Hiểm nguy từ thú nuôi trong nhà

Trào lưu nuôi các con vật trong gia đình đã có từ lâu, đặc biệt là chó, mèo. Nhiều gia đình coi các con vật như những người bạn thân thiết, chăm sóc chu đáo. Các chuyên gia đã từng cảnh báo nguy hại từ thú nuôi trong gia đình nhẹ thì mắc bệnh như ngứa, dị ứng, nổi hạch... Gần đây, hiểm họa từ thú nuôi trong gia đình đang đe dọa cả tính mạng con người.

Tai họa từ thú nuôi

Mới đây, một bé gái 8 tháng tuổi, nặng 10kg (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị con chó nặng 40kg cắn tử vong. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đã nỗ lực cứu chữa nhưng không có kết quả, gia đình xin đưa bé về.

TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhi nhập viện sáng 14.7.2018 trong tình trạng mạch không, huyết áp không, da tái nhợt, bị biến chứng nặng nề của sốc mất máu. Bé gái bị vết thương ở vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, chảy máu rất nhiều.

Người nhà bệnh nhi cho biết, mẹ bé phát hiện cháu khi đang bị chó cắn, ngay lập tức đã lao vào cứu cháu bé và cũng bị chó cắn vài nhát vào tay. Được biết, giống chó cắn bé là loại chó Ngao Tây Tạng, nặng 40kg.

Quá hoảng hốt, gia đình đã đưa cháu vào thẳng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu ngay tại chỗ, truyền dịch, bù dịch cho bệnh nhi.

“Do bệnh nhân còn nhỏ lại mất máu nhiều, tĩnh mạch xẹp, chúng tôi phải mở tĩnh mạch truyền dịch, bù dịch, đồng thời ép tim, dùng thuốc trợ tim, phối hợp cầm máu. Tuy nhiên sau 2 tiếng tích cực cứu chữa vẫn không có kết quả, gia đình xin đưa cháu về nhà”, TS.BS Khánh cho biết thêm.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn thương tâm. ThS.BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Tạo hình – Sọ mặt (Bệnh viện Nhi Trung ương) kể lại, đầu hè 2018, khoa cấp cứu, điều trị cho một trường hợp chó cắn khá thương tâm. Nạn nhân là bé M.Đ (2 tuổi ở huyện Ba Vì, Hà Nội) bị chó cắn dập nát mặt, tổn thương các cấu trúc cơ nghiêm trọng.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau đớn, kích thích, hoảng sợ do bị chó nhà cắn dập nát mặt, đã được gia đình băng bó tạm thời để cầm máu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Do tổn thương vùng hàm mặt phức tạp, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu ban đầu, truyền kháng sinh, giảm đau, tiêm uốn ván cho bệnh nhi, làm các xét nghiệm mổ cấp cứu sau đó chuyển cháu lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để đánh giá vết thương dưới gây mê. Kết quả cho thấy đây là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…

“Sau khi hội chẩn về nguy cơ trong mổ, các bác sĩ Khoa Sọ mặt - Tạo hình đã tiến hành làm sạch vết thương, phẫu thuật tạo hình và tái tạo lại toàn bộ khuôn mặt cho cháu như tạo hình góc mắt, tạo hình mũi, tạo hình môi và khoang miệng, phục hồi ống sternon…” - BS Thơm nhớ lại.

Trải qua 3 giờ phẫu thuật, khuôn mặt cháu được tái tạo lại. Kết quả khám lại sau mổ cho thấy tình trạng của cháu ổn định, hai mắt bài tiết nước mắt bình thường, chức năng bài tiết nước bọt tốt, vết thương sạch, không nhiễm trùng, các cấu trúc vùng hàm mặt cân đối.

Mẹ bệnh nhi cho biết, con chó nhà nuôi vừa mới đẻ, do cháu chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại nhưng sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó đã chết. Rất may ngay sau phẫu thuật, các bác sĩ cũng đã tư vấn gia đình cho trẻ tiêm phòng dại.

Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm cho biết, trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương là khá phổ biến. Mỗi năm khoa Tạo hình – Sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.

Các bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vaccine ngừa bệnh dại định kỳ.

Không những gây ra nguy hiểm đến tính mạng, nuôi thú trong nhà còn là mầm bệnh. Đơn cử như nhiễm giun đũa từ chó mèo. Bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo ngày một tăng do trào lưu nuôi thú chó, mèo, thậm chí ôm ấp, ăn, ngủ cùng chó mèo. Giun đũa chó, mèo ký sinh trong cơ thể vật chủ chó, mèo. Khi đi vào cơ thể người, giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Người là vật chủ tình cờ nhiễm bệnh (ký sinh nhầm), vì vậy các ấu trùng sẽ không có vòng đời. Ấu trùng sẽ tồn tại trong cơ thể, khi trưởng thành sẽ chu du trong cơ thể người trong thời gian dài. Chúng có thể ký sinh trong hệ bạch huyết, tim, não, dưới da, hay mắt… và nơi nào chúng ký sinh sẽ gây tổn thương ở đó. Rất nguy hiểm nếu ấu trùng giun xâm nhập theo hệ bạch huyết lên não, có thể tạo nên những khối u não…

Giun đũa chó, mèo có thể bị nhiễm ở mọi đối tượng. Nhưng đáng lưu ý nhất là nhóm trẻ thường bò dưới đất, nguy cơ tiếp xúc nguồn nhiễm cao. Khi nhiễm giun đũa chó, mèo sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa nổi mề đay, thiếu máu da xanh, với trẻ thì chậm lớn, gan to hoặc hình thành ổ áp xe gan…

Một trường hợp bị chó nuôi cắn (ảnh trước và sau phẫu thuật).

Thú nuôi cũng phải quản lý

Trong số những thú nuôi hiện nay, chó ngoại nhập cảnh được nhiều gia đình yêu thích. Cũng chính vì thế mà nhiều người nghi ngại việc thú nuôi nhập cảnh đang không có sự quản lý.

Thực tế hiện nay nhiều loại chó cảnh được nhập về Việt Nam sau đó thực hiện phối nhân rộng ra. Đặc thù chăn nuôi chó trong các hộ dân với mục đích nuôi làm cảnh, nuôi để trông giữ nhà.

Với phương thức này nên công tác giám sát dịch bệnh, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai báo với chính quyền và quản lý chó không được thả rông hay phải đeo rọ mõm khi mang ra nơi công cộng gặp không ít khó khăn, bất cập.

Với chính quyền địa phương một thực trạng đó là nhiều nơi chưa quản lý tốt chó nuôi nhất là chó mới phát sinh, việc quản lý hiện mới chủ yếu là thống kê để thực hiện việc tiêm phòng vaccine dại.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Thú y: Động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch và trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm dịch. Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch đã được Bộ NNPTNT quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó chó thuộc diện phải kiểm dịch.

"Mỗi năm trung bình có khoảng 350 con chó cảnh được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức nuôi trong gia đình, khi chủ đến Việt Nam công tác hoặc đi du lịch thì có mang theo chó nuôi. Vì chó thường được nhập cảnh theo người đi công tác hoặc du lịch nên có thể từ nhiều quốc gia, nhưng chủ yếu là các quốc gia phát triển như ở các nước Châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật…", ông Đông cho hay.

Cục Thú y có chức năng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đối với loài vật nuôi trong gia đình, bệnh dại chó là một bệnh được quan tâm, ưu tiên hàng đầu do ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại về kinh tế.

Cũng theo ông Đông, hiện có nhiều quy định trong lĩnh vực thú y, trong đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó như không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/hiem-nguy-tu-thu-nuoi-trong-nha-621134.ldo