Hiểm họa từ trào lưu đăng ảnh 'ngày ấy - bây giờ' trên Facebook

Những bức ảnh chân dung hiện tại và nhiều năm trước có thể được khai thác để huấn luyện các thuật toán nhận dạng khuôn mặt người dùng và sự lão hóa của họ, theo Kate O'Neill.

Trên mạng xã hội Facebook, người dùng đua nhau đăng tải những bức ảnh so sánh bản thân hiện tại và quá khứ nhằm hưởng ứng phong trào #howmuchhaveyouchangedchallenge (tạm dịch: Thử thách bạn đã thay đổi thế nào sao ngần ấy năm).

Đây một thử thách vui vẻ và dễ thực hiện. Do đó, không khó hiểu ngay sau khi xuất hiện, trào lưu này đã tạo nên cơn sốt so sánh ảnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Trào lưu #10yearschallenge từng gây sốt cộng đồng mạng tương đối giống #howmuchhaveyouchangedchallenge đang hot trên Facebook hiện nay. (Ảnh: Internet)

Trào lưu #10yearschallenge từng gây sốt cộng đồng mạng tương đối giống #howmuchhaveyouchangedchallenge đang hot trên Facebook hiện nay. (Ảnh: Internet)

Một năm trước, khi trào lưu “thử thách 10 năm” (#10yearschallenge), một thử thách khá tương đồng với “Howmuchhaveyouchangedchallenge”, bùng nổ trên Facebook, Kate O'Neill - phóng viên công nghệ trang Wired, từng đưa ra giả định, trào lưu này có thể được khai thác để huấn luyện các thuật toán nhận dạng khuôn mặt người dùng và sự lão hóa của họ.

Theo Kate O’Neill, nhiều người cho rằng ảnh đã có từ 10 năm trước hiện đăng lại cũng là bình thường. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng rằng nếu bạn muốn huấn luyện một thuật toán nhận diện khuôn mặt và dự đoán sự lão hóa, dữ liệu quan trọng nhất sẽ chính là ảnh chân dung của một người qua từng giai đoạn tuổi tác.

(Ảnh: ALYSSA FOOTE | GETTY IMAGES)

Chúng sẽ càng có giá trị hơn nếu có khoảng thời gian được xác định, ở đây là 10 năm theo tên gọi "thử thách 10 năm".

"Nói thêm về những bức ảnh trên Facebook, ngày đăng ảnh không phải lúc nào cũng trùng ngày chụp. Tuy nhiên qua trào lưu này, nhiều người đã tự thêm ngày (hoặc kể cả tháng, năm) chụp vào bài viết. Nói cách khác, trào lưu này đã tạo ra bộ dữ liệu về ảnh chân dung người trong 10 năm một cách chính xác và chi tiết", theo Kate O’Neill.

(Ảnh: Panda Security)

Một số ý kiến cho rằng, nhiều bức ảnh không có giá trị nhưng thực tế là các thuật toán nhận dạng ảnh tinh vi sẽ đủ phức tạp để lọc và chọn ra hình ảnh có khuôn mặt người.

Dẫu vậy, Kate cũng chỉ ra rằng việc thu thập nhận diện khuôn mặt không phải là một điều quá đáng lo ngại, có thể các nhà mạng sẽ áp dụng tính năng này nhằm phát triển sản phẩm của mình, tăng tính tiện lợi và phục vụ sử dụng.

(Ảnh: The Verge)

Trước hết, công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là dự đoán sự lão hóa có thể dùng để tìm kiếm trẻ mất tích. Năm 2018, cảnh sát New Delhi (Ấn Độ) tìm thấy gần 3.000 trẻ em mất tích trong 4 ngày bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nếu bị mất tích trong nhiều năm, khuôn mặt của trẻ có thể khác đi so với lúc nhỏ. Do đó, thuật toán xác định tuổi có thể dự đoán bức ảnh khi lớn của chúng.

Nhưng nếu theo một kịch bản xấu, công nghệ này sẽ được sử dụng để kiếm tiền nhờ hướng mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn.

Các nhà quảng cáo có được dữ liệu hình ảnh, khuôn mặt của bạn, có thể là một vài thông tin khác như nơi sinh sống hay nghề nghiệp, nhờ đó mà Facebook sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

(Ảnh: Elijah Nouvelage / Reuters)

Hoặc công nghệ này cũng có thể sử dụng để đánh giá trong lĩnh vực bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, nếu khuôn mặt bạn trông già nhanh hơn so với người khác, các công ty bảo hiểm có thể từ chối bán hàng hoặc phải trả nhiều tiền hơn.

Kate O’Neill cho rằng, dù là mục đích ra sao thì người dùng cần nắm rõ hơn cách chia sẻ dữ liệu, ai là người được truy cập. Đối với những trào lưu đăng ảnh thu hút nhiều người tham gia, đó chính là nguồn dữ liệu phong phú cho các công nghệ mới nổi.

(Ảnh: Dimitri Otis | Getty Images)

Về phía Facebook, họ khẳng định không can thiệp hoặc giúp tạo ra trào lưu 10 năm. “Facebook không thu lợi gì từ trào lưu này”, phát ngôn viên Facebook khẳng định.

Duy Huỳnh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/hiem-hoa-tu-trao-luu-dang-anh-ngay-ay-bay-gio-tren-facebook-20201113113059987.html