Hiến máu tình nguyện - Lan tỏa tinh thần trách nhiệm và yêu thương đến cộng đồng

Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, vì mỗi giọt máu cho đi sẽ có một cuộc đời ở lại. Hành động nhân văn đó không chỉ giúp ích cho người được truyền máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng. Thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn.

Máu vốn được xem là một phần không thể thiếu của cơ thể con người, có chức năng cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên máu không thể sản xuất ra mà chỉ đến từ việc hiến máu nhân đạo.

Thiếu máu là bài toán muôn thủa không có lời giải không chỉ của ngành y tế mà còn của cộng đồng. Hiện nay, tình trạng cạn nguồn máu dự trữ từ Ngân hàng máu Trung ương thường diễn ra vào mùa hè. Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng.

Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã khiến tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn. Thậm chí, lượng máu dự trữ cạn kiện thời gian gần đây khiến Viện Huyết học – truyền máu Trung ương đã phải “kêu cứu” trên các kênh thông tin đại chúng. Chính vì vậy, việc hiến máu tình nguyện là rất cần thiết. Hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Theo các chuyên gia huyết học, máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội.

Một điều mà những ai chưa đi hiến máu sẽ không biết đó là khi hiến máu, số lượng máu của người hiến sẽ được lưu lại trong ngân hàng máu. Sau này nếu gặp bất cứ trường hợp nào cần đến máu, thì sẽ được truyền miễn phí đúng với lượng đã hiến trước đó. Trong các buổi hiến máu, người hiến máu cũng sẽ được kiểm tra cơ bản về sức khỏe của mình.

Theo các nghiên cứu gần đây, lượng sắc ứ đọng trong người cao sẽ dẫn đến dễ mắc các bệnh ung thư và bệnh tim. Hiến máu là một cách sàng lọc và giảm sắt ứ đọng tốt. Mặc dù chất sắt rất quan trọng đối với cơ thể người, nhưng chất sắt quá cao làm tăng nhanh quá trình oxy đây là thủ phạm chính gây lão hóa nhanh cũng như hồi máu cơ tim và đột quỵ. Nó cũng chính là tác nhân chính dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư ngày càng cao. Một nghiên cứu từ đại học Florida của Mỹ đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên hiến máu giảm 88% các cơn đau tim trong cuộc đời của họ.

Ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 – 10 lần so với bình thường. Hoạt động này của nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường.

Nhiều người sợ rằng hiến máu sẽ khiến cơ thể yếu đi, điều này là không đúng. Hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại cho sức khỏe. Về mặt lợi ích sinh lý của việc hiến máu: có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, quá nhiều sắt hoặc trong một số điều kiện đặc biệt máu quá đặc. Trong những trường hợp này, lấy bớt máu đi là một chỉ định điều trị.

Rất nhiều người coi việc được hiến máu là rất đáng tự hào bởi bản thân họ đã giúp được những người bệnh đang đau ốm, thậm chí là nguy kịch có được sự sống. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được lan tỏa khắp mọi nơi, góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đầy tình yêu thương và cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.

Nhóm máu O có thể truyền cho bệnh nhân của tất cả các nhóm máu. Vì vậy, nhu cầu của nhóm máu này thường rất lớn và thiếu. Bên cạnh đó, huyết thanh của nhóm máu AB có thể được truyền cho bệnh nhân của tất cả các nhóm máu khác. Huyết thanh của nhóm máu này cũng thường bị thiếu.

Hoài Anh

Nguồn Bộ Công thương: https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hien-mau-tinh-nguyen-lan-toa-tinh-than-trach-nhiem-va-yeu-thuong-%C4%91en-cong-%C4%91ong-17912-16.html