Hiểm nguy rình rập nghề khoan giếng

Mỗi năm, vào mùa khô hạn, dịch vụ khoan, đào giếng ở các địa phương vùng cao như Lộc Ninh, Bù Đốp của tỉnh Bình Phước lại sôi động. Mặc dù cho thu nhập khá, nhưng đào giếng là nghề không ít nguy hiểm.

Nở rộ dịch vụ khoan giếng

Gia đình chị Trần Thị Hường ở ấp K Liêu, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, mặc dù sát nhà có con suối, nhưng mùa này cũng cạn trơ đáy. Giếng khoan nhà chị sâu hơn 7m cũng cạn nước từ gần tháng nay, nên hàng ngày chị phải vào UBND xã chở từng can nước về dùng.

Mới đây, chị thuê nhóm thợ khoan giếng đến vét, khoan sâu thêm, với giá 800 ngàn đồng/m3 đất đá. Thế nhưng, khi đào xuống gần 2 mét thì đụng lớp đá xanh, không thể đào tiếp, nhóm thợ đề nghị dùng thuốc nổ phá nhưng thấy nguy hiểm nên chị không đồng ý. Hiện tại, mặc dù chị Hường đã bỏ ra số tiền gần 4 triệu đồng nhưng giếng vẫn không có nước, dành bỏ dở.

Anh Nông Văn Vàng ở thôn 7 xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, một thợ đào giếng chuyên nghiệp với thâm niên gần 2 chục năm, cho biết, nếu địa hình đất khó đào như đá bàn, đá tổ ong, giá trung bình từ 800.000 đồng/m3 đất đất đá, còn dễ đào giá trung bình khoảng 500.000 đồng/mét. Vét giếng cũ trung bình 1 triệu động đồng/m3.

Anh Nông Văn Vàng ở thôn 7 xã Thiện Hưng đang khoan giếng cho người dân ở thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp

So với năm ngoái giá năm nay cao hơn từ 20 - 30%. Độ sâu có nước ở các địa phương cũng khác nhau trung bình từ 15 - 20 mét. Tùy phương tiện đào bằng máy hỗ trợ hoặc xà beng, một thợ đào giếng chuyên nghiệp có thể đào từ 3 - 4 giếng/tháng, sau khi trừ chi phí, còn mang về khoảng hơn 10 triệu đồng.

Ngoài các thợ giếng đào, hiện nay các dàn khoan giếng tại huyện Bù Đốp được săn đón rất "hot". Anh Nguyên Văn Thiệt, ở ấp 7, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp có thời gian hành nghề khoan giếng hơn 3 năm nay, cho biết: “Gia đình đầu tư hơn 120 triệu đồng mua giàn máy khoan giếng. Năm nào cũng vậy, mùa khô đến là anh lại di chuyển giàn khoan đi khắp nơi để phục vụ người dân. Nhu cầu người dân khoan giếng năm nay tăng cao giống như hạn hán năm 2016, thời điểm này mỗi tháng giàn máy của anh khoan được 5 giếng. Sau khi trừ chi phí nhân công, tiền dầu, anh thu về trên 20 triệu đồng".

Huyện Bù Đốp hiện có khoảng 50 cơ sở khoan, mỗi chủ có từ 1-2 máy, chủ yếu hoạt động về mùa khô. Mỗi hợp đồng khoan giếng có giá trung bình từ 15 đến 40 triệu đồng tiền công. Tùy vào độ sâu, hoặc chất đất cứng hay mềm, thường thì mỗi giếng, khoan trong thời gian từ 4 - 6 ngày. Có khi gặp phải giếng khó có thể khoan đến 12 ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi hợp đồng thành công chủ máy khoan thu về từ 10 đến 15 triệu đồng. Nếu thuận lợi, không bị “bể” hợp đồng, có khi thu về cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Không dễ ăn

Theo các thợ khoan giếng, nghề khoan giếng coi vậy chứ không dễ ăn. “Những năm gần đây nhiều người khoan giếng nên vào mùa khô mạch nước ngầm hạ xuống rất thấp, tỷ lệ giếng có nước chỉ khoảng 2/3. Vì thế, bây giờ đào hay vét giếng, người ta đều yêu cầu ký hợp đồng với các điều khoản như khi có nước mới trả tiền, bảo hành 2 tháng cho máy móc…Còn không có nước, tức “bể” hợp đồng, thì chủ nhà chỉ chịu tiền dầu và hỗ trợ tiền ăn. Chủ máy khoan phải chịu tiền công thợ. Trường hợp như chị Hường không nhiều”, anh Thiệt cho biết.

