Hiến máu mùa dịch Covid-19: Làm thế nào để hiệu quả mà vẫn an toàn

WHO khẳng định, hầu hết các virus lây qua đường hô hấp không lây qua đường truyền máu, nên người dân có thể yên tâm đi hiến máu...

Do lượng máu dự trữ để phục vụ công tác điều trị bệnh tại các bệnh viện đang còn rất ít. Trong khi đó, người đến hiến máu tình nguyện thời gian qua giảm tới 60% so với trước đây. Trước tình trạng này, các bệnh kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia hiến máu cứu người bệnh.

Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn là nếu tham gia hiến máu nhân đạo trong mùa dịch có an toàn không và làm thế nào để có được hiệu quả tốt nhất?

PV VOV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Trưởng Khoa Vận động hiến máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

PV: Trong thời gian cao điểm về phòng chống dịch Covid 19 như hiện nay, người tình nguyện hiến máu cần lưu ý những thông tin gì, thưa ông?

TS.BS Ngô Mạnh Quân: Chúng tôi luôn mong ngày nào cũng là ngày hội hiến máu, song quan trọng hơn, chúng ta biến việc hiến máu trở nên hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Tức là chúng ta hiến máu dựa theo nhu cầu của người bệnh.

Vì vậy, chúng tôi mong rằng cộng đồng tích cực hưởng ứng tham gia phong trào hiến máu nhưng cũng theo dõi các kênh thông tin để biết rằng ở bệnh viện mình hiến máu, ngày hôm đấy họ cần nhóm máu nào là chính.

Bởi chúng ta biết là máu, cùng như các chế phẩm đặc biệt thì thời hạn dự trữ rất ngắn. Như hồng cầu chỉ dự trữ được 42 ngày, tiểu cầu thì 3-5 ngày, mà không dùng thì sự lãng phí rất lớn.

PV: Bên cạnh việc hiến máu thì việc hiến tiểu cầu cũng đang được khuyến khích. Vậy tiểu cầu có ý nghĩa như thế nào trong điều trị bệnh và người hiến tiểu cầu cần chú ý gì?

TS.BS Ngô Mạnh Quân: Tiểu cầu là một chế phẩm đặc biệt vì giúp cho những trường hợp rối loạn truyền máu, đông cầm máu. Ở nhiều nước thì nhu cầu về tiểu cầu rất cao, như Nhật chẳng hạn vì họ còn sử dụng cho các bệnh lý về ung thư.

Tiểu cầu thông thường được tách từ những bịch máu toàn phần, nhưng không bao giờ đủ cho điều trị. Thế nên chúng tôi vận động những người hiến máu từng phần, tức là dùng hệ thống máu hiện đại để tách tế bào máu, giữ lại tiểu cầu để chữa cho người bệnh.

Bởi vì chế phẩm tiểu cầu như thế này chỉ bảo quản tử 3-5 ngày, nếu không dùng hoặc bảo quản không đúng cách thì nó cũng hỏng. Vì vậy chúng tôi vận động những người từng hiến máu thì trở thành những người hiến tiểu cầu.

Trước đây, bao giờ chúng tôi cũng khám và xét nghiệm lượng tiểu cầu đủ thì mới tiến hành lấy. Với hiến máu toàn phần thì người hiến trên 42kg với nữ và 45 kg với nam. Nhưng với tiểu cầu tách ra và các thể tích máu đòi hỏi thì chúng tôi áp dụng ngưỡng an toàn, tức là chọn người hiến máu trên 55kg và đủ lượng tiểu cầu thì mới cho tách.

PV: Nhiều người dân có bày tỏ lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 khi đến các điểm hiến máu. Vậy bác sĩ có lời khuyên gì về vấn đề này?

TS.BS Ngô Mạnh Quân: Thời gian vừa qua thì người dân rất quan tâm đến việc lây nhiễm SARS-CoV-2. Một là có lây giữa người hiến máu khi đến điểm hiến máu hay không? Thứ 2 là cán bộ y tế có phải trung gian truyền nhiễm giữa người hiến máu với nhau hay không? Thứ 3 là người hiến có thì có thể lây cho người bệnh hay không?

Về những vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần khẳng định là vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 lây nhiễm qua đường truyền máu. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã khẳng định là các loại virus lây nhiễm qua đường hô hấp thì hầu hết không lây qua đường truyền máu. Vậy nên chúng ta có thể yên tâm cho người hiến máu.

Còn với nhân viên thì phải được trang bị các biện pháp phòng hộ tốt nhất để tự phòng cho chính mình và không lây sang người hiến máu. Thứ 3 là bao giờ chúng tôi cũng khuyến cáo người hiến máu trước khi đến các điểm hiến máu thì có đủ thông tin về phòng bệnh, về tiền sử đi lại, tiếp xúc của mình.

Nếu có bất kỳ biểu hiện không ổn thì không đến điểm hiến máu nữa.

Tại điểm hiến máu thì chúng tôi cũng nhắc lại một lần nữa, thực hiện các tờ kê khai để giám sát dịch tễ và đo thân nhiệt người hiến máu 3 lần. Trong suốt quá trình vừa qua, chúng tôi cũng thấy người hiến máu cũng khá yên tâm trước công tác chủ động phòng hộ Covid-19 qua việc đến các điểm hiến máu.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/hien-mau-mua-dich-covid19-lam-the-nao-de-hieu-qua-ma-van-an-toan-1038318.vov