Hiến máu tình nguyện là hơi thở, là niềm vui sống mỗi ngày

Khi vào BV chăm sóc người thân bị ốm, chứng kiến người bệnh ra đi vì không có máu để truyền, chị Mai cứ mãi trăn trở: Tại sao mình có sức khỏe thế này mình không làm điều gì đó để giúp những người mắc căn bệnh hiểm nghèo vượt qua cái chết? Niềm đau đáu ấy đã thôi thúc chị hiến máu và bén duyên từ đó đến nay.

Dù đã là lần thứ 2 ra Hà Nội tham dự lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc nhưng chị Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vẫn cảm thấy chộn rộn, phấn khởi.

Chia sẻ về quãng thời gian 20 năm gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện đến từng hơi thở, miếng ăn, giấc ngủ, chị Mai cho biết: “Duyên lành” dẫn dắt chị đến với việc hiến máu lại là từ trong BV. Đó là vào năm 2000, khi đi chăm sóc ba tại BV, chị Mai đã chứng kiến một cụ già cùng phòng bị bệnh hiểm nghèo cần máu để truyền nhưng gia đình cụ nghèo, không có tiền mua máu. “Lúc đó, ngân hàng máu sống ở các BV lúc đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, không có máu truyền, cụ già đó đã chết”.

“Chứng kiến cái chết của cụ tôi rất trăn trở và suy nghĩ: Tại sao mình có sức khỏe thế này mình không làm điều gì đó để giúp những người mắc căn bệnh hiểm nghèo vượt qua cái chết?”, chị Mai nhớ lại.

Sau đó, chị Mai trở về địa phương, được Hội chữ thập đỏ tuyên truyền vận động tham gia hiến máu. Cơ duyên đến như “nắng hạn gặp mưa rào”, sẵn niềm mong muốn được hiến máu cứu người, chị Mai tham gia hiến máu lần đầu tiên khi ở tuổi 34.

Ở tuổi 54 chị Trần Thị Mai vẫn mong muốn đủ sức khỏe để tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện thường xuyên. Ảnh: V.H

Ở tuổi 54 chị Trần Thị Mai vẫn mong muốn đủ sức khỏe để tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện thường xuyên. Ảnh: V.H

Tuy nhiên, để vượt qua được các “cửa ải” ban đầu và duy trì thành tích 95 lần hiến máu trong đó có cả hiến máu tình nguyện, hiến máu khẩn cấp và hiến tiểu cầu, chị Mai cũng phải tuyên truyền, thuyết phục các thành viên trong gia đình rất nhiều-nhất là mẹ ruột và chồng.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu tham gia hiến máu khi con còn nhỏ, chồng lại thường xuyên xa nhà nên chị Mai đã vấp phải sự phản đối của mẹ ruột lẫn chồng. “Chồng tôi không đồng ý vì anh ấy làm trong quân đội, thường đi công tác xa, con nhỏ. Anh ấy sợ hiến máu ảnh hưởng sức khỏe, không ai chăm sóc con. Mẹ tôi cũng phản đối và bảo hiến máu xong ốm yếu thì đừng gọi bà chăm sóc con”, chị Mai chia sẻ.

Thế nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục người thân, đồng thời chứng minh bằng chính sức khỏe của mình sau khi hiến máu, hoàn toàn ổn định. Dần dần chị đã thuyết phục được chồng, không những thế, chồng chị còn luôn ủng hộ. “Tôi tham gia hiến máu được đến hôm nay nhờ có sự chia sẻ của chồng”.

Suốt 20 gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện, chị Mai không chỉ tham gia hiến máu mà còn vận động mọi người trong gia đình, cộng đồng tham gia hiến máu. Hồi đầu khi tuyên truyền, cộng đồng còn ngại đi hiến máu vì nghĩ mọi người còn mất tiền mua máu sao mình lại đi cho? Hiến máu hại cho sức khỏe; hiến máu bị tăng cân, béo phì… Chị Mai đã lấy ví dụ chứng minh từ chính bản thân mình để mọi người thấy hiến máu tốt cho sức khỏe ra sao. Từ đó cán bộ hội viên Hội chữ thập đỏ ở phường và nhân dân đã tích cực tham gia hiến máu.

