Hiểm họa từ những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ

Hàng loạt đồ chơi trẻ em trưng bày hấp dẫn, không bảo đảm an toàn sức khỏe, đang được bán rong tràn lan trên đường phố, các ngã tư….

Bác sỹ nhi khoa khuyến cáo đồ chơi bán rong, không có xuất xứ nguồn gốc có thể chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, một số còn có chất gây ung thư, vô sinh…

Vịt cao su Trung Quốc.

Vịt cao su Trung Quốc.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc bán tràn lan

Nhiều ngày nay, người đi đường tại Hà Nội dễ dàng bắt gặp hình ảnh những điểm bán thú nhún lò xo mang biểu tượng (icon) cảm xúc "Emoji", vịt cao su đội mũ bảo hiểm ngộ nghĩnh... Những sảnphẩm này cũngđược nhiều người đi đường mua dùng làm vật trang trí trên xe máy, ô tô hay nón bảo hiểm...

Phóng viên ghi nhận tại một số tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Minh Khai, Trường Chinh, Láng,...tại các ngã tư rất nhiều người bày bán la liệt các sản phẩm này. Các sản phẩm tùy kích cỡ, đa dạng chủng loại nhưng có một điểm chung là không có nhãn mác, xuất xứ và giá rẻ.

Chị Mai, một người bán đồ chơi tại Ngã Tư Sở cho biết: “Chị lấy từ đầu mối chuyên cung cấp sỉ các loại đồ chơi này, đa số thú nhún lò xo trên thị trường là hàngTrungQuốc được nhập tiểu ngạch về Việt Nam, người này nhận bán ra với giá từ 3.000-5.000 đồng/con (mua trên 50 sản phẩm).

Lúc đầu, mỗi ngày chị có thể bán vài trăm con, lợi nhuận không dưới 2 triệu đồng. Tại một điểm bán khác trên đường Trường Chinh, người bán cho biết, cách đây một tuần giá mỗi con là 35.000 đồng, do nhiều ngày gần đây nhiều người cùng bán nên giá đã bắt đầu hạ nhiệt xuống còn 15.000-20.000 đồng/con.

Chị Nguyễn Thị Lan trên đường đưa con đi học về tạt vào mua, chị chia sẻ: “Hôm trước, chị có mua cho con vì thấy hình thù ngộ nghĩnh nhún nhảy được bày bán nhìn vui mắt, các bạn trong lớp cũng có nên chị mua cho con chơi.

Thế nhưng, khi mua về, chị phát hiện nhiều điểm “lỗi” khi một số sản phẩm bị lem màu, lò xo nhún bị bung ra chỉ sau vài lần bé làm rơi nên giờ chị mua lại con khác”. Khi được phóng viên hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì chị cũng thắc mắc vì không thấy thông tin nguồn gốc trên sản phẩm, người bán tại đây thì khẳng định toàn bộ là hàng Việt Nam.

Hóa chất độc hại “tiềm ẩn”

Theo Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam,sở dĩ đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc những đồ chơi khôngqua kiểm định bị coi là nguy hiểm, vì chúng thường được sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp.

Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc.Trẻ nhỏ khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc sẽ có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của các bé.

Còn theo China Daily, dẫn báo cáo củaTOXICs-Free - một tổ chức phi chính phủ, rất nhiều đồ chơi được bán trực tuyến chứa nhiều PAE (phthalic acid esters), một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. PAE dễ bị giải phóng khi đồ chơi khi tiếp xúc, sau đó xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, tiêu hóa và da.

Hóa chất này đóng vai trò tương tự nội tiết tố nữ, có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới. Cụ thể tổ chức này đã phát hiện PAE - hóa chất gây vô sinh trong vịt cao su đồ chơi trẻ em Trung Quốc, khi kiểm tra 100 cửa hàng bán đồ chơi trên ba trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Tao bao, Pinduoduo và JD.com, tổ chức này phát hiện một nửa không có giấy chứng nhận an toàn bắt buộc của chính phủ. Một số có giấy chứng nhận nhưng không hợp lệ.

