Hiểm họa từ các cơ sở thu mua phế liệu

Hoạt động thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các cơ sở thu mua phế liệu lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Nhếch nhác

Tại điểm thu mua phế liệu của ông Trương Thành Nam, ở đội 1, thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), tất cả các loại phế liệu từ chai nhựa, lon bia, cho đến sắt, nhôm, giấy... đổ tràn ra hai bên đường dẫn vào khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, khiến người dân sống xung quanh rất bức xúc. Bà V, một người dân sống trong khu vực nói: “Cơ sở này hoạt động khoảng 7- 8 năm nay, phế liệu đổ tràn ra đường rất nhếch nhác, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, nhưng chủ cơ sở không chịu khắc phục. Nước thải từ cơ sở này đổ ra rất mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối”.

Phế liệu chất đống hai bên đường vào khu dân cư ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) gây mất mỹ quan đô thị.

Các cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Trãi, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) thì thu mua các vật liệu như bàn ghế gỗ, tủ gỗ, khung cửa sắt... rất cồng kềnh, nhưng hầu hết không có khu vực tập kết, chỉ tận dụng phần mặt tiền của nhà ở để làm kho chứa. Vì thế, phế liệu gần như lấn chiếm phần lớn vỉa hè, người đi bộ phải bước xuống lòng đường để vòng qua các đống phế liệu, gây mất an toàn giao thông.

Dạo một vòng khu vực TP.Quảng Ngãi, không khó để tìm thấy những cơ sở thu mua phế liệu nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Hầu hết các vựa phế liệu đều vi phạm về trật tự đô thị. Vỉa hè là nơi được các chủ vựa chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu. Đi kèm hoạt động phân loại này là các loại rác thải phát sinh vương vãi trên vỉa hè, lòng đường.

Nhiều nguy cơ cháy, nổ

Quan sát hoạt động của một số cơ sở thu mua phế liệu có thể thấy rõ, các trang bị an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ không có; bên trong các kho chứa, hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt; khoảng cách giữa các thiết bị điện và phế liệu chưa đảm bảo an toàn... Vụ cháy tại cơ sở thu mua phế liệu của ông Tạ Công Kiệt, ở tổ 18, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) vào năm 2017 là một minh chứng. Lửa xuất phát từ những đống phế liệu được tập kết trong khu đất gần nhà ông Kiệt, sau đó cháy lan ra khắp cơ sở, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, do nhận thức còn hạn chế, lại thêm tâm lý chủ quan trước những nguy cơ về mất an toàn phòng, chống cháy nổ, nên phần lớn người kinh doanh phế liệu cứ thấy vật gì bán được là sẵn sàng thu mua, như việc thu mua các loại vật liệu nổ, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bản thân các chủ vựa phế liệu dường như cũng không ý thức hết những nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Đơn cử, vào năm 2018, qua kiểm tra, cơ quan công an đã phát hiện cơ sở thu mua phế liệu của vợ chồng bà Trần Thị Lê và cơ sở của ông Đỗ Lư, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) chứa nhiều vỏ đạn cối và quả đạn 105 ly chưa nổ... Tuy nhiên, khi được hỏi về cách phân biệt bom mìn đã nổ và chưa nổ, họ lại khá lúng túng, phân biệt theo cảm tính.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại từ các cơ sở thu mua phế liệu gây ra, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm quy hoạch những khu vực phù hợp cho kinh doanh phế liệu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm khi phát hiện các cơ sở vi phạm quy định về cháy nổ...

Bài, ảnh: VŨ YẾN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202008/hiem-hoa-tu-cac-co-so-thu-mua-phe-lieu-3017771/