Hiến mô, tạng: Cho đi là còn mãi

TGTTO Nhiều người sau khi ra đi nhưng đã để lại một phần cơ thể, mô, tạng của mình để mang lại sự sống cho bao người khác. Trước khi trở về cát bụi, họ vẫn tiếp tục thắp sáng bao cuộc đời, để sự sống tiếp tục được nối dài…

Thân nhân của những người hiến mô, tạng tại Lễ phát động Chung tay vì sự sống diễn ra tại Ninh Bình (Ảnh: TGTT online)

Sự sống được nối dài

Trên chuyến xe từ Hà Nội về Ninh Bình tham dự Lễ phát động “Chung tay vì sự sống” và vinh danh những người hiến tạng chiều 18/10, tôi cứ để ý mãi một người phụ nữ đã lớn tuổi với đôi mắt buồn vời vợi ngồi cùng xe. Suốt hành trình cả trăm cây số chị chỉ lặng im. Tới nơi, người đầu tiên đón chị là bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt TW. Nhìn thấy BS Hoàng, chị ôm chầm lấy anh khóc nấc.

Chị là Nguyễn Hải Vân, mẹ của bé Nguyễn Vân Nhi – người đã tặng lại ánh sáng của mình cho các bạn nhỏ khác. Và BS. Hoàng chính là người đã thực hiện ca phẫu thuật lấy giác mạc của bé.

Nói trong làn nước mắt, chị Vân cho biết, bé Nhi mắc bệnh u nhú dây thanh quản từ năm 2 tuổi. Đầu tháng 7/2018 vừa qua bé qua đời. Trước đó, khi sức khỏe yếu nhưng vẫn còn nhận thức được, gia đình có chia sẻ câu chuyện bé Hải An (7 tuổi) hiến giác mạc khi qua đời, bé Vân Nhi tuy không nói được nhưng thể hiện mong muốn được để lại giác mạc khi qua đời. Ngày 2/7, BS. Hoàng đã đến để nhận giác mạc từ bé Nhi. Bé ra đi nhưng đã để lại ánh sáng cho hai bạn nhỏ khác.

Chị Vân nghẹn ngào: “Bé Nhi không còn, nhưng đôi mắt của con mãi thắp sáng cuộc đời này. Cách đây ít hôm, gia đình cháu bé được nhận ánh sáng của Vân Nhi đã tìm đến nhà tôi để thắp hương cho Vân Nhi. Hôm đó gia đình tôi đang trên chùa làm lễ cho con nên không gặp được cháu bé kia. Khi ấy có mẹ tôi ở nhà, bà cứ ôm lấy cháu bé khóc mãi vì xúc động. Chủ nhật tuần này, gia đình tôi sẽ đến nhà bé để mong được gặp “con”…”.

Cũng tại lễ vinh danh những người hiến tạng hôm đó, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ một câu chuyện thực sự xúc động về anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình).

Anh Khiêm là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Người anh ruột bị thiểu năng, bố mẹ già, vợ và 2 con gái còn rất nhỏ (1 tuổi và 3 tuổi). Cách đây 5 tháng, anh Khiêm không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Vì tình trạng quá nặng nên anh được chuyển lên BV Việt Đức cấp cứu, nhưng sau đó rơi vào hôn mê sâu rồi chết não.

Khi biết tình trạng nguy kịch của con, mẹ anh là bà Đinh Thị Thông đã cố nén nỗi đau để bàn bạc, thống nhất với mọi người trong gia đình là hiến giác mạc, tim, gan, thận của anh cho y học.

Ngay sau đó, trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống một bệnh nhân; giác mạc và mô, tạng của anh cũng được ghép cho 5 bệnh nhân khác.

Câu chuyện trái tim của anh Khiêm được vận chuyển vào Huế bằng máy bay để ghép cho một bệnh nhân khác đã được truyền thông vô cùng quan tâm. Những thông tin ấy sau đó được chia sẻ rộng rãi. Và khi thấy hình ảnh thùng đựng tim của anh Khiêm trên máy bay chuyển đi Huế, người cháu ruột anh đã thốt lên một câu khiến tất thảy mọi người đều xúc động: “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!”.

Ý nghĩa nhân văn lan tỏa

GS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Mỗi năm trên thế giới có hàng vạn người được thừa hưởng thành tựu tuyệt vời này. Nhưng rất tiếc nó lại nằm ngoài tầm với của hàng chục nghìn bệnh nhân giai đoạn cuối của nước ta đang chờ chết mỗi năm vì thiếu tạng ghép.

Năm 2017 là năm có số lượng ghép nhiều nhất ở nước ta: 673 ca. Như vậy, hàng chục nghìn người đã không được thừa hưởng thành tựu này. Chúng ta đã có Luật hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người từ 2006, nhưng đến nay mới có 82 người chết hiến tạng. Trung bình mỗi năm chỉ có 10 người. Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì 1 triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết.

Điều đó cho thấy, những người hiến tặng mô tạng chính là những người Anh hùng, họ giúp cho cuộc đời này thêm ý nghĩa. Có nhiều trường hợp đã tạo nên và lan tỏa ý nghĩa nhân văn rất lớn cho cộng đồng. Như trường hợp bé Hải Anh tặng ánh sáng cho các bạn nhỏ sau khi rời xa cõi đời…

Hay mới đây là trường hợp của Thiếu tá Lê Hải Ninh (Yên Mô, Ninh Bình) đã hiến tặng mô tạng của mình để cứu sống 6 người khác cũng là một nghĩa cử cao đẹp.

Thiếu tá Lê Hải Ninh không may gặp tai nạn khi đang làm nhiệm vụ. Bỏ qua định kiến và quan niệm khi chết phải toàn thây, chỉ trong tích tắc, gia đình Thiếu tá Ninh đã đưa ra quyết định mà không phải ai cũng dám làm: Đồng ý hiến tạng anh để cứu nhiều người khác.

Ông Lê Xuân Cựu, bố Thiếu tá Ninh chia sẻ: “Sau này khi mọi việc đã xong xuôi thì gia đình mới thông báo cho họ tộc. Vì nhiều người ở quê còn nhiều định kiến, rào cản về vấn đề này. Nhưng tôi lại nghĩ, khi sống con tôi là quân nhân đã cống hiến cho Tổ quốc, sau khi ra đi vẫn cống hiến cho Tổ quốc theo một khía cạnh khác. Cháu mất đi gia đình tôi rất đau xót, nhưng đến giờ cháu cũng khiến chúng tôi vô cùng tự hào và được an ủi rất nhiều. Vì tôi biết con tôi vẫn còn đang hiện diện trên cuộc đời này. Mong những bệnh nhân được nhận sự sẻ chia của con tôi mau bình phục…”.

Được biết, có 6 bệnh nhân đã được nhận tạng của Thiếu tá Ninh. Trong đó, lá phổi của anh được ghép thành công cho bệnh nhân người lớn tuổi đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2018 vừa qua.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó GĐ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia một lần nữa nhấn mạnh thông điệp: “Cho đi là còn mãi”, mọi người hãy tham gia hiến mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sắp, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác…

HƯƠNG GIANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hien-mo-tang-cho-di-la-con-mai-15733.html