Hiến kế để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia an toàn, hiệu quả

Đại diện các địa phương, trường ĐH góp ý kiểm soát kỳ thi THPT Quốc gia ở các khâu coi thi, chấm thi và ra đề cần chặt chẽ, kịp thời hơn.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra sáng 2/8 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã đề cập một số hạn chế của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ngoài ra, một số đại biểu của các địa phương, đại diện trường đại học (ĐH) đã đưa ra ý kiến đóng góp cho kỳ thi.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”

Các đại biểu đại diện cho các địa phương đa phần góp ý giữ nguyên kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ (kỳ thi "2 trong 1"). Tuy nhiên, những kẽ hở, bất cập về sai phạm trong chấm thi THPT cần được khắc phục, đưa ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận, thay đổi điểm số của thí sinh.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng: Việc tổ chức thi THPT Quốc gia 2018 đã góp phần giảm tải căng thẳng, kinh phí, giảm áp lực học thêm dạy thêm. Tuy nhiên, với những bất cập trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục bổ sung, nghiên cứu những thiếu sót, kẽ hở để tổ chức thi tốt hơn.

Đại diện cho lãnh đạo thủ đô Hà Nội góp ý, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục tục kỳ thi THPT Quốc gia và có biện pháp kịp thời kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo công bằng trong chấm thi cho thí sinh.

Đại diện tỉnh Cần Thơ nêu quan điểm, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Cần Thơ diễn ra an toàn, đúng quy chế. Việc tổ chức của Bộ được nhân dân và địa phương đánh giá cao nên địa phương mong rằng Bộ vẫn tổ chức kỳ thi vì đỡ tốn kém. Tuy nhiên, Bộ cần rút kinh nghiệm những bất cập trong kỳ thi 2018 theo đúng yêu cầu để lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Đại diện tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, kỳ thi được nhân dân đồng thuận, đã giảm tải căng thẳng cho người học. Vi phạm trong kỳ thi Quốc gia năm 2018 là sự cố ý, lợi dụng sơ hở pháp luật của một số người, là những lỗ hổng trong việc làm thi ở những vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm sớm, có phương án đấu tranh phòng ngừa nhưng không nên có phương án thay đổi quá lớn.

Đại diện cho trường ĐH, ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm: Điểm đầu vào trường ĐH rất quan trọng. Để đảm bảo nguồn tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn về khâu ra đề thi.

Theo ông Trần Thọ Đạt, đề thi cần đảm bảo có sự phân hóa trình độ của thí sinh để các trường dựa vào đó để chọn lọc thí sinh. Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm về phổ điểm để ra đề thi tránh năm nay khó, năm sau dễ rồi lại thay đổi.

Đối với công tác coi thi không thể không có vai trò của các trường ĐH và Bộ GD-ĐT không nên để riêng các chiến sĩ cảnh sát, thí sinh tự do ngồi một phòng thi.

Công tác chấm thi cần tổ chức chấm chéo, có sự cải tiến về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an toàn, nghiêm túc và chống gian lận.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT còn chưa thật sự đầy đủ

Tại Hội nghị, Bộ GD-ĐT đã khẳng định, đề thi chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao, nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn đề thi các năm trước, khó so với yêu cầu của thi THPT.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Tuy nhiên, còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi;

Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.

Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu điểm thi của các địa phương và tiếp nhận thông tin từ dư luận phản ánh dấu hiệu về kết quả điểm thi cao bất thường của một số Hội đồng thi tại một số tỉnh, Bộ GD-ĐT đã thành lập các tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra, tổ chức chấm thẩm định kết quả thi tại Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre.

Với tinh thần nghiêm túc, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng kịp thời xác minh làm rõ, xử lý các sai phạm, thông báo kết quả chấm thẩm định và thông tin đầy đủ cho các thí sinh, các cơ quan truyền thông.

Đồng thời, đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình tổ chức thi tại địa phương nhất là khâu coi thi, chấm thi; trong quá trình rà soát nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho các thí sinh./.

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hien-ke-de-to-chuc-ky-thi-thpt-quoc-gia-an-toan-hieu-qua-795016.vov