Hiểm họa 'điểm đen' từ những vụ TNGT nghiêm trọng

Cả nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng liên tiếp những ngày qua đã xảy ra những vụ TNGT vô cùng thảm khốc, tước đi sinh mạng nhiều người. Lỗi do tài xế dương tính với ma túy, những xe 'điên' phóng nhanh, vượt ẩu, chủ quan khi điều khiển phương tiện, hay lỗi do những điểm đen, hiểm họa cung đường đèo nguy hiểm...

Tất cả đều đồng nghĩa với việc có nhiều nạn nhân, gia đình cùng chung nỗi đau, hệ lụy và gánh nặng cho xã hội, cuộc sống cũng sẽ bị bớt đi những niềm vui, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Điểm đen TNGT trên đèo Hải Vân và những vụ "lao đèo" vì vượt ẩu

Ngày 10-1, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Phú Lộc củng cố hoàn tất tài liệu, hồ sơ để khởi tố vụ án đối với vụ xe khách chở hơn 20 người lao xuống vực tại đèo Hải Vân vào trưa ngày 8-1.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu trong năm 2019 phải xóa điểm đen trên đèo Hải Vân.

Nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm. Trước đó, khoảng 12h30 ngày 8-1, tại Km 898+200 thuộc đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, tài xế Trương Anh Minh (48 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) điều khiển xe ôtô BKS: 51B - 229.30 chở 21 sinh viên, giảng viên trường Cao đẳng Kiên Giang đi theo hướng Đà Nẵng - Huế. Khi đến vị trí trên, xe vượt đầu một xe chở bồn, mất lái đâm vào núi rồi tiếp tục lao xuống vực khoảng 30m khiến 1 nữ sinh viên tử vong và nhiều người khác trên xe bị thương nặng.

Từ kết quả điều tra tại hiện trường, lời khai của nhân chứng, Công an Thừa Thiên -Huế nhận định: Tài xế xe khách có dấu hiệu vượt ẩu dẫn đến tai nạn. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ hộp đen của chiếc xe để xác định tốc độ khi xảy ra tai nạn. Về phía tài xế Minh, sau khi điều trị ổn định thương tích, cũng đã có những lời khai ban đầu: "Do khi xe đổ dốc, mất thắng và mất kiểm soát, mặc dù đã đánh lái xe vào chân núi, nhưng tốc độ trôi nhanh, có xe đi ngược chiều nên xe đâm vào ta luy văng xuống vực"…

Liên quan đến vụ xe khách lao xuống vực và điểm đen TNGT tại khu vực đèo Hải Vân, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cung cấp thêm: "Đoạn đường xảy ra tai nạn có ta luy, song tài xế người Sóc Trăng này không quen đường đèo Hải Vân nên có thể không xử lý kịp tình huống.

Rất may, chiếc xe khách khi lao xuống vực khoảng 30m thì dừng lại vì có cây rừng, nên phần nào giảm được thương vong. Đáng lo ngại là, chỉ cách vị trí xe khách BKS 51B - 229.30 chở đoàn sinh viên trường Cao đẳng Kiên Giang gặp nạn chừng 50m, vào năm 2016 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn xe bồn lao xuống vực làm hai người chết.

Và ngay trước vụ tai nạn xe khách thương tâm trên chưa đầy 3 tuần, vào ngày 20-12-2018 tại phía Nam đèo Hải Vân (thuộc địa phận TP Đà Nẵng) cũng có một xe bồn khác BKS 38C - 10172 do tài xế Nguyễn Khanh (quê Hà Tĩnh) điều khiển do thiếu quan sát đã va chạm với xe tải BKS 51B - 229.30 do tài xế Nguyễn Hữu Tình (SN 1984) điều khiển, đang chạy theo hướng ngược lại. Hậu quả, chiếc xe bồn chở dầu lao xuống vực và bốc cháy, tài xế Khanh tử vong tại chỗ, phụ xe bị thương tích…

Ngay sau vụ TNGT nghiêm trọng trên đèo Hải Vân, chiều tối ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp khẩn với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ 2 - 3 và Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, và TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Thể khẳng định: Chủ trương của Ban ATGT Quốc gia và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình là năm 2019 phải hoàn tất việc xóa các điểm đen. Trong đó, đèo Hải Vân dốc cao, vực sâu, hết sức nguy hiểm, liên tục xảy ra TNGT chính là điểm đen cần phải xử lý. Đơn vị quản lý là Công ty Đèo Cả phải nhanh chóng bổ sung đường tránh nạn, các hốc lánh nạn dọc theo tuyến đèo Hải Vân để nếu khi mất lái, lái xe có thể được "cứu nguy", giảm các thiệt hại.

Tất cả các đoạn cong mà nguy hiểm phải có hộ lăng mềm, hộ lăng cứng đảm bảo an toàn. Cần có bảng hướng dẫn dọc đường đèo, những góc cua nguy hiểm như góc dài bao nhiêu, quẹo trái, quẹo phải… để tài xế có thể kịp thời nắm bắt thông tin, và biết cách xử lý. Cũng theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, cần bổ sung những biển báo cảnh báo cho các tài xế.

