Hiểm họa từ những cây cầu treo

Những chiếc cầu treo tròng trành dựng tạm bợ bắc qua các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh đến trường hằng ngày.

Người dân không có đường đi, hoặc phải đi đường vòng khá xa xôi, nên bất đắc dĩ phải chấp nhận đi lại còn chính quyền địa phương dẫu biết nhưng lực bất tòng tâm, vì thiếu tiền. Thực trạng trên đã và đang xảy ra ở các huyện vùng cao trong mùa mưa lũ.

Ám ảnh cầu treo bắc qua suối Cốc

Dòng suối Cốc, thôn Trà Na, xã Trà Phong (Tây Trà) mùa này nước chảy xiết và rất nhiều đá. Bên trên là cầu treo cao hơn 5m tạm bợ dài chừng 30m bắc qua dòng suối. Nhìn từ xa, chiếc cầu như một sợi dây nằm vắt vẻo giữa rừng. Khi có người đi lại cây cầu lại rung lắc rất mạnh.

Cầu treo bắt qua suối Huy Măng (Sơn Dung, Sơn Tây) hư hỏng nặng.

Đã nhiều năm qua, cây cầu treo này trở thành nỗi ám ảnh đối với 95 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu nối thôn Trà Na, Trà Reo với trung tâm xã, nhất là các cháu học sinh đang theo học tại trung tâm xã. Cầu tạm bợ được xây dựng bằng lồ ô, dây rừng, lâu ngày nhiều điểm dây buộc, thanh gỗ đã hư hỏng và có thể khiến cây cầu tạm đổ sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng, theo lãnh đạo xã Trà Phong, hằng ngày cây cầu phải “gánh” cả trăm lượt người và phương tiện qua lại bởi người dân không còn sự lựa chọn nào khác.

Ông Hồ Văn Huynh, thôn Trà Reo cho biết rất lo lắng mỗi khi đi qua cầu, bởi do cầu làm khá lâu dù hằng năm người dân có thay gỗ, thay các dây sắt bị rỉ nhưng không ăn thua. Từ làng đến trung tâm xã hay xuống huyện người dân chúng tôi phải đi qua cây cầu này, biết là nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng giờ không có con đường nào khác nên phải chấp nhận.

“Người lớn chúng tôi đi qua cầu, lỡ có sự cố xảy ra thì có thể xử lý kịp, chứ mấy cháu học sinh thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho các cháu đến trường, ngày nào chúng tôi cũng phải cử người lớn ra dẫn các cháu qua cầu. Mong Nhà nước sớm đầu tư làm cầu bằng bê tông cốt thép, hoặc cầu treo kiên cố để người dân chúng tôi đi lại an toàn”- ông Huynh kiến nghị.

Lực bất tòng tâm vì... thiếu tiền

Không chỉ chiếc cầu bắc qua suối Cốc mà trên địa bàn 6 huyện miền núi tình trạng cầu treo tạm bợ, tròng trành bắc qua các sông, suối khá nhiều. Ngay khu vực trung tâm huyện Sơn Tây, nhiều năm rồi chiếc cầu treo bắc qua suối Huy Măng vẫn hoạt động quanh năm với hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày, dù chiếc cầu này nằm trong danh sách không đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có 24 cầu treo, cầu tạm bợ không đảm bảo an toàn nhưng hằng ngày người dẫn vẫn phải "đánh cược" với mạng sống của mình mỗi khi qua cầu. Điển hình như cầu treo Tà Dô (Sơn Tân) có chiều dài 120m đã xuống cấp nặng nề; cầu treo TuKangBang (Sơn Bua) dài 100m. Không chỉ còn để đi lại tạm bợ mà nhiều cầu mới đầu mùa mưa nhưng đã bị lũ cuốn trôi như cầu treo xóm ông Viết đi xóm ông Yên (Tà Kin, xã Sơn Tinh)…

Cầu treo bắc qua sông Bua (xã Sơn Bua) bị hư hỏng nặng, nhìn từ xa như một sợi dây vắt vẻo.

Ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, trước mùa mưa huyện đã tiến hành đi kiểm tra, thống kê và hầu hết 24 cây cầu treo, cầu tạm bợ bắc qua các sông, suối không đảm bảo an toàn.

“Huyện đã biết nhưng thực sự để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua cầu thì “sức” của huyện không đảm bảo. Để làm cầu mới, an toàn số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng, trong khi ngân sách huyện thì không đủ chi nên rất khó” – ông Ven nói.

Còn trên địa bàn huyện Ba Tơ, theo ông Phạm Giang Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện, toàn huyện hiện có khoảng 14 cầu treo tạm bợ và nhiều cầu treo dân sinh để lên rẫy hoặc qua các điểm dân cư thưa thớt. “Riêng 14 cầu treo ở các xã như Ba Vinh, Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Lế… vừa qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã về khảo sát và sẽ đầu tư cầu bê tông dân sinh thay thế cầu treo trong năm 2017 này.

Còn những địa phương trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua đề nghị làm cầu treo đảm bảo thay thế cầu treo tạm bợ, huyện sẽ đi kiểm tra và nếu cần thiết sẽ có kế hoạch và xin ngân sách tỉnh đầu tư trong thời gian tới, chứ ngân sách huyện còn quá hạn hẹp” – ông Nam giải bày.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201610/hiem-hoa-tu-nhung-cay-cau-treo-2748493/