Hiện đại hóa đất nước

Ngày 22/3, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh những đóng góp quan trọng của công nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước thời gian qua, thì cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục.

Lực lượng lao động giỏi, vấn đề then chốt của công nghiệp hóa.

Đó là, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (CNH-HĐH), chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng...

Nghị quyết cũng chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của đa số DN công nghiệp nhà nước thấp, nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn thua lỗ; hầu hết các DN công nghiệp tư nhân trong nước là DN vừa và nhỏ; việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng...

Từ đó, cùng với những biện pháp khắc phục, Nghị quyết cũng đặt ra những mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, Nghị quyết nhấn mạnh một số vấn đề then chốt. Đó là chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp...

CNH-HĐH đất nước là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển đất nước, đã được Đảng, Nhà nước đặt ra từ nhiều thập kỷ trước. Đó cũng chính là khát vọng của nhân dân, là mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người nói “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên sự nghiệp vĩ đại đó đã phát triển không đúng tầm, chậm chạp, cũng có nghĩa là nội lực nền kinh tế của đất nước còn yếu, và con đường phấn đấu cho mục tiêu dân giàu - nước mạnh vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực hết sức lớn lao, bền bỉ và liên tục.

Trong sự nghiệp CNH-HĐH, vai trò của DN, doanh nhân ngày một rõ ràng hơn. “Cởi trói” cho DN, đầu tư mạnh vào DN để không chỉ có được những tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh, mà còn là sự phát triển của cả cộng đồng DN tư nhân rất rộng lớn. Vì vậy, trong thông điệp của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động vì nhân dân, đồng hành cùng DN.

Cùng với những vướng mắc về thể chế cần tháo gỡ, thì một trong những khó khăn rất lớn mà DN (đặc biệt là DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân) gặp phải đó là nguồn vốn. Không có vốn, không đủ vốn thì không thể đầu tư cho công nghệ, dây chuyền sản xuất, kênh phân phối... dù cho khả năng quản trị có tốt đến đâu chăng nữa. Đất nước còn nghèo nhưng không phải là không có vốn để đầu tư phát triển. Cái khó là những thủ tục từ ngân hàng khi DN tiếp cận vốn vay, cùng đó là lãi suất vẫn quá cao.

Nhìn nhận vấn đề này, Nghị quyết số 23-NQ/TW chỉ rõ phải nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng (kể cả vốn vay từ nước ngoài) đối với các DN công nghiệp, nhất là các DN công nghiệp nhỏ và vừa, DN đổi mới sáng tạo. Xóa bỏ triệt để các rào cản, bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính, tín dụng của các DN công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là phải tạo được một “sân chơi bình đẳng” cho tất cả các loại hình, quy mô DN được vay vốn ngân hàng, vay vốn từ các nguồn khác một cách bình đẳng.

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là yếu tố con người trong quá trình CNH-HĐH. Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang cuốn tất cả các nền kinh tế vào guồng quay tốc độ cực nhanh, thì càng cần thiết phải có đội ngũ hùng hậu đáp ứng yêu cầu đó. Nếu không, thì cũng chỉ dừng lại ở ước mơ. Vì vậy, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới là hết sức quan trọng. Để có nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao thì đào tạo phải gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, cần xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân công nghiệp Việt Nam; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.
Công nghiệp hóa là để hiện đại hóa đất nước. Chúng ta từng lỡ “những chuyến tàu phát triển” thì nay- nói một cách hình ảnh- là không thể một lần nữa đứng trên sân ga nhìn đoàn tàu đi qua. Trong nhiều việc phải làm để “không lỡ tàu” thì phải xây dựng được một cộng đồng DN đủ tầm, xây dựng được một lực lượng lao động có tri thức, có kỹ năng.

Đó cũng chính là hiện đại hóa để đất nước “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu gửi gắm trong “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tự do, ngày 5-9-1945.

Nam Việt

Nguồn TNMT: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/hien-dai-hoa-dat-nuoc-tintuc398709