Hiến kế khôi phục dòng Tô Lịch như thời lập Kinh đô?

Sông Tô Lịch con sông chạy vòng quanh Thủ đô Hà Nội hiện đã trở nên ô nhiễm mà chưa có phương án rõ ràng.

Chia sẻ với Báo Đất Việt, TS. Nguyễn Hoàng Điệp - Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ (CTCS) đã bày tỏ sự đau xót trước tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, con sông đã gắn liền với các sự kiện lịch sử và cũng là huyết mạch đường sông của Kinh đô Thăng Long xưa dưới các triều đại phong kiến Việt Nam (Lý – Trần – Lê – Trịnh).

TS. Nguyễn Hoàng Điệp- Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ (CTCS)

TS. Nguyễn Hoàng Điệp- Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ (CTCS)

Ngày nay, dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chưa thể xử lý được vấn đề ô nhiễm của con sông này. Vốn là một Thủ đô hòa bình, việc một con sông bốc mùi, cạn kiệt nước không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc gìn giữ lịch sử, tôn tạo văn hóa của Hà Nội.

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Hoàng Điệp, nước thải sinh hoạt của người dân và nước mưa từ 2 bên bờ xả xuống không được xử lý trước khi thải xuống sông khiến việc xử lý ô nhiễm của con sông là rất hạn chế. Gần 2 năm nay, một công ty của Nhật Bản đã tham gia việc xử lý chất thải của con sông, đặc biệt là xử lý kim loại nặng và không loại trừ một hàm lượng nguyên tố phóng xạ, sợi Amiăng (rất khó loại trừ) chưa đưa đến kết quả khả quan.

Thực chất là bởi bản chất của việc xử lý trên Sông Tô Lịch là dòng nước bị xả xuống liên tục chứ không phải xử lý chất độc trong bể chứa. Do đó, dù công nghệ tiên tiến và đắt đỏ thế nào, từ Nhật Bản hay Đức... cũng không thể xử lý chất thải trên dòng sông liên tục xả chất bẩn, không tĩnh lặng.

"Tôi đã sang Berlin (Đức), sang cống ngầm Paris (Pháp) và thấy rằng dù có cách nào, công nghệ hiện đại tới đâu cũng không thể xử lý được kim loại nặng, nhất là hàm lượng sợi amiang gây ung thư và không loại trừ một số nguyên tố phóng xạ tồn đọng" - TS. Điệp nhận định.

Theo ý kiến của TS., do không thể xử lý ngay việc xử lý nước thải trước khi đổ ra sông nên chỉ có cách đặt các đường ống ngầm dưới đấy sông để tiêu thoát nước thải và nước mưa (như nhiều nước đã làm) trên đường đổ về cuối dòng sông ở Ngã Tư Sở rồi tiến hành xử lý nước thải thu gom ở đây. Khi dòng nước tĩnh thì việc xử lý nước thải đơn giản và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.

Dưới lòng Sông Tô Lịch có thể đặt 4 đường ống có đường kính từ 1m - 1,2m bằng chất liệu composite hoặc bê - tông. Nếu không lựa chọn việc đặt 4 đường ống thì có thể xây một đường cống ngầm thoát nước thải có không gian rộng khoảng 3m - 4m để phục vụ riêng cho việc thoát nước thải. Việc lựa chọn dùng đường ống nào cần có sự tham gia góp ý của các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia.

Bên cạnh việc đặt các đường ống ngầm thì bắt buộc ở mặt tiếp giáp với hệ thống tiêu thoát nước thải (nơi đáy sông) phải trải nhiều lớp bạt pha nilon (có thể dùng màng chống thấp HDPE loại 2mm hoặc bạt nhựa chống thấm nước). Các lớp liên kết với nhau bằng loại keo kết dính chịu nước, đảm bảo giữ nước chống thẩm thấu của dòng sông. Các vật liệu này có sức bền vật liệu hàng trăm năm ở đáy sông.

Vì sao cần đặt đường ống dưới lòng sông? Bởi nếu làm hệ thống như một dạng máng nước trên 2 bên bờ thì sẽ mất mỹ quan, mất tiết diện hai bên dòng sông để phục vụ các ý đồ khác của nhà quy hoạch. Không gian mặt bằng đó sẽ dành cho các hoạt động như đường băng chuyền (vận chuyển đi lại), hệ thống tự động của sân khấu nổi và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Cải tạo sông Tô Lịch là nỗi trăn trở của nhiều người dân Hà Nội. Ảnh: Người Lao động

Với việc gom nước thải sinh hoạt và nước mưa từ 2 bên bờ sông vào các đường ống sẽ làm cho nước của Sông Tô Lịch bị triệt tiêu sự ô nhiễm. Nó sẽ tạo thêm nhiều cảnh quan, Sông Tô Lịch sẽ được dẫn nước qua một trung tâm xử lý nước sạch từ Hồ Tây. Nước Sông Tô Lịch được dâng cao lên tới 3,5m thì dòng Tô Lịch sẽ xanh đẹp hơn và diện tích mặt sông sẽ rộng hơn.

