Hiểm họa thanh sắt rơi trên đường Lê Văn Lương đã được báo trước, vì sao không ngăn chặn?

Khung sắt rơi đè chết người ở đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội là một trong những mối họa đã được báo trước.

Nói vụ khung sắt rơi đè chết người ở đường Lê Văn Lương là một mối họa đã được báo trước sẽ không có gì chủ quan hay phiến diện nếu nhìn một vòng quanh Hà Nội ở thời điểm hiện tại. Những công trình ngổn ngang, những tấm lưới, bạt quây sơ sài quanh các tòa nhà chọc trời đang trong tiến độ thi công, những cần cẩu tháp xây dựng cứ mặc sức xoay tròn trên đầu người dân… Đôi lúc đi ra đường, cũng chẳng biết “tử thần” sẽ gọi tên mình bất thình lình lúc nào.

Hiện trường vụ rơi thanh sắt trên đường Lê Văn Lương khiến 1 người tử vong.

Ngày bình thường, đôi lúc bất chợt thấy cay mắt vì bụi bẩn từ công trình xây dựng trước mặt văng ra, có khi tưởng ai đó chơi xấu “ném đá giấu tay” khi có hòn sỏi không nhỏ bỗng rơi lốp bốp trước mắt mình. Còn những ngày mưa, gió bão thì sao? Cơ man nào là cát, là tiếng phần phật của khung bạt lơ lửng trước mặt, là tiếng cọt kẹt của một giàn giáo đã hoen gỉ, cũ kỹ từ bao giờ vẫn được trưng dụng theo kiểu “cố thêm một công trình nữa thôi rồi hãy nghỉ hưu nhé”…, được công trình nào hay công trình đó…

Những tòa tháp cao ngút trời, những cao ốc, văn phòng khang trang, rộng, đẹp sẽ góp phần làm cho bộ mặt đô thị đổi thay trong nay mai. Những công trình không có lỗi mà lỗi là do sự cẩu thả của con người, giám sát thi công bị lơ là, coi thường tính mạng của người khác, thi công một cách chủ quan.

Nhìn lại, bao vụ sập giàn giáo công trình, bao lần có những thanh sắt rơi đến “xoảng” từ trên cao kéo theo là cái chết tức tưởi, thương tâm của người dân vô tội. Khổ một nỗi, ai đủ nhận thức cũng có thể biết là rất có thể một ngày mình cũng là nạn nhân trong một vụ “sắt rơi, cẩu lạc” như thế lắm, nhưng bản thân họ lại không đủ sức để ngăn chặn. Chiếc mũ bảo hiểm có thương hiệu và chất lượng đến đâu đi chăng nữa cũng không thể chống đỡ với sức công phá quá mạnh của những thanh sắt rơi từ tầng mười mấy, hai mấy hay thậm chí là ba mươi mấy xuống đập thẳng vào người như vậy. Nói thật, chỉ một lon bia rơi, hay chiếc iPhone không may tuột tay từ độ cao khoảng 200m xuống đất cũng có thể khiến ai đó đứng trước nguy cơ nhập viện vì chấn thương sọ não, hoặc sai khớp, gãy chân, nói gì đến thanh sắt nặng, sắc, nhọn với độ cao cả mấy chục tầng nhà như thế.

Cơ quan chức năng ở đâu trong câu chuyện này? Hay chỉ là vì sơ suất của đơn vị thi công để xảy ra hậu quả đau lòng? Rồi tất cả chỉ là rút kinh nghiệm, kỷ luật khiển trách hay thuyên chuyển công tác sang một vị trí mới… có khả năng thăng tiến tốt hơn? Hay rồi đây lại có thêm một vài công nhân bị đuổi việc vì “trực tiếp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”? Thậm chí là có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với những người công nhân trực tiếp sơ suất tạo ra nghiệp chướng ấy. Nhưng tất cả những điều đó là không đủ để an ủi vong linh một con người, cũng không đủ để nghiêm trị và ngăn chặn những cái chết tức tưởi tiếp theo.

Một con người qua đời ở độ tuổi quá trẻ, lại là một cái chết “từ trên trời rơi xuống” đã để lại trong lòng người còn sống bao đau xót, ám ảnh. Con người sinh ra là một sự kỳ diệu của tạo hóa, tính mạng của mỗi người quý giá hơn bất cứ điều gì khác trên đời này. Thay vì để “sự đã rồi” mới chạy theo xử lý, tại sao các cơ quan chức năng không dùng quyền hạn của mình để ngăn chặn những cái chết “từ trên trời rơi xuống” ấy? Nếu thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình trên địa bàn mình phụ trách thì tin rằng, những sự cố sẽ không bao giờ bị tặc lưỡi cho là số mệnh. Họ đang dùng quyền lực của mình để làm gì, hay chỉ biết “hành” dân trong một lúc nào đó? Tôi tin nếu giám sát chặt chẽ, an toàn lao động được đảm bảo, thậm chí có thể phân công cho một bộ phận cán bộ phường (xã), quận (huyện) chỉ ăn lương và đi giám sát những công trình có thực hiện đúng quy định về an toàn lao động hay không, thì chắc chắn tình hình sẽ đổi khác ngay. Những cái chết sẽ được ngăn chặn, rủi ro sẽ không được gọi tên là “số mệnh” nữa. Chỉ khi không thực sự làm tròn trách nhiệm, không hết lòng hết sức vì công việc, người ta mới phải gọi tên cái gọi là “số” ấy.

Chẳng có số mệnh nào có thể quyết định được khi chúng ta là người trần mắt thịt và có thể ngăn chặn mọi hiểm họa bằng lương tri của chính mình. Bớt đi một chút lơ là, bớt đi một chút chủ quan, tắc trách, bớt những cái tặc lưỡi, bớt đi ham muốn thu vén cho bản thân, gia đình… để vì lợi ích cộng đồng hơn thì chắc chắn, cuộc sống sẽ bình yên và những đau buồn kia sẽ vơi giảm.

Mong rằng, bài học từ vụ thanh sắt rơi làm chết người ở đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội vừa qua sẽ đánh thức lương tri của mỗi con người, nhất là những người có trách nhiệm. Đừng để câu chuyện mất an toàn lao động trở thành căn bệnh mãn tính rồi nhờn thuốc và con người mỗi ngày ra đường vẫn cứ phải nơm nớp “sống trong sợ hãi” bởi những hiểm họa đã được báo trước này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hiem-hoa-thanh-sat-roi-tren-duong-le-van-luong-da-duoc-bao-truoc-vi-sao-khong-ngan-chan-a405580.html