Hiểm nguy rình rập từ những hố ga mất nắp

Nhiều mặt bằng dân cư ở TP Thanh Hóa đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Những hố ga, hố thoát nước chưa có nắp chình ình ngay giữa những con đường chính của khu đô thị đang trở thành những chiếc 'bẫy' chết người. Bên cạnh đó, có những tuyến đường đi vào hoạt động chưa lâu nhưng tình trạng mất cắp nắp đậy hố ga đã xảy ra trên diện rộng, khiến toàn bộ tuyến đường trở nên vô cùng nguy hiểm đối với người tham gia giao thông.

Hố ga nằm chính giữa vỉa hè dành cho người đi bộ trên Đại lộ CSEDP đã mất nắp từ lâu nhưng không được cảnh báo và khắc phục.

Tuyến đường vành đai TP Thanh Hóa (Đại lộ CSEDP) có chiều dài hơn 8km, nối Quốc lộ 47, phường Quảng Hưng đến điểm giao với đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn. Tuyến đường này thuộc hợp phần 1 của Dự án Phát triển toàn diện kinh tế TP Thanh Hóa do Ban Quản lý Dự án CSEDP làm chủ đầu tư, với kinh phí 27 triệu USD và được Chính phủ Hàn Quốc cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, Đại lộ CSEDP đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân sinh sống khu vực xung quanh.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, trên Đại lộ CSEDP xuất hiện hàng trăm chiếc “bẫy” là những hố ga, cống thoát nước đã bị mất nắp sâu thăm thẳm. Không những vậy, một số hạng mục sửa chữa do đơn vị quản lý đang thi công dang dở cũng không được rào chắn và cắm biển cảnh báo. Đặc biệt, tại tuyến đường khoảng hơn 1km gần Trường liên cấp Newton đến khu vực Công viên cây xanh Đông Vệ và kéo dài đến nút giao ngã tư Đại lộ Võ Nguyên Giáp, hầu như không còn một chiếc nắp cống nào. Có những chiếc hố sâu đến 3 - 4m, đường kính từ 1 - 2m, sẵn sàng “nuốt chửng” cả người lớn nếu không may sa chân xuống.

Ông Nguyễn Văn K., sinh sống tại đường Âu Cơ, phường Đông Vệ, chia sẻ: Gia đình có cháu nhỏ học tiểu học tại Trường liên cấp Newton. Nhà không xa nên buổi chiều ông thường đi bộ đón cháu nhỏ kết hợp tập thể dục. Tuy nhiên, những hố ga, cống mất nắp tại khu vực này thực sự là nỗi ám ảnh. Không chỉ mất nắp tại vị trí giáp ranh đường và vỉa hè, các vị trí sang đường cho người đi bộ, nhiều hố ga chính giữa khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ cũng bị mất. Trẻ nhỏ đi qua khu vực này mà không có người lớn theo sát thì nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra.

Không những vậy, do mất nắp từ lâu nên đến nay, nhiều hố ga đã bị cỏ mọc che kín. Vào đêm tối hoặc những ngày trời mưa to, ngập nước, đi lại qua khu vực này rất nguy hiểm. Những người dân sinh sống gần tuyến đường cho biết, đã có trường hợp người đi xe đạp và đi bộ sa chân vào những chiếc hố này. Để khắc phục tạm thời, một số người dân đã cắm cành cây, ném đá, đất xuống hố sâu. Tuy nhiên, việc này khiến hệ thống thoát nước trên đường bị ách tắc và nguy cơ hư hỏng kết cấu đường bộ.

Tình trạng hố ga, cống thoát nước mất nắp, không có nắp cũng là thực trạng còn tồn tại ở một số mặt bằng quy hoạch dân cư trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tại mặt bằng 6275, phường Nam Ngạn, mặc dù người dân đã đến sinh sống 5, 6 năm nay, nhưng hàng chục hố ga, cống thoát nước vẫn không được chủ đầu tư hoàn thiện. Ngay trục chính của mặt bằng, hàng chục hố ga lớn không có nắp án ngữ chính giữa tuyến đường. Để cảnh báo nguy hiểm, hạn chế các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, một số hộ dân đã chủ động dùng cành cây, ván gỗ che đậy lên miệng hố. Tuy nhiên, vào thời điểm đêm tối hoặc mưa to, gió lớn hạn chế tầm nhìn, khả năng quan sát hoặc các cháu nhỏ chạy chơi quanh khu vực này rất dễ “mắc bẫy”, sa xuống hố gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Lê Duy Phú, sinh sống tại phố Nguyễn Phúc Khê (thuộc mặt bằng 6275), cho biết: Các gia đình ở khu phố vô cùng bức xúc và lo ngại với sự tồn tại của những chiếc hố sâu này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên tổ dân phố, UBND phường, các cơ quan báo chí nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Để hạn chế nguy cơ tai nạn, một số hộ dân tự mua vật liệu, đổ nắp một số hố ga gần nhà. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì còn rất nhiều hố ga, hố thoát nước xa vị trí nhà dân nhưng đông người qua lại, tập thể dục... Ông Nguyễn Văn Phú, sinh sống tại phố Lê Ngọc, thuộc mặt bằng 6275, cho biết: Mặc dù chưa có tai tạn đáng tiếc xảy ra với người, tuy nhiên đã có vài trường hợp trâu, bò bị sa chân và chết vì những cái hố ga lớn ngập nước này. Việc cảnh báo bằng những hình thức lấy lệ như mấy cành cây, bụi cỏ, bìa giấy không có ý nghĩa gì lắm, thậm chí còn nguy hiểm hơn do cây mọc che lấp miệng hố làm người đi bộ dễ “sa bẫy” hơn.

Để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, nhất là đối tượng trẻ em, mong rằng, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sẽ sớm vào cuộc có phương án xử lý, khắc phục vấn đề này. Trước mắt, cần có các biện pháp cảnh báo đủ để người dân nhận biết được hiểm nguy của những “cạm bẫy” này.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hiem-nguy-rinh-rap-tu-nhung-ho-tu-than/133389.htm