Còn theo anh Vàng, nghề đào giếng rất nguy hiểm nếu không cẩn thận rất dễ bị tai nạn, thậm chí gây tử vong. Tai nạn có khi là bị xẻng, đất, đá, xà beng… rơi trúng hay những giếng khó đào phải sử dụng máy móc dây điện loằng ngoằn rất nguy hiểm. Không ít người thợ gặp tai nạn phải bỏ nghề.

Ngày đầu, mũi khoan gặp lớp đất mềm nên hoạt động dễ dàng chừng 20m. Thường đến ngày thứ hai, thứ ba... gặp lớp đá cứng thợ chỉ khoan được từ 8-10m/ngày. Thợ khoan phải phân công một người vận hành máy, còn người kia rút ống khoan lên, vệ sinh sạch sẽ rồi lại đặt xuống. Bên cạnh đó, phải liên tục theo dõi mực nước mồi ở hố bên cạnh để cung cấp đủ nước cho giàn khoan hoạt động, sau khi mũi khoan đến độ sâu khoảng 50m mà vẫn chưa gặp được mạch nước thì đến 80% là giếng không có nước. Anh Thêm phân trần: “Làm nghề khoan giếng buồn nhất là khoan mà không có nước. Lúc đó, chủ nhà, thợ và chủ giàn khoan đều không vui. Chủ nhà hỗ trợ tiền dầu cũng thấy tiếc mà mình lấy tiền của người ta cũng ngại”.

Anh Nguyễn Văn Thiệt (áo xám) đang vận hành giàn khoan giếng

Anh Trần Văn Định, nhà ở Phường Phú Thịnh, TX Bình Long, cho hay, ở chỗ đất mềm, mỗi ngày 2 người có thể đào được hơn 2m giếng. Với mức giá khoảng 550.000 đồng/m như hiện nay, mỗi ngày một thợ có thể kiếm trên 500.000 đồng. “Nhưng nếu gặp giếng đá xanh, phải đục bằng máy, thì ráng lắm mỗi ngày cũng chỉ được chừng 2 - 30cm. Còn nếu đục bằng tay thì cực hơn vạn phần”.

Hiện tại với giếng có đá cứng, anh Định nhận đào với mức giá lên đến 4 triệu đồng/m. Tuy vậy, do tiến độ đục đá rất chậm nên mỗi ngày, sau khi trừ chi phí máy móc, mỗi thợ chỉ được khoảng 300.000 đồng. Vì vậy, với thợ đào giếng, hầu như không ai muốn gặp khu vực có đá xanh. “Ở những vùng có đá xanh như khu vực nhà chị Hường, thường rất ít có nước”, anh nói thêm.

"Trước đào giếng thủ công, chỉ có 2 người với vật dụng thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, xô…một người ở dưới, người còn lại ở trên kéo từng xô đất lên. Lúc này, người ở dưới rất nguy hiểm, vì chỉ cần người quay xô đất ở trên không chú ý, để đất đá rơi xuống.

Có những trường hợp người đào giếng chỉ bị một viên đá nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng đầu mà bị chấn thương nặng, tàn phế, phải ngồi xe lăn, thậm chí có trường hợp tử vong.

Thợ đào giếng còn có thể gặp các rủi ro khác như giếng bị lở đất đè lên. Có thợ còn bị chết ngạt khi leo xuống giếng do thiếu không khí. Hiện nay, hầu hết thợ đào giếng chuyên nghiệp đều thủ sẳn máy bơm oxy xuống giếng nên hạn chế được rủi ro. Tuy vậy vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, thợ khoan giếng Nông Văn Vàng, nói.

hồng thủy

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hiem-nguy-rinh-rap-nghe-khoan-gieng-post216077.html