Hiến kế cho tiêu thụ nông sản

"Giải cứu" nông sản, thủy sản... vốn là cụm từ được nhắc nhiều trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 như hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa giải cứu, vừa kích cầu tiêu thụ, định hướng sản xuất là một bài toán cần có lời giải.

Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long: "Không chỉ dừng ở tiêu thụ sản phẩm tươi sống, cần chế biến, bảo quản để kích cầu sản xuất, tiêu dùng"

Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành đoàn Hạ Long.

Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành đoàn Hạ Long.

Theo tôi nghĩ, ngoài việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ở dạng thô như hiện nay, chúng ta cần nghĩ đến việc chế biến, bảo quản. Tuyệt đối không nên nhìn xuất khẩu nông sản chỉ là những mặt hàng tươi, phải nghĩ rằng đây là nguyên liệu cho một loạt ngành công nghiệp chế biến để tạo giá trị gia tăng cao hơn. Nhờ đó, người nông dân cũng không phải đau đáu tìm đầu ra mỗi khi đến mùa vụ, bởi nếu không kịp tiêu thụ, sẽ dẫn đến nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này, được biết, khó khăn nhất trong tiêu thụ là mặt hàng thủy sản, đặc biệt là các loài nhuyễn thể, bởi vốn chỉ dừng lại ở việc bán các sản phẩm tươi sống, các sản phẩm qua chế biến kiểu ruốc hàu, viên uống từ tinh chất hàu... hầu như rất ít. Để làm được điều đó, thật sự cần các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư về vốn, về công nghệ và mạnh về thị trường. Đó cũng là cơ hội để người nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và công nghiệp chế biến.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Hà: “Nắm sát tình hình sản xuất, những khó khăn của từng hộ, đơn vị sản xuất để đưa ra khuyến cáo kịp thời”

Ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Hà

Hải Hà là một trong những địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản lớn của tỉnh. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ngư dân địa phương vẫn gặp một số khó khăn nhất định, như: Các sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa với sản lượng thấp, tự phát, tính rủi ro cao; có trường hợp qua nhiều khâu trung gian nên giá bán của nông dân thấp; diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng khiến cho việc giao dịch hàng hóa với Trung Quốc bị chững lại, một số sản phẩm thủy sản còn tồn đọng...

Để giải quyết vấn đề này, Phòng NN&PTNT huyện đã và đang chủ động nắm sát tình hình sản xuất, những khó khăn của từng hộ, đơn vị sản xuất để đưa ra khuyến cáo kịp thời. Huyện kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tập trung xây dựng các mô hình liên kết, triển khai các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để khai thác lợi thế của địa phương, sản xuất theo hướng VietGAP, công nghệ cao... Thực tế cho thấy, khi có sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đa dạng mẫu mã, được sản xuất từ chuỗi khép kín quy mô công nghiệp, cùng với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp thì các sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường.

Bà Vũ Thị Thanh, Công ty CP Nguyên Hưng, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, đơn vị chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng: "Người nông dân cần luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm"

Bà Vũ Thị Thanh, công ty CP Nguyên Hưng, P. Cẩm Trung, TP Cẩm Phả.

Đã nhiều năm gắn bó với người nông dân, thực hiện vai trò kết nối từ người sản xuất đến người tiêu dùng, tôi rất chia sẻ với những khó khăn hiện tại mà người nông dân đang phải đối mặt. Bởi công sức, vốn liếng họ bỏ ra là quá lớn, nếu không thể tiêu thụ sản phẩm, nếu giá bán quá thấp, họ gần như mất trắng hoặc chỉ thu hồi vốn. Chúng tôi vì thế luôn cố gắng để chung tay, cùng với người nông dân đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm, chuyển hướng sang các bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, vấn đề là người nông dân cần thay đổi tư duy, cách làm của mình. Chất lượng sản phẩm không đồng đều cũng là một trong những rào cản đối với người nông dân, khiến giá thành không ổn định, đẩy họ vào tình thế bấp bênh. Thị trường ngày một khó tính, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng như hiện nay, nếu người nông dân có thể đảm bảo sản phẩm mình làm ra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôi tin, người tiêu dùng sẽ không bao giờ quay lưng.

Bà Nguyễn Thị Hân, khu 8, phường Quang Trung, TP Uông Bí: “Cộng đồng sẵn sàng giải cứu nông sản trong những ngày đình trệ, khó khăn”

Bà Nguyễn Thị Hân, người dân khu 8, phường Quang Trung, TP Uông Bí

Tôi thường xuyên cập nhật tin tức qua truyền hình, mạng xã hội nên hiểu được những khó khăn của người nông dân cả nước trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Từ những mặt hàng hoa quả như dưa hấu, thanh long của nông dân miền Nam, rồi đến một số loại hải sản của tỉnh ta... đều gặp khó khăn trong tiêu thụ do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc được. Việc bỏ mối tới các nhà hàng, quán ăn cũng hạn chế khi có không ít cơ sở đã phải tạm nghỉ kinh doanh do ít khách.

Tuy nhiên, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, cộng đồng khắp nơi trên cả nước, từ cá nhân đến các tổ chức, hệ thống siêu thị, đều sẵn sàng chung tay để giải cứu nông sản trong những ngày đình trệ, khó khăn này. Theo tôi, đây là hành động đầy nhân văn và cần được nhân rộng. Thực tế ngay trên địa bàn thành phố tôi sống cũng đã mở ra một số điểm bán những mặt hàng nông sản với giá rẻ. Mọi người cũng bảo nhau cùng đến mua ủng hộ, hy vọng phần nào giúp nông dân đỡ thiệt hại. Tôi cũng thấy một số cơ quan, công đoàn tổ chức được chương trình “giải cứu” như vậy. Các sản phẩm thì đều tươi ngon, chất lượng tốt nên tôi rất yên tâm sử dụng. Mong rằng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát để mọi hoạt động được diễn ra bình thường như trước.

Hằng Ngần - Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/hien-ke-cho-tieu-thu-nong-san-2476974/