'Hiến kế' phát huy nguồn lực nhân dân cho phát triển đất nước

Làm thế nào để phát huy tối đa nhân tố con người, phát huy tối đa nguồn lực nhân dân của hơn 95 triệu dân Việt Nam, trong đó có khoảng 3 triệu trí thức, 12 triệu công nhân, 2,5 triệu doanh nhân cho sự phát triển đất nước? Là câu hỏi trong tình hình phát triển đất nước hiện nay.

Có chính sách khuyến khích đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học... phát minh, sáng chế phát triển kinh tế xã hội. Ảnh minh họa

Nhân dân giám sát chặt chẽ cán bộ có chức, có quyền

Mới đây, tại Hội thảo “Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay - Vấn đề và giải pháp”, ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ đã "hiến kế" nhằm phát huy nguồn nhân lực từ nhân dân cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông Trung, nguồn lực trong nhân dân rất to lớn, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam có hơn 35 triệu người dân thoát nghèo, trở thành một trong những điểm sáng được cả thế giới ghi nhận về công tác an sinh xã hội. Thực hiện phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra", nhiều nơi đã phát huy tốt quyền làm chủ của người dân trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều nhà trí thức, khoa học kỹ thuật đã có những phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, nguồn lực cho sự phát triển đất nước nhìn chung chưa được phát huy tốt, việc khuyến khích, huy động nguồn nhân lực cho sự phát triển còn hạn chế, lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển là đội ngũ tri thức, các nhà khoa học nhưng hoạt động kém hiệu quả, thiếu say sưa, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ít quan tâm phát minh, sáng chế, sáng kiến.

Bên cạnh nguồn nhân lực và tài lực thì nguồn vật lực trong nhân dân cũng chưa được phát huy tốt. Nguồn lực đất đai mà các doanh nghiệp, người dân đang được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất dài hạn còn lãng phí và nghiêm trọng....

Cũng theo ông Trung, để phát huy các nguồn lực trong nhân dân cho phát triển đất nước, Đảng tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân để khơi dậy các nguồn lực cho phát triển đất nước và trước tiên phải phát huy tốt dân chủ trong Đảng. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch lớn của Nhà nước, thực hiện được quyền trưng cầu dân ý theo luật định. Có cơ chế để nhân dân giới thiệu, tiến cử người có đức, có tài cho Đảng, Nhà nước và giám sát chặt chẽ những cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền trong hệ thống chính trị.

Phát huy vai trò báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Đảng, Nhà nước coi đây là kênh thông tin tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, kể cả việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình hiện nay. Đồng thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật sẽ là động lực to lớn khơi dậy phát huy nguồn nhân lực, tài lực và vật lực trong các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cho phát triển đất nước.

Không để "chảy máu chất xám"

Bổ sung chính sách tạo môi trường thuận lợi để mỗi người có cơ hội phát huy mọi năng lực sáng tạo, đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, có chính sách khuyến khích đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài có phát minh, sáng chế, sáng kiến, hiến kế... có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội "Một đất nước không để "chảy máu chất xám", một đất nước trọng dụng nhân tàisẽ là một đất nước phát triển nhanh, bền vững về mọi mặt", ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách phát huy nguồn vốn rất lớn trong nhân dân cho đầu tư và phát triển. Một số địa phương thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đội ngũ cán bộ gương mẫu được dân tin yêu đã huy động được rất lớn ngày công, tiền vốn, vật tư trong nhân dân để xây dựng kế cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, nhất là các mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, để phát huy nguồn lực trong nhân dân, chúng ta không thể bỏ qua vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Các hội viên thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước; tiếp tục vận động, đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Bảo Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/hien-ke-phat-huy-nguon-luc-nhan-dan-cho-phat-trien-dat-nuoc_t114c7n128216