Hiến kế phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi

Tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tổ chức mới đây tại tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi cần có những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Chính sách nhiều nhưng bất cập

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ GD&ĐT ở vùng DTTS. Với sự quan tâm này, giáo dục không chỉ góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, mà còn tạo dựng lên nhiều thế hệ thanh niên DTTS có tri thức, tự tin trong lao động, sản xuất; là những nhân tố tích cực trong tạo việc làm xóa đói, giảm nghèo…

Nhờ có các chính sách hỗ trợ giáo dục, trẻ em DTTS và miền núi đến tuổi đi học đều được đến trường

Nhờ có các chính sách hỗ trợ giáo dục, trẻ em DTTS và miền núi đến tuổi đi học đều được đến trường

Tuy nhiên, chính sách không thiếu, nhưng đến nay, GD&ĐT vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhiều nơi còn thiếu và yếu... Đến nay, mặc dù đã thực hiện được nhiều năm nhưng một số chế độ, chính sách đối với học sinh trường phổ thông DTNT, trường Dự bị Đại học và sinh viên DTTS đã lạc hậu chưa được sửa đổi hoặc ban hành mới. Ví dụ: Các chế độ trợ cấp xã hội, cấp kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh người DTTS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; học sinh DTTS thuộc hộ nghèo.

Chuyển từ hỗ trợ sang tạo cơ hội

Trước những tồn tại trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp ý kiến với mong muốn hoạt động GD&ĐT vùng DTTS và miền núi sẽ được quan tâm hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Từ khi có mô hình bán trú cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, ở bậc THPT lại không có trường nội trú, nhiều học sinh phải thuê nhà trọ bên ngoài. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: Khó khăn trong cuộc sống, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bỏ học, một số học sinh phải bỏ học do lỡ mang thai…”. Từ thực tiễn đó, ông Lô Thanh Nhất kiến nghị tổ chức lại hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú cấp huyện.

Ông Ma Ly Phước – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước thì cho rằng, cần quan tâm đào tạo hệ sư phạm mầm non ở các vùng DTTS và miền núi vì đây là nền tảng cho các em học tiếng Việt. Ngoài ra, chính sách cử tuyển nên tiếp tục thực hiện nhưng điều chỉnh lại điều kiện được cử tuyển và không nên quy định quá cứng nhắc, bắt buộc các em ra trường phải bố trí việc làm tại địa phương.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng kiến nghị xem xét lại chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh miền núi, vì số gạo hỗ trợ chỉ về đến trung tâm huyện, từ huyện học sinh phải thuê xe vận chuyển về nhà rất tốn kém, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm trong mùa mưa. Nhiều học sinh khi vận chuyển gạo về đến nơi thì không dùng được nữa do hư hỏng, ẩm mốc. Học sinh một số dân tộc thường ăn lúa nếp không quen ăn cơm tẻ, nên có tình trạng một số em mang gạo đi bán rẻ.

Về vấn đề có nên duy trì mô hình trường PTDT nội trú, bán trú hay không? Đa phần các đại biểu cho rằng, cần duy trì nhưng cần đặt các trường ở trung tâm các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho học sinh DTTS có cơ hội hòa nhập với đời sống xã hội tốt hơn.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể: Một là các chính sách chung đối với giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi. Hai là duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình giáo dục trường bán trú và nội trú, trong đó chú trọng củng cố điều kiện tốt hơn về sinh hoạt, chế độ và phương thức giáo dục. Ba là duy trì chế độ cử tuyển nhưng phải trên cơ sở điều chỉnh lại tiêu chí tuyển chọn, phương thức đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách liên quan để thúc đẩy phát triển GD&ĐT vùng DTTS và miền núi, chuyển từ chính sách hỗ trợ sang tạo cơ hội cho đồng bào, từng bước tạo điều kiện để GD&ĐT vùng DTTS và miền núi phát triển thuận lợi, thực chất hơn” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

H.M

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-ke-phat-trien-giao-duc-vung-dtts-va-mien-nui-120002.html