Để khẳng định thêm về kết luận trên, TOXICs-Free cũng mua đồ chơi của 20 thương hiệu, trong đó 13 thương hiệu không có giấy chứng nhận an toàn kèm theo sản phẩm. Sau đó, tổ chức này gửi 12 món đồ chơi tới một cơ quan xét nghiệm, tổ chức này phát hiện 9 trong số đó chứa lượng PAE quá mức.

Thậm chí một mẫu có kèm giấy chứng nhận bắt buộc vẫn có hàm lượng PAE gấp 365 lần mức cho phép quy định bởi nhà chức trách Trung Quốc. Liu Jianguo, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, các hóa chất gây hại cho trẻ em nhiều hơn người lớn.

Do cơ thể trẻ nhỏ hơn, khi PAE thâm nhập vào trẻ sẽ có mật độ lớn hơn. Còn tại Việt Nam, các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ này cũng được phát hiện chứa một lượng lớn thành phần kim loại nặng, cực độc hại đối với con người như Chì, Crôm, Mangan, Thủy Ngân, Cadimi...

Khi ở nhiệt độ cao hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, các chất độc hại này có thể bị phôi ra, phát tán ra ngoài và trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da, miệng, hô hấp. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp xúc với món đồ chơi xuất sứ Trung Quốc này lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.

Đặc biệt nếu trẻ ngậm, tự thổi hay cầm nắm món đồ chơi này, chất càng nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp và nhanh chóng đi vào cơ thể. Ngoài các loại sản phẩm trên, còn có một số đồ chơi có chất gây hại đến sức khỏe người sử dụng như hạt nhựa nở, bom thối, thú nhún cao su, miếng dán hoạt hình…

Theo kết quả nghiên cứu từ Phòng kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các hạt nhựa màu Trung Quốc này sử dụng hợp chất polyacryamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

Không chỉ vậy, hạt này nếu lọt vào đường hô hấp sẽ gây tắc đường thở, gây tử vong. Ngoài ra, một số sản phẩm đồ chơi cho bé gái như nhẫn, vòng trang trí, các miếng dán hoạt hình vui nhộn... xuất xứ Trung Quốc đều có chứa các hóa chất không an toàn cho trẻ. Theo đó, nồng độ nickel trong các hạt cườm bằng nhựa đính trên các sản phẩm làm đẹp dành cho bé gái thường vượt quá quy định.

Khi bé đeo lâu ngày khiến phần da tiếp xúc bị bong róc, ngứa ngáy, nặnghơnlà có thể ảnh hưởng tới gan,thận... Đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu, rất dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công gây bệnh, trong đó, những loại đồ chơi không có xuất xứ, nguồn gốc cũng như thành phần rõ ràng cũng là một trong các tác nhân có thể gây hại cho bé.

Vì thế, khi chọn đồ chơi cho con trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm để kiểm tra xem chúng có được dán tem chứng nhận quy chuẩn của Việt Nam hoặc một loại kiểm định chất lượng khác của thế giới hay không, ví dụ như tiêu chuẩn Mỹ (ký hiệu ATMS) hoặc tiêu chuẩn châu Âu (ký hiêụCE) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Bố mẹ nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín và chỉ mua đồ chơi ở những nơi bán chất lượng. Không nên chọn những đồ chơi có màu sắc quá bắt mắt, lòe loẹt hoặc khi cầm thấy dính màu ra tay. Khi mua cần xem thành phần, chất liệu của đồ chơi. Tốt nhất là bằng gỗ, nếu là nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như Asen, chì, cadimi, thủy ngân...gây hại cho trẻ hay không.

Không mua những loại đồ chơi có mùi hắc, mùi khó chịu gây nhức đầu. Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa... bố mẹ cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Thành Trung

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hiem-hoa-tu-nhung-mon-do-choi-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-d100042.html