Khi nhánh sông Tô Lịch chạy dài từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt về đến Cầu Giấy và có thể kéo dài đến Ngã Tư Sở được cải tạo thì nguồn nước cấp trong lành cho nó sẽ được bơm từ Hồ Tây qua hệ thống đường ống lọc chuyển về. Còn nguồn nước cung cấp cho Hồ Tây được đào từ một con mương ngầm (có thể rộng từ 2 - 3m có van đóng mở tự động 2 đầu) được dẫn từ Sông Hồng vào Hồ Tây. Mùa nước lớn có thể mở cửa van cho nước vào Hồ Tây. Mùa nước cạn có thể tổ chức hệ thống máy bơm có áp suất thủy lực cao, bơm nước vào Hồ Tây qua đường mương ngầm.

Với cách tổ chức như vậy, "một công được đôi việc", nước Hồ Tây luôn được lưu thủy, thau rửa sẽ không còn diễn ra những sự kiện tương tự như năm 2016, làm hơn 200 tấn cá bị chết .

Khi ấy, Hồ Tây và Sông Tô Lịch có thể tổ chức các hoạt động Vui chơi - Giải trí - Văn hóa - Thể thao - Du lịch sôi động, náo nhiệt.

Trên dòng Tô Lịch có thể tổ chức các bộ môn thể thao: Bơi lội, đua thuyền, lướt ván, moto đua nước... Cả Hồ Tây và sông Tô Lịch có thể tổ chức các dàn nhạc nước, vòi phun nước độc đáo... kéo theo nhu cầu về văn hóa ẩm thực, mua sắm hàng lưu niệm, tiểu thủ công mỹ nghệ vùng miền phát triển tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Hồ Tây và Sông Tô Lịch, Bưởi – Cầu Giấy – Ngã Tư Sở sẽ là một quần thể: Văn hóa – Du lịch – Thể thao, vui chơi, giải trí sầm uất của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hai bên bờ sông trở thành những con phố đi bộ trên vỉa hè. Ở đó có thể cho phép các cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, quán ăn ẩm thực đặc sắc nhất 3 miền đất nước được thăng hoa, phô diễn nơi đây.

Công trình văn hóa lịch sử hoành tráng dọc bờ sông Tô Lịch làm sống lại lịch sử

TS. Nguyễn Hoàng Điệp cũng nêu ý tưởng làm một công trình văn hóa nghệ thuật, vừa thể hiện tinh hoa làng nghề truyền thống gốm sứ nước Việt, vừa thể hiện tầm nhìn của việc quảng bá văn hóa lịch sử Việt Nam gắn liền với sự ra đời của Kinh thành Thăng Long.

Công trình đó là một con đường gốm sứ tại Bưởi - Cầu Giấy (xuất phát từ Ngã tư: Hoàng Hoa Thám - Lạc Long Quân - Bưởi - Hoàng Quốc Việt tới cầu vượt Cầu Giấy). Công trình có ý nghĩa lịch sử mang bóng dáng của nền văn hóa hiện đại nối tiếp truyền thống của tổ tiên.

Tại đây, ta sẽ xây dựng nhà máy điện Mặt trời ở độ cao từ 20m đến 25m bằng hệ thống cột, dầm chịu lực mạ inox dọc không gian Sông Tô Lịch dài gần 10km, rộng 15m và nhà máy Phong điện (gió trời) cao trên 150m bằng hệ thống diều gió, thuyền gió theo công nghệ của Italia, Công hòa Liên bang Đức, Hà Lan. Và hệ thống người robot chỉ dẫn giao thông với dải băng chuyền công nghệ cao.

Đặc biệt là giàn phông (trên không gian mặt sông cách mặt nước 10m) hàng ngàn bức tranh, ảnh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa của ba miền đất nước được hội tụ ở nơi này. Nơi đây tập trung đỉnh cao của cuộc Cách mạng Khoa học – Công nghệ 4.0. Ngoài ra, con đường cao tốc hiện đã được xây dựng rất kiên cố bằng những bức tường bê tông cốt thép có thể tồn tại bền vững lâu dài, rất ổn định về địa chất công trình. Nếu được "trang trí" bằng các bức tường gốm sứ thể hiện các sự kiện lịch sử (Vua Lý Công Uẩn đi tìm đất xây dựng Kinh đô) và các triều đại Lý – Trần – Lê – Trịnh hàng ngàn năm lịch sử rất có ý nghĩa.

Cần nhớ, Sông Tô Lịch khi xưa là hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của đất Kinh Kỳ - Thăng Long - Kẻ Chợ của các Vương triều phong kiến Việt Nam.

