Hiến kế khắc phục tồn tại trong ứng dụng CNTT ngành Tài chính

Trong khuôn khổ hội thảo Vietnam Finance 2018, phiên toàn thể đã đưa ra những vấn đề tổng quan trong quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong ngành Tài chính cùng góc nhìn chuyên gia trong nước và ngoài nước về mô hình chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu lớn; mô hình chuyển đổi số ngành Tài chính; mô hình số hóa quy trình vận hành và nội dung tài liệu cho ngành Tài chính; giải pháp bảo mật các thiết bị tin học kết nối mạng.

Ông Đặng Đức Mai (giữa) thảo luận tại phiên báo cáo chính.

Chủ động ứng dụng CNTT

Theo nhận định của ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính luôn chủ động, kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm triển khai các chủ trương, định hướng của Chính phủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách để phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy ứng dụng CNTT cũng như thích ứng với CMCN 4.0 đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Đơn cử như chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, Chính phủ ưu đãi về thuế thu nhập DN ở mức cao nhất cho các dự án đầu tư mới tại khu công nghệ cao; miễn thuế NK cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm; một số hàng hóa, dịch vụ liên quan đến khoa học và công nghệ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; miễn tiền thuê đất có thời hạn hoặc cho cả thời gian hoạt động của các dự án công nghệ,…

Ông Tuấn cho biết thêm: Bộ Tài chính cũng đã triển khai hiệu quả một số hệ thống thông tin tài chính quy mô lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính ngân sách như TABMIS, TMS, VNACCS/VCIS, quản lý công sản,… Việc cải cách, hiện đại hóa đã giúp cắt giảm số giờ làm thủ tục cho người dân, DN, đồng thời giúp Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng ICT Index trong 6 năm liên tiếp (2013-2018).

Tuy chủ động, tích cực nhưng tồn tại vẫn còn. Đánh giá về những tồn tại trong việc ứng dụng CNTT của ngành Tài chính, ông Đặng Đức Mai – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết: Về dữ liệu, nếu xét về mặt sẵn sàng để xử lý, sẵn sàng cho phân tích, nhiều dữ liệu của Ngành vẫn còn ở dạng không có cấu trúc (dựa trên giấy), nhiều dữ liệu chưa được chuẩn hóa, nhiều dữ liệu khó kết nối từ nhiều cơ sở dữ liệu và ứng dụng rời rạc, do đó dữ liệu vẫn không đủ cả về chất lượng lẫn số lượng để hỗ trợ phân tích sâu.

Về ứng dụng, thực tế cho thấy một số chức năng nghiệp vụ cốt lõi chưa được hỗ trợ đúng mức bởi các ứng dụng CNTT trong khi một số chức năng lại được hỗ trợ bởi nhiều ứng dụng khác nhau, dẫn đến tình trạng trùng lắp trong các quy trình nghiệp vụ.

Về hạ tầng, các ứng dụng của ngành Tài chính được vận hành trên nhiều hệ điều hành, phần mềm kết nối trung gian (middleware) và cơ sở dữ liệu khác nhau làm cho môi trường sản xuất thêm phức tạp, khó quản lý và bảo trì, chưa kể đòi hỏi đầu tư tốn kém vì mỗi ứng dụng cần chạy trên nhiều lớp phần mềm hệ thống.

Về an toàn, bảo mật thông tin, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống phá hoại, tấn công, xâm nhập, mất mát thông tin chưa được đáp ứng đúng mức cho toàn hệ thống, từ máy trạm đến trung tâm dữ liệu.

Tin học hóa các nghiệp vụ cốt lõi

Để khắc phục những tồn tại nói trên, ông Mai kiến nghị 4 giải pháp để khắc phục từng nhóm vấn đề.

Thứ nhất, ngành Tài chính cần có công cụ để tăng cường khả năng khai thác và quản lý dữ liệu, đó là công cụ để tự động hóa công tác số hóa dữ liệu; công cụ để chuẩn hóa dữ liệu; công cụ để làm sạch dữ liệu và công cụ phân tích, lập mô hình, dự báo.

Thứ hai, ngành Tài chính cần xây dựng một số ứng dụng mới để hỗ trợ các chức năng nghiệp vụ cốt lõi chưa được tin học hóa, đồng thời rà soát lại các ứng dụng hiện có với chức năng tương tự và nâng cấp các ứng dụng này để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ một cách tổng thể và hiệu quả hơn.

Thứ ba, ngành Tài chính nên tăng cường các quy trình cũng như hạ tầng vật lý, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, đặc biệt là bảo vệ rò rỉ dữ liệu, phòng chống tấn công, phát giác cài đặt phần mềm độc hại. Ngành Tài chính cũng nên phấn đấu đạt được chứng nhận ISO 27001 về An toàn thông tin và tổ chức các chương trình kiểm tra an ninh hệ thống chặt chẽ, định kỳ hàng năm.

Cuối cùng, song song với nhu cầu tăng tốc triển khai Điện toán đám mây cho toàn ngành Tài chính, cũng cần xác định rõ danh sách một số tập hợp những phần mềm/công nghệ phối hợp chung với nhau, tạo thành một nền tảng chuẩn để các ứng dụng có thể được vận hành hữu hiệu.

Từ góc độ nghiên cứu, ông Trương Bá Tuấn lại chỉ ra 3 nhóm giải pháp chủ đạo để thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Đó là: Khai thác, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển các yếu tố của cuộc CMCN 4.0; áp dụng hiệu quả các thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách; đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hien-ke-khac-phuc-ton-tai-trong-ung-dung-cntt-nganh-tai-chinh.aspx