su-ket-tinh-y-chi-tri-tue-toan-dan-toc.html