“Thời điểm trước vận động hiến máu rất khó, nếu vận động quà cáp tiền bạc thì dễ chứ vận động hiến máu lại khó. Nhưng mưa dầm thấm lâu, chúng tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động mọi người tham gia và hiểu ý nghĩa tham gia hiến hiến máu nhân đạo là đem lại sự chia sẻ đồng cảm, cho đi là còn mãi”, chị Mai cho biết.

Và với những cách làm ấy, từ năm 2002-từ khi chị Mai làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường đến nay, phường Cam Nghĩa luôn là lá cờ đầu của TP Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung trong công tác vận động hiến máu và hiến máu tình nguyện. Cùng đó, con gái, chị gái, em dâu chị Mai đều tham gia hiến máu tình nguyện sau khi được tuyên truyền, vận động. Riêng gia đình chị Mai đã góp 70 đơn vị máu để tham gia cứu chữa người bệnh.

Trong 20 năm tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, có nhiều kỷ niệm khiến chị Mai “nghĩ lại vẫn thấy vui” và thậm chí có kỷ niệm tạo bước ngoặt cho công việc, cuộc sống của chị. Đó là vào năm 2014 có một bệnh nhân nữ 29 tuổi bị tim bẩm sinh nhưng nhà nghèo, không có tiền phẫu thuật. BV nói nếu em đó không phẫu thuật thì sẽ tử vong. Lúc đó gia đình em đến Hội chữ thập đỏ xin hỗ trợ tiền, nhưng tiền hội quyên góp được đều mang đi ủng hộ hết.

“Tôi bảo với gia đình em là tiền không có nhưng máu thì chúng tôi có thể vận động được. Gia đình cứ hỏi bác sỹ đi, cần bao nhiêu đơn vị máu thì liên hệ với tôi. Sau đó 1 tuần gia đình liên hệ lại nói bác sỹ cần 4 đơn vị máu nhóm O.

Chiều bác sỹ gọi về và tối 5 anh chị em chúng tôi đi xe từ Khánh Hòa vào TP HCM. Lúc ấy đi xe không phải xe giường nằm mà ngồi khom gối. Đi vào xét nghiệm không được ăn, chỉ uống nước lọc. Chúng tôi vào đến BV xét nghiệm được 4 người, bác sỹ cho về hẹn tuần sau vào xét nghiệm... Sau đó ca mỗ diễn ra, máu được truyền, ca mổ thành công nhờ máu của chúng tôi. Đến nay em gái đó khỏe mạnh, xây dựng gia đình và đã sinh con”.

Và kỷ niệm nữa là bước ngoặt ảnh hưởng đến việc tham gia phong trào hiến máu tình nguyện của chị Mai đến tận bây giờ chính là từ việc hiến máu trong ca tai nạn giao thông. Người bị tai nạn gẫy xương đùi, mất máu phải truyền gấp lại là mẹ ruột của chị. Lúc đó chị vừa tham gia hiến máu được 10 ngày nhưng vẫn giấu, đến để hiến máu truyền cho mẹ. “Khi mẹ tỉnh lại, biết mình được cứu sống từ máu của con gái nên đã thay đổi cách nghĩ về hiến máu tình nguyện. Thay vì phản đối, mẹ đã luôn động viên, chia sẻ với tôi”, chị Mai nhớ lại.

Đến nay, dù đã ở tuổi 54 nhưng người phụ nữ đầy nhiệt huyết này vẫn mong muốn luôn có sức khỏe tốt để hiến máu thường xuyên, liên tục, bởi với chị đó là hơi thở, là niềm vui mỗi ngày…

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hien-mau-tinh-nguyen-la-hoi-tho-la-niem-vui-song-moi-ngay-197650.html