'Hiếm nước nào phân bổ mỗi tỉnh một dự án như Việt Nam'

'So sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của nước ta rất lớn và cũng hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án', đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.

“Mong muốn có dự án quy mô lớn rất khó khăn”

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhắc lại ngày 10/11/2016 Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn, qua thời gian thực hiện, đến nay có thể nhìn nhận bước tiến mới, kết quả đạt được và khó khăn thách thức đặt ra.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Đại biểu cũng nhắc lại con số tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng, với 9620 dự án. Hiện nay, ở nhiều địa phương còn nhiều các dự án dở dang, thiếu vốn. Đặc biệt, đối với nguồn trái phiếu Chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ một dự án trong số 260 nghìn tỷ đồng.

“So sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của nước ta rất lớn và cũng hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án”, đại biểu Vũ thị Lưu Mai bày tỏ.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào dự án có tính lan tỏa toàn xã hội. Ví dụ ở Úc, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2018 chỉ tập trung 4 dự án lớn; ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc, có đến 15 dự án đầu tư bởi các thành phấn kinh tế tư nhân.

“Ở Việt Nam, nếu làm phép chia cơ học, lấy tổng nguồn lực chia cho các dự án, có thể thấy mong muốn có dự án quy mô lớn rất khó khăn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết.

Đại biểu cho rằng, mong muốn của các địa phương muốn có dự án là chính đáng, cần thiết nhưng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất tăng, bắt buộc chúng ta phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải.

Công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập ở hầu hết các nghị quyết về phân bổ ngân sách, tuy nhiên, công bằng không có nghĩa là cào bằng; có trọng tâm không có nghĩa là chỉ tập trung một số dự án, ở một số địa phương được chú trọng, cần có trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết ở tính thời điểm, có lộ trình phù hợp.

Để khắc phục, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định tại các văn bản pháp luật. Việc đề xuất dự án cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong cùng một khu vực, để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng thiếu dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa vùng miền.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác quy hoạch; thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, lĩnh vực thành phần kinh tế khác không đầu tư, hoặc không được phép đầu tư…

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắc Nông) tham luận về vấn đề bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án đường ven biển; cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh; việc sử dụng vốn nước ngoài đầu tư xây dựng đường cao tốc cần thực hiện đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Bộ Chính trị...

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm xây dựng ban hành chương trình tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng danh mục chi riêng về vấn đề này để bảo đảm kinh phí thường xuyên; đề nghị quan tâm bố trí vốn thực hiện các dự án về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đại biểu cũng góp ý về việc bổ trí vốn để thực hiện chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (xử lý nước thải sinh hoạt, ô nhiễm các bãi rác)...

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tham luận về việc bố trí vốn cho lĩnh vực y tế. Theo đại biểu việc bố trí vốn cho lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, nhất là trong việc bố trí cho y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, phát triển y tế cơ sở khu vực khó khăn,... chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế. Đồng thời đại biểu cũng góp ý về việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập.

Theo đó, cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có Nghị định quy định cụ thể để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở tự chủ; đồng thời cần đẩy mạnh phát triển bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng giường bệnh,...

D. Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hiem-nuoc-nao-phan-bo-moi-tinh-thanh-pho-co-mot-du-an-nhu-viet-nam-328534.html