Trước khi viết chiếu dời đô, Vua Lý Công Uẩn đã từng đi thuyền thị sát về Thành Đại La. Khi thuyền Vua đi từ Sông Nhuệ rẽ vào nhánh Sông Tô Lịch (địa phận Cầu Giấy - Bưởi bây giờ) đã ngự tại Bến Giang Tân, nơi hợp lưu của Sông Tô Lịch và Sông Thiên Phù (nay là gần khu cổng Làng Bái Ân và đầu Đường Hoàng Quốc Việt), Sông Thiên Phù và Bến Giang Tân đã bị lấp.

Từ Bến Giang Tân nơi thuyền rồng Vua ngự, Vua Lý Công Uẩn đã nhìn thấy rồng vàng bay lên và quyết định viết chiếu dời đô từ Kinh đô Hoa Lư về đất Đại La và đặt tên là Kinh thành Thăng Long (1010) (Rồng bay lên).

Khi thuyền Vua đậu Bến Giang Tân, dân các làng thuộc vùng Kẻ Bưởi thời bấy giờ đã hò reo, cờ treo, trống mở, tung hô vạn tuế và mang lễ tạ nhà Vua. Vua Lý Công Uẩn cảm kích trước tấm lòng thiện tình của bách tính, lễ dân vùng này nên đã đặt tên cho hai làng là Bái Ân và Nghĩa Đô. Tên đó còn tồn tại đến ngày nay.

Trong khi đó, địa danh Cầu Giấy là nơi đã diễn ra chiến trận ác liệt giữa quân cờ đen của Hoàng Hữu Viêm (còn gọi là Hoàng Tá Viêm) và Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo, đã tiêu diệt một cánh quân thuộc đội quân viễn chinh Pháp tới xâm lược Thành Hà Nội, dự định đánh chiếm ra ngoại ô. Tại hai trận chiến ác liệt này, quân cờ đen đã tiêu diệt hai tướng Pháp là Francis Garnier và Henrie Riviere, hai tướng nổi tiếng của nước Pháp.

Chợ Bưởi là chợ đầu đầu mối đầu tiên và lâu đời nhất của Kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ xưa.

Đường Hoàng Hoa Thám là dấu ấn vàng son của Vua Lý Nam Đê (Lý Bí)- người đã lập ra Nhà nước Vạn Xuân vào năm 544. Nhà Vua đã cho xây dựng con đê (phòng tuyến Sông Tô Lịch) chống quân Nhà Lương, từ Chợ Gạo (gần Ô Quan Chưởng bây giờ) chạy dài đến cuối Đường Hoàng Hoa Thám, nay dấu tích con đê còn sót lại là những dải đất cao trên Đường Hoàng Hoa Thám.

Nơi hợp lại của 4 con đường (gần Chợ Bưởi) như một dấu ẩn lịch sử, là nơi gặp nhau giữa hai nhà Tiền Lý và Hậu Lý. Nơi đây có thể đắp một bức tượng đài cao 15m về hai nhà Vua thời Tiền Lý và Hậu Lý. Cụm tượng đài này được xây dựng là điểm nhấn của Con đường gốm sứ Bưởi - Cầu Giấy, không chỉ nêu cao giá trị văn hóa mà còn giới thiệu cho giới trẻ hiện nay những diễn biến lịch sử duy nhất của các triều đại Việt Nam với truyền thống nối tiếp nhau thật độc đáo và hiếm có.

Sau đó, bên Cổng Làng Bái Ân (nay là khu trồng cây xanh rộng tới 1.000m2), có thể xây dựng một tượng đài cao từ 10m đến 15m hình tượng Rồng vàng nhà Lý đang phun nước trên mây. Đó sẽ là đặc trưng tuyệt đẹp và biểu tượng đắt giá nhất về Thăng Long – Hà Nội đối với khách du lịch khi tới Thủ đô Hà Nội. Nếu dự án này được thực hiện thì đây là công trình sáng giá nhất của Thăng Long – Hà Nội để lại mãi mãi mai sau cho con cháu và là niềm tự hào của nhân dân Hà Nội để triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Công văn của Thành phố Hà Nội lắng nghe hiến kế của chuyên gia về những sáng kiến khôi phục nét đẹp lịch sử Hà Nội.

Dự án của TS. Nguyễn Hoàng Điệp đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét. Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công văn số 5473/VPCP – KGVX ngày 7 – 7 – 2020 cho TP. Hà Nội.

Cuối Tháng 7/2020, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, chủ động trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Điệp để tham mưu buổi tiếp và làm việc giữa Lãnh đạo UBND Thành phố và chuyên gia về dự án. Tuy nhiên, do các diễn biến tại UBND TP. Hà Nội và tình hình dịch bệnh nên cuộc gặp chưa được thực hiện.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/hien-ke-khoi-phuc-dong-to-lich-nhu-thoi-lap-kinh-do-3422828/