Trước khi lên đèo và xuống đèo Hải Vân cần bố trí trạm dừng nghỉ và có thông tin cho tài xế. "Chúng ta làm hầm để mang lại sự an toàn cho người dân. Vì vậy, UBND các tỉnh cần định hướng cho các lái xe những thông tin trên để tránh xảy ra những vụ tai nạn trong dịp cận Tết sắp tới" - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Tình người và kỳ tích xử lý vết thương sau vụ tai nạn

Ít ai biết, hiện trường chiếc xe khách chở đoàn sinh viên đi tham quan thực tế bị lật trên đèo Hải Vân có địa hình đường đèo rất hiểm trở. Chiếc xe bị lật nằm cách mặt đường hơn 30m khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng chục lượt xe cứu hộ giao thông, xe chữa cháy, xe cấp cứu và gần 100 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, CSGT, Công an của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng được khẩn cấp điều động đến hiện trường để triển khai công tác cứu hộ các nạn nhân. Bên cạnh đó, còn có nhiều người đi đường, du khách chứng kiến vụ TNGT đã sẵng sàng lao đến cứu giúp các nạn nhân như trường hợp anh Nguyễn Xuân Hải (37 tuổi, quê Quảng Nam).

Bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tích cực cứu chữa các nạn nhân trong vụ TNGT nghiêm trọng trên đèo Hải Vân.

Anh Hải là người đầu tiên chứng kiến chiếc xe khách chạy hướng ngược lại bất ngờ mất lái, đâm vào vách núi rồi sau đó lao thẳng xuống vực, phía trong xe nhiều em sinh viên mắc kẹt đang gào khóc, kêu cứu. Anh Hải đã cùng một số người đi đường gọi điện cấp báo cho lực lượng CSGT, hỗ trợ lực lượng cứu hộ cố gắng kéo người gặp nạn ra khỏi xe thật nhanh và dùng cây gỗ có sẵn tại hiện trường để làm cáng di chuyển các nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bác sĩ (Bs) Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng thì cho biết: 14h chiều 8/1, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 10 nạn nhân trong vụ tai nạn do xe taxi chở đến. Lúc này, có 3 nạn nhân nguy kịch, riêng nữ sinh Ngô Thị Su Sal (21 tuổi), ngụ tỉnh Kiên Giang là người bị nặng nhất vì cánh tay trái đứt lìa.

Việc tìm kiếm và nối thành công cánh tay bị đứt lìa của nữ sinh Sal được xem là rất kỳ tích. Vì thời điểm đưa vào cấp cứu, những người đi cùng khẳng định, không biết cánh tay trái của bệnh nhân ở đâu. Qua sơ khám, các bác sĩ xác định, vết thương của Sal gần như dập nát cả hệ thống cơ, mạch máu, thần kinh. Riêng mạch máu và cơ gần khu vực này bị tổn thương rất nhiều…

Và ngay khi phía bệnh viện liên hệ với Trung tâm cấp cứu 115 về việc tìm kiếm cánh tay của Sal thì Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Chính trị viên Phó đồn Biên phòng Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính là người tìm được cánh tay bị đứt lìa của nạn nhân Sal tại hiện trường.

Sau khi nhận được thông tin tại khu vực đèo Hải Vân xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, lực lượng biên phòng liền đến hiện trường. Lúc này, các nạn nhân thương tích rất nhiều, nặng được chuyển thẳng về bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, và Trung tâm Y tế Liên Chiểu, còn nhẹ được sơ cứu, hồi sức ngay tại chỗ. Khi các nạn nhân được đưa lên đường, chuyển lên xe taxi đến bệnh viện thì lực lượng cứu hộ nhận được thông tin, một nữ sinh bị đứt lìa cánh tay và bộ phận này đang ở hiện trường.

Ngay lập tức, các chiến sĩ Công an và cả Bộ đội Biên Phòng có mặt tại hiện trường đều được huy động để tìm kiếm nhưng mọi nỗ lực tìm trong đống đổ nát và xung quanh hiện trường chiếc xe gặp nạn đều vô vọng. Thiếu tá Dũng đã không nản lòng, anh tiếp tục leo lên quốc lộ 1, rà tìm từng đoạn và đã nhìn thấy cánh tay của nạn nhân vẫn còn đeo chiếc đồng hồ. Kìm nén cảm xúc, Thiếu tá Dũng nhặt cánh tay và nhờ mọi người tìm nước đá để ướp lạnh, đưa lên xe chuyển nhanh về bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Phía bệnh viện, ngay khi tiếp nhận được cánh tay của nạn nhân, các bác sĩ đã lập tức đưa nữ sinh viên Sal vào phòng mổ để làm vệ sinh vết thương. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, cuộc phẫu thuật nối cánh tay, nối động mạch, hệ thống thần kinh cho nạn nhân Sal đã thành công. Đến chiều ngày 10-1, cánh tay của nữ sinh Sal đã có nhiều dấu hiệu tốt, hồng trở lại.

Ngày 9/1, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng thông tin về tình trạng sức khỏe của tất cả các bệnh nhân trong vụ TNGT xe chở đoàn giảng viên, sinh viên trường Cao đẳng Kiên Giang lao xuống đèo Hải Vân hiện đều đã ổn định.

Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng còn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tinh thần, tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nhà các nạn nhân trong quá trình chăm sóc người bệnh do điều kiện ở xa. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng ngay trong chiều 8-1 đã cùng đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân vụ tai nạn, mỗi người bị thương 2 triệu đồng, gia đình nạn nhân tử vong 5 triệu đồng.

Hoài Thu

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hiem-hoa-diem-den-tu-nhung-vu-tngt-nghiem-trong-528714/