Hiên ngang nhà giàn

Nếu như các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa là 'sản phẩm' của thiên nhiên, được con người chinh phục, bồi đắp thì những Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được dựng lên hoàn toàn bằng ý chí, sức mạnh của con người. Đặt chân đến đây càng thấy rõ bản lĩnh, ý chí Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển đảo là không thể khuất phục…

Mọi ngóc ngách trên Nhà giàn đều được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn tận dụng trồng rau xanh.

Mọi ngóc ngách trên Nhà giàn đều được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn tận dụng trồng rau xanh.

Đặt chân lên được các Nhà giàn DK1 là việc rất khó khăn, nguy hiểm. Trước khi được ra thăm quần đảo Trường Sa, thăm các Nhà giàn DK1, tôi được nghe nhà báo Cù Tất Thắc (báo Nam Định) kể năm 2011 ông đã được tới... gần nhà giàn. Khi ấy, tàu đã đưa được đoàn tới khu vực nhà giàn nhưng sóng quá lớn, từ tàu to những chiếc xuồng nhỏ không thể tiếp cận. Các thành viên trong đoàn đành lòng phải đứng trên tàu nhìn vào nhà giàn với sự tiếc nuối. Nhưng đã đến đây thì không thể không có quà cho nhà giàn. Thế là, khi ấy, được sự giúp đỡ của chỉ huy tàu, các diễn viên của Nhà hát Chèo Nam Định đã nghĩ ra cách hát tặng các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn bằng cách hát cho các anh nghe… qua máy bộ đàm.

Trong tiếng sóng gầm gào của biển cả, tay cầm máy, chị Diệu Hằng cùng mấy chị em khác trong đoàn nghẹn ngào cất lên những lời chan chứa: “Anh yêu ơi thương anh nhiều lắm đó/ Đừng lang thang như loài cá rong chơi/ Em yêu anh em thương anh vất vả”... Nhưng vì quá xúc động “tiết mục” của các chị liên tục bị ngắt quãng giữa những tiếng nấc nghẹn ngào. Trên nhà giàn, các cán bộ, quân nhân cũng xúc động không kém, áp sát tai vào bộ đàm để lắng nghe từng “lời của đất liền”. Hình ảnh này sau đó là nguồn cảm hứng để anh Nguyễn Hồng Sơn- Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải Quân- sáng tác ra bài hát “Hát qua bộ đàm”, có những câu nghe thật cảm động thế này: “Này sóng vô tình đến thế/ Này gió ghen hờn với ai/ Mà lỡ ngăn người em gái/ Đặt gót sen hồng bước lên/ Giữa nhà giàn hát ca/ Vì sóng thôi đành nghe hát/ Lời hát trên tàu gió bay/ Nhòe ướt mi người em gái/ Nghẹn tắc khi giọng cất lên”…

May mắn hơn nhiều đoàn công tác, trong lần được tới thăm nhà giàn năm 2012, sóng biển không quá lớn, dù rất khó khăn chúng tôi đã tiếp cận và lên được 2 Nhà giàn DK1/8 và DK1/19 (thuộc bãi ngầm Quế Đường, đặt theo tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn, nằm ở vị trí trung tâm khu vực DK1, cách Trường Sa 99 hải lý, cách Vũng Tàu 254 hải lý).

Từ xa đã thấy trên bốn cây cọc thép khổng lồ “cắm” sâu xuống đáy biển nhà giàn được thiết kế ở trên, theo hình lục giác, sừng sững, hiên ngang giữa đại dương. Trên nóc, cờ Tổ quốc sao vàng năm cánh tung bay phần phật trước gió biển. Hàng chữ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nổi bật giữa trời xanh, biển xanh. Trước khi từ tàu lớn xuống xuồng vào nhà giàn, chúng tôi được cán bộ tàu HQ 571 phổ biến, huấn luyện rất chi tiết cách tiếp cận. Một trong những quy định bắt buộc là khi bước từ xuồng lên cầu thang nhà giàn phải với chân lên bậc thang cao nhất có thể. Đơn giản, nếu bước thấp, gặp đúng lúc sóng dềnh, nâng xuồng lên theo, chân người rất dễ bị thân xuồng dập nát vào cọc đỡ nhà giàn. Sự cảnh báo quả là không thừa! Chiều ấy, biển mới chỉ hơi “trở mình” đã khiến việc lên nhà giàn DK1/19 của chúng tôi vô cùng vất vả, nguy hiểm. Vừa tiếp cận được nhà giàn, chiếc xuồng đầu tiên đưa một số lãnh đạo trong đoàn và các phóng viên vào nhà giàn đã bị sóng đẩy ngược ra. Sau mấy lần lượn ra lượn vào xuồng mới tiếp cận được. Bắt được sợi dây từ xuồng tung lên, các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn hò nhau, căng sức ghì cho xuồng áp sát cầu thang. Bị ghì chặt, sóng không đẩy được xuồng ra xa nữa nhưng vẫn liên tục bắt nó trồi lên trụt xuống. Khó khăn lắm từng người mới lựa chân theo chiều lên xuống của sóng để bước lên cầu thang. Bên trên, bốn cánh tay của hai chiến sĩ đứng hai bên chìa sẵn ra đón. Nhiều người mất bình tĩnh, lập cập, loay hoay được các anh nhấc bổng lên sàn. Nhìn cảnh ấy, những người người ngồi dưới xuồng “đứng tim”. Leo tiếp lên mấy tầng cầu thang chúng tôi cũng đặt được chân lên nhà giàn.

