Hiến kế hút vốn đầu tư mới

Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 cùng những lợi thế về phục hồi kinh tế vĩ mô sau dịch đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến an toàn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu xung quanh những đánh giá về hiện tượng làn sóng chuyển dịch đầu tư hậu COVID-19 và các giải pháp thích hợp để thu hút dòng vốn hiệu quả.
* Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Xu hướng chuyển dịch có thể tăng mạnh

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng khi kiềm chế, ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19.
Chính vì lẽ đó, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các nước vào Việt Nam là xu hướng tất yếu và khả năng tăng trưởng trong thời gian tới có thể tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, Việt Nam cần kêu gọi đầu tư và đây chính là cơ hội để phát triển kinh tế hậu COVID-19. Điều này hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hậu COVID-19, Việt Nam phải tiếp tục cải cách thể chế, sửa đổi pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo ra cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề về thỏa thuận, hợp đồng kêu gọi của Việt Nam để nhà đầu tư cảm thấy được hỗ trợ, không bị ách tắc ở các khâu hành chính.
* Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Phối hợp để phát huy hiệu quả

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) . Ảnh Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, Việt Nam có nhiều lợi thế về chính trị, kinh tế - xã hội phát triển ổn định. Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý I chỉ đạt 3,8%, nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, hiện có làn sóng chuyển dịch địa bàn đầu tư và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư này. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải chuẩn bị các điều kiện một cách cụ thể, rõ ràng để có thể đón nhận nguồn vốn.
Trong nhiều năm qua, Quốc hội và Chính phủ rất quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do và ngay trong Kỳ họp này Quốc hội cũng bàn thảo đến các dự thảo luật quan trọng như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi). Đây là các luật rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kể cả vốn đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang thành lập các Ban chỉ đạo để kết nối tất cả hoạt động của các vùng, địa phương, tránh tình trạng chồng lấn trong quá trình thu hút vốn đầu tư.
Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư.
* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Chọn lọc thu hút đầu tư

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp này đã tạo ra sự cân bằng cho các nhà đầu tư và những chính sách ưu đãi hết sức thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Nhưng cũng cần phải đưa ra các thể chế để vừa khuyến khích đầu tư trong nước nhưng cũng phải thu hút được đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải xây dựng các quy định như thân thiện với môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng... đây là các tiêu chí rất cao cần phải đưa ra.
Bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một điểm sáng trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19; thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được đánh giá cao...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là một điểm đến cho quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc này thế giới đang tính toán và một trong những tính toán đó là giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường. Như vậy, Việt Nam cũng không nên vội vàng mở cửa để thu hút các nhà đầu tư ồ ạt, mà cần phải có sự chọn lọc.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Chính phủ cũng có Nghị quyết số 58/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW để chọn lọc các nhà đầu tư.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các tiêu chí để chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài. Các tiêu chí đó phải thể hiện được các khía cạnh như: đảm bảo chất lượng, công nghệ; thân thiện môi trường, an ninh quốc phòng, kết nối được các doanh nghiệp nước. Do đó, việc tận dụng thời cơ này để thu hút các nhà đầu tư nước nước ngoài là rất tốt nhưng phải đảm bảo đem lại lợi ích quốc gia.
* Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu): Cơ hội tiếp nhận làn sóng đầu tư

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sau dịch COVID-19, Việt Nam cũng như một số nước có thể sẽ tiếp nhận rất nhiều làn sóng đầu tư FDI từ một số nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của từng địa phương, Chính phủ cũng rất cố gắng để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài qua cải cách thủ tục hành chính nhanh nhất, gọn nhất có thể.
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất để thu hút đầu tư vẫn là cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, Quốc hội luôn luôn rà soát điều chỉnh kịp thời các văn bản luật để ngày càng hoàn thiện hơn. Từ đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Qua đây, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): Hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo tôi, thu hút đầu tư nước ngoài là việc làm hết sức quan trọng và là yếu tố cốt yếu để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh. Đây cũng là cơ hội thu hút vốn, nguồn lực đầu tư và khoa học kỹ thuật từ các nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều yếu tố cần xem xét như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, quá trình thực hiện luôn có những cản trở như việc các doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng cạnh tranh bằng các nước trên thế giới.
Bởi, các nước trên thế giới chủ yếu là các doanh nghiệp mạnh, tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam chỉ khoảng 5% là doanh nghiệp lớn còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thế nhưng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng kém hơn rất nhiều so với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư.

Dù vậy, không thể không có những quy định pháp luật vì những quy định sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao trách nhiệm, đồng thời phải suy nghĩ, cải cách, định hướng để doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Theo tôi, khi đã có Nghị định, văn bản cụ thể thì các cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng phải tích cực tuyên truyền, định hướng và hướng dẫn cho doanh nghiệp ứng dụng, hiểu biết trong việc liên kết với các nước trên thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý trên cả nước phải có giải pháp quản lý điều hành trong quá trình thực hiện để các doanh nghiệp có cơ hội, định hướng đồng thời được quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về thu hút đầu tư đưa ra định hướng hết sức quan trọng. Song hành với đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Để thực hiện tốt điều này, yếu tố đầu tiên là triển khai Nghị quyết của Đảng; cải cách hệ thống pháp luật vì hệ thống pháp luật đang có những điểm còn vướng mắc trong quá trình thực hiện cần sửa đổi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam bao giờ cũng vì lợi ích.
Vì vậy, họ thường tìm những vị trí thuận lợi về kinh tế, cơ sở vật chất, đồng thời có những giải pháp vận động nên trong quá trình thực hiện vẫn có những tiêu cực xảy ra./.

Uyên Hương-Thành Trung (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-hien-ke-hut-von-dau-tu-moi/159848.html