Hiểm họa từ súng tự chế

Hơn 1 năm trở lại đây, tại một số địa phương của tỉnh Bình Định xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên mua các linh kiện riêng lẻ qua mạng Internet rồi về tự ráp thành súng, sử dụng để bắn chim, giải trí. Đáng lo ngại khi đây là loại súng có độ sát thương cao, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Người dân giao nộp súng tự chế tại CATX An Nhơn.

Giữa tháng 7-2018, anh Hà Trọng Nhân (24 tuổi, trú P. Nhơn Hưng, TX An Nhơn, Bình Định) đến CATX An Nhơn giao nộp khẩu súng tự chế. Anh Nhân kể lại: “Nghe lời rủ rê của bạn bè, tôi lên mạng Internet mua các linh kiện rời như nòng súng, đạn, thân súng và được giao hàng tận nhà chỉ trong vòng 3 ngày. Sau đó, tôi dễ dàng lắp ráp thành khẩu súng săn. Nếu phát hiện con mồi xa hơn 100m thì có thể chết ngay vì đạn của súng bay xa, tốc độ cao, nhanh”. Bỏ ra hơn 500 ngàn đồng, anh Nhân đã có khẩu súng săn tự ráp lấy vừa đẹp, vừa “chất” có thể cùng bạn bè bắn chim, săn thú. Tương tự, anh Nguyễn Cao Trường (28 tuổi, trú xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) cũng đã đem giao nộp khẩu súng do mình tự chế, lắp ráp. Anh Mỹ cho biết, anh nhờ bạn lên mạng Internet mua từng linh kiện rồi về tự lắp ráp khẩu súng. Việc lắp ráp dễ như trò chơi trẻ con xếp hình. Nói về tốc độ của đạn khi bắn thì hơn nhiều loại súng cồn tự chế mà một thời gây lo lắng ở các vùng nông thôn trước đây. Cả anh Hòa và anh Mỹ đều nghĩ rằng việc mua loại súng dùng cho việc bắn chim là không vi phạm pháp luật. Cho đến lúc CA địa phương phát hiện, nhắc nhở, giải thích về sự nguy hiểm khi sử dụng và các quy định của pháp luật về tự chế, sử dụng súng họ mới thấy việc làm của mình là sai, tự nguyện giao nộp. Theo số liệu thống kê, 7 tháng của năm 2018, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội CATX An Nhơn phối hợp CA xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm tình trạng tự chế súng sử dụng, thu giữ hơn 20 khẩu súng tự chế, xử phạt hành chính 5 trường hợp.

Không chỉ TX An Nhơn mà nhiều vùng nông thôn khác trong tỉnh Bình Định đã xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên mua linh kiện rời về lắp ráp thành các loại súng với hình dáng, mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là các khẩu súng này có độ sát thương cao hơn nhiều so với các loại súng tự chế từ ống nhựa, cồn, bi viên. Từ thực trạng đó, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CA tăng cường tuyên truyền, mục đích là nâng cao ý thức cho người dân về độ nguy hiểm của súng tự chế để họ tự giác giao nộp. Theo chức năng, Phòng QLHC về TTXH CA tỉnh cũng đã tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các loại súng tự chế đặc biệt, là súng tự chế, lắp ráp từ các dụng cụ được mua qua mạng Internet đang sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với CA các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không tự giác giao nộp.

Súng tự chế được cơ quan chức năng thu giữ.

Nói về hậu quả của các loại công cụ hỗ trợ nói chung và súng tự chế được mua bán qua mạng nói riêng, Thiếu tá Nguyễn Văn Đây - Trưởng phòng ANĐT CA tỉnh Bình Định nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng tôi phát hiện nhiều vụ mua bán các loại công cụ hỗ trợ và súng tự chế qua mạng. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và thực tế đã có đối tượng sử dụng để phạm tội, giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Cơ quan ANĐT từng phát hiện đường dây mua bán công cụ hỗ trợ, linh kiện súng qua mạng với số lượng lớn, có hơn 80 đối tượng tại Bình Định tham gia mua các dụng cụ rời của súng để về lắp ráp”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đây viện dẫn: Bộ luật hình sự 2015 đã có chế tài nghiêm khắc đối với các đối tượng mua bán, chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ với mức án cao nhất lên đến chung thân. Còn theo khoản 10, Nghị định 167 của Chính phủ quy định xử phạt 20-30 triệu đồng đối với các trường hợp có hành vi sản xuất, chế tạo, sử dụng trái phép các loại súng tự chế. Nếu sử dụng loại súng tự chế gây sát thương cho người khác hoặc gây chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quý Hiền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_193269_hiem-hoa-tu-sung-tu-che.aspx