Hiến kế xây dựng cơ chế điều phối vùng hiệu quả

Đó là mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để Vùng kinh tế kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn và trở thành đầu kéo nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ - Ảnh Lê Tân

Sáng 25.6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển Vùng KTTĐBB, sự kiện mới nhất trong chuỗi các hội nghị mang tính chất liên vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm về chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước với 16,14 triệu người, chiếm 32% GDP cả nước, thu ngân sách trên 31% và xuất khẩu hàng hóa chiếm trên 30% cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Vùng KTTĐBB đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 9,86%, GDP đầu người năm 2018 đạt trên 4.800 USD (gấp 1,85 lần so với bình quân cả nước).Tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều. ”Đặc biệt, đây là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm mà tất cả các tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương” Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng rất kỳ vọng vùng KTTĐBB sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có để trở thành đầu kéo của nền kinh tế nước nhà - Ảnh Lê Tân

Trên thực tế, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có rất nhiều thuận lợi để phát triển. Các tỉnh, thành phố trong vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng vùng KTTĐBB còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. “Nếu sớm giải quyết, tháo gỡ thì vùng sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, Thủ tướng nói.

Cụ thể, Vùng KTTĐBB chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, bảo đảm an ninh trật tự...

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều. (Quảng Ninh thứ 1, Hà Nội thứ 9, Vĩnh Phúc thứ 13, Bắc Ninh thứ 15, Hải Phòng thứ 16, Hải Dương thứ 55, Hưng Yên thứ 58).

Thủ tướng cho rằng rất cần một cơ chế điều phối vùng hiệu quả để phát huy được sức mạnh của vùng KTTĐBB - Ảnh Lê Tân

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc của Vùng KTTĐBB. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp với nội hàm mới, thiết thực cho cả vùng và từng địa phương. “Vùng này tiếp theo có trồng lúa không, chuyển đổi như thế nào, đô thị làm sao, khu công nghiệp thế nào, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, hướng về xuất khẩu thế nào. Tôi cũng đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần cơ chế chế gì để điều phối vùng hiệu quả, nhất là vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đây là vấn đề quan trọng mà chúng ta đang loay hoay”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 – 2030, đảm bảo kết nối, đồng bộ quy hoạch trong tổng thể phát triển vùng. Ưu tiên hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng khu công nghiệp, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, đào tạo nhân lực, y tế chuyên sâu… Các địa phương trong Vùng KTTĐBB tiếp tục đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong liên kết phát triển.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung đã đề nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ phân công một Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐBB để dễ điều hành, phân công”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị ưu tiên nguồn lực mỗi địa phương để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông có tính liên kết vùng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vùng KTTĐBB.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất sớm tháo gỡ những bất cập trong luật Quy hoạch, luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Đô thị… nhằm huy động được nguồn lực của các tập đoàn kinh tế.

Hội nghị cũng đã nghe những đóng góp của tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam về thực trạng và giải pháp chiến lược thu hút đầu tư bền vững; tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham luận về vai trò của logistics trong liên kết chuỗi. Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FLC, Tập đoàn VinGroup đóng góp ý kiến về môi trường đầu tư, hạ tầng đô thị, giao thông…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổn hợp các ý kiến đóng góp trong hội nghị, chủ trì, phối với với các địa phương đề xuất mô hình, cơ chế quản lý vùng rồi báo cáo Thủ tướng để sớm triển khai thực hiện.

Lê Tân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/hien-ke-xay-dung-co-che-dieu-phoi-vung-hieu-qua-1096395.html