Đó là một tổ hợp làm việc, sinh hoạt có diện tích sàn rộng khoảng trên dưới 100 mét vuông được cán bộ, quân nhân, nhân viên trên nhà giàn sắp đặt rất gọn gàng, ngăn nắp. Theo chia sẻ của thiếu tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy nhà giàn, các nhà giàn DK1 đều nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, là khu vực hoạt động biển nhạy cảm, hết sức phức tạp. Nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò, trinh sát, quấy rối, đánh bắt cá trái phép... vi phạm chủ quyền của ta. Do vậy, cán bộ, quân nhân trên nhà giàn luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu!

Có đến đây mới biết cuộc sống, công việc của cán bộ, quân nhân, nhân viên trên các nhà giàn quá vất vả, thiếu thốn. Chỉ cách thời điểm chúng tôi đến thăm chưa lâu, các nhà giàn còn chưa có điện, phải dùng ắc-quy, điều kiện liên lạc với đất liền cũng rất hạn chế vì chưa có sóng điện thoại. Nhờ phong trào “Chung tay thắp sáng Nhà giàn DK1”, từ năm 2009 các nhà giàn mới có điện năng lượng gió, điện pin mặt trời và sóng điện thoại. Nhưng cũng giống như ở các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, rau xanh, nước ngọt là hai thứ vẫn luôn luôn thiếu. Để khắc phục, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, quân nhân, nhân viên trên nhà giàn cũng phải tăng gia sản xuất bằng cách tận dụng mọi chỗ trống để trồng rau xanh. Chúng tôi thấy rau xanh được các anh trồng cả trên nóc nhà giàn, ngay cạnh nơi đỗ của trực thăng. Các biện pháp tiết kiệm nước ngọt như “tắm tráng”, “tắm kiểu em bé” được áp dụng triệt để.

Hiên ngang Nhà giàn DK1.

Chuyện tình cảm còn thiệt thòi hơn. Khi ấy, chúng tôi được nghe kể có quân nhân tên Dũng, quê ở Thái Bình. Gần ngày cưới vợ, Dũng khấp khởi chờ tàu đến đón về đất liền. Nhưng khi tàu đến, gặp sóng to quá, mấy ngày xuồng vẫn không thể vào đón. Qua ngày cưới rồi sóng… vẫn cứ to. Đám cưới vì vậy đành phải lùi lại đến năm sau. Nhưng Dũng may mắn còn cưới được vợ dù ngày cưới bị trễ. Không ít quân nhân, nhân viên ở nhà giàn khi ấy đã ngoài 30 tuổi vẫn chưa có người yêu. Biền biệt ở nơi chỉ có trời cao, biển rộng thế này “cơ hội” làm quen được với các bạn gái với các anh đâu dễ đến. Với những người đã có gia đình, cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Tại Nhà giàn DK1/8, chúng tôi gặp thiếu úy Phạm Thành An, quê ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường, Nam Định). Hỏi chuyện mới biết An đã có gia đình, đã có hai con gái, hiện vợ và hai con anh đang thuê nhà ở thành phố Vũng Tàu. Con gái lớn của An, cháu Phạm Phan Huyền My khi ấy 10 tuổi, không may bị bệnh rò tủy bẩm sinh. Vậy nhưng vì nhiệm vụ, cả năm An mới được về đất liền thăm con một lần, mỗi lần về phải dành dụm tiền mua thuốc điều trị cho con đủ một năm, anh mới tạm yên tâm quay trở lại nhà giàn. Chút quà hôm ấy đoàn công tác của tỉnh Nam Định gửi cho cháu My có lẽ phải rất lâu sau bố An mới có thể mang về cho con được…

Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng trong thời gian được quây quần với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở những “trụ sở” đứng giữa đại dương này, chúng tôi cảm nhận các anh luôn vui vẻ, lạc quan. Sự lạc quan thể hiện rất rõ qua nét mặt lúc nào cũng tươi cười của thiếu tá Phạm Văn Kiệm, Chính trị viên nhà giàn DK1/19. Thiếu tá Kiệm quê ở Hưng Yên, tính đến khi ấy anh đã có 17 năm liên tục công tác trên các nhà giàn.

Qua lối kể chuyện hài hước của anh, những khó khăn, vất vả, thiếu thốn ở nhà giàn nghe chỉ thấy là những câu chuyện vui vẻ. Ví như anh bảo, ở đất liền mấy ai đã được đi cáp treo (khi ấy cáp treo ở đất liền chưa phổ biến như bây giờ), trong khi ngoài này chúng tớ được đi thường xuyên. Ấy là những khi sóng quá lớn, không thể dùng xuồng, các anh phải đu dây từ nhà giàn ra tàu, rồi lại đu từ tàu về nhà giàn. Anh còn kể, 17 năm anh ở nhà giàn là 17 năm vợ chồng anh “mở cuộc thi đua”. Chồng thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhà giàn, vợ thi đua lo thu xếp việc gia đình, nuôi dạy con cái ở đất liền. Trong “cuộc thi” ấy, cả anh và vợ luôn cảm thấy mình “thua” dù đã rất cố gắng. Vợ anh “thấy thua” vì biết ở ngoài nhà giàn chồng vất vả, thiệt thòi quá mà vẫn vững vàng vượt qua tất cả. Còn anh “thấy thua” vì thấy chỉ một mình mà vợ nuôi dạy được hai con chăm ngoan, học giỏi, cháu lớn giờ đã là sinh viên đại học, lại còn ruộng vườn, chăm sóc bố mẹ hai bên, việc nào cũng chu đáo, trong khi mình chẳng giúp được gì. Còn chúng tôi, nghe anh kể chuyện lại thấy, trong cuộc “thi đua” này, cả thiếu tá Phạm Văn Kiệm và vợ anh ở đất liền đều là những người “về nhất”.

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/hien-ngang-nha-gian-tintuc441290