'Mùa' chảy máu mũi!

Lại đến mùa mà nhiều đối tượng: trẻ em, người tăng huyết áp… những người hay chảy máu mũi về mùa này do bất kì nguyên nhân gì rất hay lo lắng. Vậy nên xử lý như thế nào để tránh biến chứng?

Chảy máu mũi và các biểu hiện theo nguyên nhân

Với trẻ em, chảy máu mũi (còn gọi là đổ máu cam) theo “mùa” (mùa hanh khô) như thế này nguyên nhân chính là do viêm mũi hoặc viêm mũi xoang không được điều trị hoặc hay dụi, ngoáy mũi, hay xịt rửa và xì mũi hoặc tác dụng phụ khi sử dụng một số thuốc xịt mũi tại chỗ. Các yếu tố này tác động lên hệ thống niêm mạc giàu mạch máu của mũi, đặc biệt là phần trước của vách ngăn và của cuốn mũi dưới.

Lưu ý: Một số trường hợp đặc biệt ở trẻ em nam, chảy máu nhiều lần, tiền sử gia đình có những bệnh di truyền về máu .. nên làm một số xét nghiệm cơ bản để loại trừ bệnh toàn thân như đông máu cơ bản, công thức máu...nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm để điều trị kịp thời.

Đối với người lớn: thường là hậu quả của các cơn tăng huyết áp, chiếm 60% các trường hợp chảy máu mũi.

Biểu hiện thường gặp là bệnh nhân hay cảm giác nóng bừng trên mặt, cay cay trong hốc mũi thậm chí nhức mắt kèm chóng mặt và hoa mắt. Sau đó thấy có dịch tanh tanh chảy xuống miệng rồi ào ra trước mũi. Máu đỏ tươi và chảy một lượng vừa phải. Thời gian xuất hiện hàng ngày thường từ khoảng 19-22 giờ. Bệnh nhân có thể có tiền sử bệnh tăng huyết áp hoặc không phát hiện được tăng huyết áp trước đấy.

Chảy máu mũi còn do một số nguyên nhân khác: 40% các trường hợp còn lại có thể là thời điểm thuận lợi trong mùa hanh khô, độ ẩm trong không khí cao dẫn đến tình trạng lớp thảm nhầy bảo vệ niêm mạc mũi bị khô... Chảy máu mũi cũng có thể do dị vật mũi: thường gặp ở trẻ nhỏ, do trẻ nhét các đồ chơi, các loại hạt… vào mũi.

Chảy máu mũi do khối u: Các khối u trong hốc mũi xuất hiện tình trạng thiếu máu dinh dưỡng bề mặt nên bắt đầu hoại tử và xuất hiện chảy máu: tuy nhiên máu thường không đỏ tươi mà lẫn với dịch mũi, có màu lờ lờ (máu cá- màu nâu đỏ) và có mùi thối. Thường lúc này bệnh nhân đã có hiện tượng ngạt tắc mũi một bên xuất hiện từ từ và tăng dần, đau và tê bì nửa bên mặt cùng bên chảy máu…(nếu là u ác tính), một số trường hợp u lảnh tính như u máu, u xơ mạch vòm mũi họng: máu chảy thường số lượng nhiều và máu đỏ tươi, người bệnh thường có tình trạng mất máu mạn (da xanh tái, môi nhợt nhạt, mạch nhanh…).

Có những trường hợp chảy máu mũi do các bệnh lý toàn thân: các bệnh về máu (Hemophillia, ung thư máu….), bệnh gan, bệnh hệ thống, von Wilebrand, Thiếu hụt vitamine K...; một số bệnh cấp tính như: sốt xuất huyết, Sử dụng thuốc: kháng viêm non – steroid, thuốc chống đông, huyết khối, hoặc chảy máu mũi ở phụ nữ có thai.

Chảy máu mũi ở phụ nữ có thai thường xảy ra ở giai đoạn thứ 3 của thai ký và kéo dài đến khi sinh. Nguyên nhân là do khi có thai, hệ thống mạng lưới mao mạch tăng cường sản xuất máu để cung cấp cho thai, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến chảy máu mũi.

Có những trường hợp chảy máu mũi vô căn: Xuất hiện ở nam thanh niên, tuổi từ 16-25, chảy máu mũi từng đợt, không tìm được nguyên nhân.

Xử trí như thế nào khi bị chảy máu mũi?

Cần đánh giá mức độ chảy máu mũi để xử trí.

Trong trường hợp nhẹ: Máu chảy ít một, không ảnh hưởng đến toàn trạng, có thể điều trị tại nhà.
Trường hợp trung bình: chảy máu thành dòng, toàn trạng bị ảnh hưởng (mạch nhanh, huyết áp tụt nhưng huyết áp tối đa trên 50, Hb > 25g/l), cần đến bệnh viện để điều trị ngay.

Trường hợp nặng có thể gây sốc mất máu, hoặc sặc máu đường thở; mạch nhanh, huyết áp tối đa < 50, có thể không đo được, tinh thần kích thích vật vã. Trong trường hợp này phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.

Sơ cứu khi trẻ em bị chảy máu mũi

Đỡ trẻ ngồi dậy, ngồi cúi người ra phía trước. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ép cánh mũi bên bị chảy máu. Nhẹ nhàng ấn sát mũi vào xương mặt. Giữ nguyên trong 5 phút (không nên thả tay giữa chừng để xem máu hết chảy hay chưa). Sau 5 phút, thả tay rất nhẹ nhàng để xem máu hết chảy chưa. Khi máu đã ngưng chảy, cho trẻ sinh hoạt nhẹ nhàng như bình thường. Lúc này, cần hạn chế việc trẻ xì mũi, vì có thể làm bung cực máu đã đông.

Nếu nhiều máu trong mũi, cần xì ra trước khi ép cánh mũi. Không cho trẻ ngửa đầu ra sau vì khó theo dõi được lượng máu chảy.

Sơ cứu chảy máu mũi cho người lớn cũng theo cách tương tự./.

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/mua-chay-mau-mui-817588.vov