Hiểm họa từ căn bệnh công thần, kiêu ngạo

Phẩm chất của người cán bộ, đảng viên chân chính là khiêm tốn, khoan hòa, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người, suốt đời học hỏi. Bởi vì, cuộc đời phấn đấu, hy sinh của người cán bộ, đảng viên là vì nhân dân, chứ không phải cho cá nhân mình.

Ngay từ năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về căn bệnh công thần.

Ngay từ năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về căn bệnh công thần.

Từ kiêu ngạo đến coi thường pháp luật

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò của cán bộ, đảng viên vô cùng quan trọng. Họ là những người có đóng góp hết sức to lớn, đưa đất nước vượt qua các thời kỳ khó khăn, thử thách. Công sức của họ bỏ ra rất đáng trân trọng, đáng được ghi nhận. Đáng tiếc là hiện nay, một số cán bộ, đảng viên lại có tư tưởng “công thần”, kiêu ngạo, dẫn đến những việc làm đáng tiếc, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Dư luận còn chưa quên hồi năm 2017, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh cảnh sát giao thông quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ yêu cầu một tài xế xe ô tô xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành. Lúc này, người đàn ông ngồi cùng trên xe liên tục dùng lời lẽ thô tục, tuyên bố có thể cách chức được cả giám đốc công an rồi lại đe dọa chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ phải “nghỉ việc luôn” nếu làm ông trễ họp. Người đàn ông sau đó được xác định là một vị nguyên cán bộ cao cấp của quân đội.

Lại có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu thì không giữ được mình, có cách hành xử không đúng, thậm chí sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh của họ, như đòi đặc quyền đặc lợi, coi thường kỷ cương, quy định... Đáng buồn hơn, gần đây có vị cán bộ cấp tướng từng kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công được phong tặng anh hùng, nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không thận trọng, không đúng sự thật, không đúng đường lối quan điểm của Đảng. Tự cho mình quyền được phán xét, vị nguyên cán bộ cao cấp này hết miệt thị các tướng lĩnh quân đội đương chức, chê họ không bằng mình, lại xúc phạm cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của quân đội bằng những lời lẽ không có cơ sở.

Ngay từ năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhóm bệnh ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, trong đó có bệnh công thần. Người viết: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng. Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ…”.

Công thần thường dẫn đến kiêu ngạo. Trong bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, viết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của thái độ kiêu ngạo như sau: “Kiêu ngạo là: khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên”.

Biểu hiện dễ thấy của những người mắc bệnh công thần là nói năng thiếu thận trọng, thậm chí bất chấp đúng sai. Với tư tưởng cậy công, cậy quyền, nghĩ rằng mình là người có nhiều đóng góp, đất nước phải mang “nợ”, những người công thần tỏ ra “kiêu ngạo” với đời, với đồng nghiệp, với nhân dân. Cũng chính bởi vậy nên những người này nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, không tôn trọng pháp luật. Đáng ngại hơn, có người tiếp xúc cả với những đối tượng cơ hội chính trị, phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát những thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này không tiếp thu, sửa chữa, lại cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là “trở về với nhân dân”.

Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý

Công thần là một căn bệnh, nhưng nó là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi người mắc bệnh này thường là những cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Họ là những người có công, có đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, có uy tín với nhân dân, với đồng chí, đồng đội. Ý kiến của họ thường được dư luận quan tâm, mọi người coi trọng, tin tưởng. Chính vì vậy, khi họ bị nhiễm bệnh công thần, kiêu ngạo rồi phát ngôn không đúng, hành xử thiếu chuẩn mực, thì không phải lúc đầu ai cũng biết, ai cũng hiểu bản chất vấn đề nên dễ tin theo, phát ngôn theo, gây tác hại lan truyền trong dư luận, làm phân tâm, chia rẽ nội bộ.

Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều, người đảng viên luôn cần có dũng khí để phê bình, đấu tranh với những cái sai, những cái xấu, nhưng phê bình, đấu tranh phải trên tinh thần xây dựng, phải với cái tâm của người cộng sản. Nếu sự phê bình, chỉ trích không đúng bản chất, lại đi kèm bệnh kiêu ngạo và công thần thì hậu quả vô cùng nguy hiểm. Cuộc sống xấu đi bởi sự im lặng nhưng cuộc sống cũng xấu đi và tồi tệ hơn bởi những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện, vô trách nhiệm, giật gân, đao to búa lớn để nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, hay gắp lửa bỏ tay người.

Liên quan đến vị tướng quân đội nghỉ hưu có những phát biểu và bài viết không đúng trên mạng xã hội, có thể nói rằng, nếu là người cộng sản, là đồng chí, đồng đội, thì khi góp ý, phê bình phải với tinh thần người cộng sản, đồng chí, đồng đội chứ không thể bịa đặt thông tin, đổi trắng thay đen, gây hoang mang, suy giảm niềm tin của nhân dân. Càng không thể phê phán khi chính mình chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ thông tin và nhận thức về những lĩnh vực mình còn nông cạn, chưa trải nghiệm. Mọi đánh giá cần phải trên cơ sở khách quan, biện chứng, trong bối cảnh lịch sử, chứ không phải bằng góc nhìn chủ quan, phiến diện, lệch lạc của cá nhân. Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người “không hiểu quân sự, không qua chiến tranh”. Không thể phê bình kiểu “thầy bói xem voi” phủ nhận cả thành tích, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng ý kiến chủ quan, lệch lạc.

Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng đi liền với nó cũng không ít thách thức, nổi lên là chủ quyền biển, đảo đang bị đe dọa. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa”. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta không nhân nhượng về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải luôn tỉnh táo đấu tranh để tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực thù địch. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là vấn đề vô cùng nghiêm túc, đòi hỏi phải tỉnh táo, bình tĩnh, chứ không thể bằng hô hào khẩu hiệu, càng không thể bằng kích động chiến tranh. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng cũng phải bảo vệ môi trường hòa bình để phát triển.

Chúng ta mong cho đất nước vĩnh viễn hòa bình, để xây dựng một quân đội hùng mạnh trong hòa bình, mà quân đội đó từ người cán bộ cao nhất trở xuống không ai phải kinh qua chiến tranh. Đó mới là hạnh phúc lớn nhất của quân đội và cũng là của nhân dân. Nhưng lịch sử dân tộc hàng nghìn năm cũng đã chứng minh rõ rằng, khi không còn sự lựa chọn nào khác thì người Việt Nam sẽ chiến đấu và chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào, bất kể chúng là ai, mạnh và hung hãn cỡ nào.

Những biểu hiện công thần, đặt mình cao hơn để phán xét thiếu căn cứ, coi thường, xúc phạm đồng chí, đồng đội cần phải bị vạch rõ, bị lên án. Những việc làm này nếu không bị ngăn chặn sẽ gây hậu quả khôn lường bởi nó xuyên tạc, hạ thấp chủ trương, đường lối, thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân ta; gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Với căn bệnh công thần và biểu hiện của nó, cần phải có thái độ rõ ràng: Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý.

Đó cũng là cách để giữ gìn kỷ cương của Đảng - điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi.

Công thần là một căn bệnh, nhưng nó là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi người mắc bệnh này thường là những cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Họ là những người có công, có đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, có uy tín với nhân dân, với đồng chí, đồng đội. Ý kiến của họ thường được dư luận quan tâm, mọi người coi trọng, tin tưởng. Chính vì vậy, khi họ bị nhiễm bệnh công thần, kiêu ngạo rồi phát ngôn không đúng, hành xử thiếu chuẩn mực, thì không phải lúc đầu ai cũng biết, ai cũng hiểu bản chất vấn đề nên dễ tin theo, phát ngôn theo, gây tác hại lan truyền trong dư luận, làm phân tâm, chia rẽ nội bộ.

Tường Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/hiem-hoa-tu-can-benh-cong-than-kieu-ngao-tintuc450503