Hiểm họa từ những nhà ống 'không lối cầu sinh'

Thiết kế 'kín cổng cao tường' và phần 'chuồng cọp cơi nới' biến những ngôi nhà ống trở thành hiểm họa chết người khi xảy ra hỏa hoạn.

'Chuồng cọp' tràn lan tại các khu tập thể cũ Tình trạng người dân tự cơi nới, làm "chuồng cọp" diễn ra tràn lan ở Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt về phòng cháy chữa cháy.

 Phần lớn thiết kế nhà đô thị hiện nay đều là dạng ống, khép kín, với mục đích tận dụng tối đa diện tích. Tuy nhiên, lối thiết kế này đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm khi ngôi nhà của họ chỉ có một lối thoát duy nhất từ cửa chính.

Phần lớn thiết kế nhà đô thị hiện nay đều là dạng ống, khép kín, với mục đích tận dụng tối đa diện tích. Tuy nhiên, lối thiết kế này đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm khi ngôi nhà của họ chỉ có một lối thoát duy nhất từ cửa chính.

Hỏa hoạn liên tiếp xảy ra, nhiều nạn nhân không thể thoát khỏi đám cháy. Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra trong ngôi nhà ống tại số 311 Tôn Đức Thắng khiến 4 người thiệt mạng.

Nhà sát nhà, không có khoảng trống. Khi có hỏa hoạn xảy ra, người bên ngoài cũng bất lực vì không có cách nào để vào trong cứu người.

Nhiều ngôi nhà dù xung quanh có khoảng trống nhưng bịt kín cả 4 hướng, không thể thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

Dọc phố Đê La Thành là những xưởng mộc, cửa hàng đồ gỗ… tất cả đều là những vật dụng dễ gây cháy. Chính tại con phố này, năm 2019 đã xảy ra một vụ hỏa họa. Ngôi nhà bị cháy nằm sâu trong ngõ. Đường hẹp, đội cứu hỏa không thể tiếp cận. Ngọn lửa lan sang cả những nhà bên cạnh, gây thiệt hại nặng về người và của.

Đường dây điện chằng chịt, nằm sát cạnh nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Nguyễn Đình Thắng ngồi trong căn phòng anh mới thuê được hơn 1 tháng. Căn nhà ống 2 tầng, mặt trước và sau đều kín mít, chỉ có chiếc cửa sổ để đón ánh sáng vào nhà. “Khi thuê nhà tôi cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ tính đến việc giá cả sao cho phù hợp. Gần đây, những vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra, thú thực tôi cũng hơi lo”, Thắng nói.

Không chỉ những ngôi nhà ống, nhà tập thể với thiết kế chuồng cọp cũng là những mối nguy khó lường.

Bà Nguyễn Thị Hằng mua căn hộ tập thể này năm 2000 từ một gia đình công nhân. Căn nhà nằm ở phía góc với 3 mặt tiền nhưng phía nào cũng bị bịt kín bởi những thanh sắt. “Trong này mà có cháy nổ thì xe cứu hỏa không thể vào được. Có người ốm đau cần xe cấp cứu thôi đã là cả một vấn đề”, bà Hằng chia sẻ.

Do thiết kế nhà sát nhà, hầu hết người dân trong các khu tập thể đều chuộng thiết kế chuồng cọp để chống trộm.

Điều này vô tình biến căn nhà của họ thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những căn tập thể cũ được cơi nới bằng cốt pha. Lâu ngày, phần gỗ nền vốn là vật liệu dễ cháy lại thêm ọp ẹp gây nguy hiểm.

Phần cơi nới của các khu tập thể nằm san sát nhau.

Sau những vụ cháy nghiêm trọng, những ngôi nhà không lối thoát được cảnh báo về hiểm họa khó lường.

Hiện nay nhiều chung cư xây mới đã lưu ý đến việc xây cầu thang thoát hiểm bên ngoài để đảm bảo phương án thoát nạn kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra.

Thạch Thảo - Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hiem-hoa-tu-nhung-nha-ong-khong-loi-cau-sinh-post1201156.html