Hiến kế diệt tận gốc tiếng ồn karaoke

TPHCM và một số tỉnh thành trong cả nước mạnh tay 'ra quân' xử lý tình trạng hát karaoke ở khu dân cư, xóm ấp, chung cư... quyết diệt tận gốc các 'hung thần' tra tấn người dân bằng tiếng ồn không mong muốn.

Người hát Karaoke bằng loa kẹo kéo trên 1 con đường ở quận Bình Thạnh,TPHCM. Ảnh Tú Nguyên:

Người hát Karaoke bằng loa kẹo kéo trên 1 con đường ở quận Bình Thạnh,TPHCM. Ảnh Tú Nguyên:

Tôi thấy cần nêu lên một số ý kiến nhỏ để diệt tận gốc một vấn nạn không nhỏ này.

Một thực tế đang diễn ra, có những chiều thứ bảy hay chủ nhật, ngày lễ, tết, bạn bè tụ tập nhà bên cạnh cao hứng bày tiệc nhậu ra trước sân nhà; họ không quên kéo theo cái loa Karaoke “khủng” để sẳn. Nhậu tới bến rồi thì mạnh ai nấy “hét” cùng với công suất “mát-xi-mum” của cái loa với âm thanh khủng “tắc xình, tắc xình xình” để cho hàng xóm…biết “chúng ta” đang nhậu và hét.

Tôi thật không hiểu nỗi cái ý thức tôn trọng người hàng xóm họ để ở đâu?

Thú vui tự bản chất tưởng chừng như lành mạnh, chính đáng này lại biến tướng trở nên tai hại vô cùng, dẫn đến chết người như trường hợp thầy giáo dạy thể dục ở Bình Dương vừa qua là một hệ lụy của karaoke.

Không là cường điệu khi nói hát không ra hát hò không ra hò mà là “hét” khi lon anh, lon tui đã đến hồi cao hứng là lúc “ công cụ tra tấn” hữu hiệu những người già, người bệnh, trẻ sơ sinh; người công nhân, rất cần một thời gian ngắn để “yên giấc”, sau những giờ phút miệt mài nơi xưởng máy…phổ biến nhất chính là cái loa kẹo kéo.

Thật tình mà nói trong thời đại bùng nổ internet như ngày nay, người nông dân chỉ biết đọc biết viết thôi cũng đã vào “nét” ào ào để nghe bất cứ giọng ca chuyên nghiệp nào, bất cứ bài hát nào, bất cứ thời gian nào, thì chuyện ca sỹ nghiệp dư “biết hét” karaoke mà không “biết điều” trong buổi tiệc hay giữa trưa hè oi bức hoặc bên mâm cơm chiều gia đình, thì hành vi thiếu tôn trọng người khác, vừa trở nên… một trò hề vô cùng xấu hổ không hơn không kém!

Tôi kiến nghị, đã đến lúc chính quyền cơ sở xã, phường mạnh tay với những việc “chướng tai gai mắt này”. Trong xã hội tiến bộ và thượng tôn pháp luật, không thể tồn tại tư tưởng “ phép vua thua lệ làng” trong một bộ phận người dân, làm cho công tác quản lý chính quyền cơ sở kém hiệu quả gây ra nhiều hệ lụy.

Không thể vì nể nang, xuề xòa người thân trong thôn xóm, mà chính quyền chưa tích cực, lơ là vận động người dân thực hiện lối sống văn hóa, văn minh, để những chuyện như trên trở nên chuyện “cơm bữa” thường ngày, gây bức xúc cho người dân không còn nữa.

Trước hết, phải nói ngay rằng diệt karaoke loa kéo được hay không chủ yếu là do chính quyền cơ sở có quyết tâm hay không.

Cá nhân gia đình lãnh đạo xã như Bí thư, Chủ tịch; người điều hành ấp như Bí thư ấp, Trưởng ấp, trước đây đôi khi cũng có “tắc xình, tắc xình xình” nên “khó ăn khó nói” khi phải thực thi pháp luật bởi “thượng đã bất chính” thì hạ làm sao “nghiêm” được hay “ thẳng mực tàu đau lòng gỗ”; mà cái tình làng nghĩa xóm giữa nhà cán bộ và nhà dân có khi chỉ cách nhau vài mét.

Chẳng còn cách nào hiệu quả hơn là cán bộ hãy làm tốt công tác “nêu gương” cho dân trước. Nêu gương không chỉ dành riêng cho các cán bộ, đảng viên ở cấp cao, mà phải ngay từ những những người gần sân cận cửa với dân.

Tôi nghĩ khi những lãnh đạo địa phương xã, phường thực sự làm gương cho dân thì việc mạnh tay xử lý theo pháp luật, chấm dứt một tệ nạn, như hát hò karaoke bất kể giờ giấc đã từng gây bức xúc trong dân là rất hợp lòng dân và có hiệu quả.

Thứ hai, trình tự vận động từ ấp, xã từ để đưa xã hội vào nề nếp, giữ vững an ninh trật tự xã hội; mạnh tay với biến tướng loại hình hoạt động văn hóa này ra chưa mang lại hiệu quả vì nhiều lý do.

Lý do quan trọng nhất là chưa có sự phối kết hợp đồng bộ, thường xuyên và lâu dài giữa cấp huyện, xã, khu phố, ấp.

Căn cứ về pháp lý xử phạt đã có sẳn. Có thể kể như, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cho phép xử phạt hành chính trong lĩnh vực gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

Thông tư 39/2010/TT/BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà riêng lẻ hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính.

Nghị định117/2009/NĐ-CP, điều 12 cho phép phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 100triệu đồng đối với hành vi vi phạm gây tiếng ồn.

Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho phép phạt tiền đến 160 triệu đồng.

Làm được hay không, tôi nghĩ chủ yếu là do quyết tâm của chính quyền cơ sở xã, phường phối hợp với trưởng ấp, trưởng khu phố cùng với sự hổ trợ đắc lực “mọi lúc, mọi nơi” của các cơ quan chấp pháp cấp quận, huyện..., phải có sự phối kết hợp của ngành Tài nguyên&Môi trường, ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch, ngành Công an, thì mới có thể đủ điều kiện mạnh tay với nạn “ khủng bố” bằng tiếng ồn karaoke.

Không làm được công tác phối kết hợp này, nhất là ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch và ngành Tài nguyên-Môi trường cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, thì người dân không những sẽ còn phải bị… tiếng ồn karaoke loa kéo tra tấn dài dài; mà an ninh, trật tự xã hội còn bị coi thường theo hiệu ứng “nhờn” luật.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/hien-ke-diet-tan-goc-tieng-on-karaoke-VVjCnoQMg.html