Hiểm họa 'cuộc chiến nước' từ các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong

Việc Trung Quốc có khả năng ngăn nước sông Mekong chảy qua các quốc gia Đông Nam Á bằng việc xây hàng loạt đập thủy điện đã cho thấy đây là một điểm nóng mới trong khu vực.

Nhà báo David Hutt chuyên về chính trị châu Âu, các vấn đề quốc tế và quan hệ Á-Âu đã có bài viết trên báo Asia Times phân tích về nguy cơ cuộc chiến về nước đang gia tăng trên dòng sông Mekong.

Dưới đây là lược dịch bài viết của nhà báo Anh.

Mạng lưới các đập thủy điện dày đặc trên sông Mekong (Nguồn: International Rivers)

Mạng lưới các đập thủy điện dày đặc trên sông Mekong (Nguồn: International Rivers)

Sông Mekong, con sông bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua 5 quốc gia Đông Nam Á là Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đang nổi lên là một điểm nóng an ninh mới, không khác nào các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.

Trung Quốc đã xây 11 đập và có kế hoạch xây 8 đập khác dọc vùng thượng lưu sông Mekong, vốn bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua phần lớn đất liền ở Đông Nam Á và đổ ra Biển Đông tại Việt Nam.

Ngoài các tác động tới môi trường, có một vấn đề chiến lược đang nổi lên đối với các con đập vốn làm giảm lực đòn bẩy của các quốc gia Đông Nam Á đối với Trung Quốc và các tham vọng lớn hơn của nước này đối với khu vực.

Trung Quốc giờ đây có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy của sông Mekong tới các quốc gia ở hạ lưu, và có thể sử dụng khả năng này để gây tổn thất cho các nền kinh tế phủ yếu dựa nông nghiệp, gây ra tình trạng khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột.

Bắc Kinh cũng có thể dùng mối đe dọa đó để đảm bảo sự nhượng bộ lớn hơn từ các quốc gia Đông Nam Á, hoặc trừng phạt những nước phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh, trong đó có Biển Đông và sáng kiến Vành đai, Con đường trong khu vực.

"Vũ khí vô hình"

Mực nước sông Mekong hiện thường ở mức thấp do các đập thủy điện của Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Phát biểu hôm 1/8 vừa qua tại một cuộc họp của Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong ở Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng đập bừa bãi ở đầu nguồn nhằm tập trung kiểm soát dòng chảy ở phía hạ lưu”.

Các học giả cũng nhận nhận định rằng sông Mekong sẽ là “Biển Đông tiếp theo” xét về phương diện điểm nóng đang nổi.

Vào năm 2017, nhà phân tích độc lập Eugene Chow đã miêu tả các con đập của Trung Quốc là “vũ khí vô hình” vốn “cho phép Trung Quốc có thể giữ 1/4 dân số thế giới làm con tin mà không cần nổ súng”.

Tình thế dễ bị tổn thương của các quốc gia ở hạ nguồn do các đập thủy điện của Trung Quốc là điều dễ nhìn thấy. Vào năm 2016, các chính phủ Đông Nam Á đã yêu cầu Trung Quốc xả nước từ các đập ở thượng lưu để giảm bớt tình trạng hạn hán khắc nghiệt. Bắc Kinh đã xả nước, nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh rằng vụ việc đã cho thấy việc Trung Quốc gần đây có thể kiểm soát dòng chảy tới mức nào.

“Lần kế tiếp, Trung Quốc có thể đưa ra yêu cầu gì đó để đổi lấy việc xả nước, và một quốc gia đang bị thiếu nước có thể không từ chối được. Khi đó, Trung Quốc có thể dùng các con đập như một vũ khí”, Brahma Chellaney, một giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi (Ấn Độ), viết gần đây.

“Khi các trận hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng, mạng lưới đập của Trung Quốc cho phép nước ngày càng có sức nặng đối với các quốc gia ở hạ lưu”, ông Chellaney nói thêm.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra hồi đầu năm nay. Giới chức Trung Quốc khi đó đã mở cửa đập Jinghong (Cảnh Hồng) để bảo dưỡng, gây ngập lụt ở Lào và Thái Lan, làm phá hủy các mùa màng và nghề cá.

Sau khi hoàn tất công việc sửa chữa, giới chức Trung Quốc lại đổ đầy nước cho các con đập trống rỗng, khiến mực nước ở hạ lưu giảm. Do công việc bảo dưỡng trên diễn ra đúng lúc hạn hán xảy ra tại các quốc gia Đông Nam Á hồi tháng 7, mực nước sông đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, khiến một quốc gia Đông Nam Á lại phải yêu cầu Trung Quốc xả nước ở thượng lưu.

Bắc Kinh nói rằng các cáo buộc về việc vũ khí hóa dòng sông là không có thật và không công bằng khi khiến Trung Quốc bị xem như là một quốc gia bắt nạt trong khu vực.

"Ngoại giao van vòi"

Đập thủy điện Cảnh Hồng trên sông Mekong ở thành phố Cảnh Hồng, tây nam Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Nhưng các mối đe dọa tiềm tàng và sự ảnh hưởng thực sự đang quyết định chính sách ngoại giao. “Giờ đây, Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát dòng nước. Từ giờ trở đi, có lo ngại rằng con sông sẽ bị những người xây đập kiểm soát”, Premrudee Deoruong, từ nhóm môi trường Giám sát đầu tư đập tại Lào, nhận định về sông Mekong hồi tháng 7.

Thực tế, nếu chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông bị xem là một dạng “ngoại giao pháo hạm” thì hành động của nước này trên sông Mekong là “ngoại giao van vòi”, vốn tinh vi và nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia nhận định, các nước ở hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Trung Quốc chặn dòng chảy của sông. Ví dụ, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng tới Lào, một quốc gia phụ thuộc lớn vào các đập thủy điện, nhiều trong số đó do các công ty xây dựng của Trung Quốc xây dựng, hoặc bằng tiền vay từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang xây các đập tại Lào và Campuchia (và có một dự án đập lớn đã bị ngừng ở Myanmar), vốn đã trở thành một cách thức hữu hiệu để các công ty xây dựng lớn của Trung Quốc tìm các nguồn vốn mới trong bối cảnh sự tăng trưởng và các cơ hội thương mại giảm đi ở trong nước.

Vào đầu những năm 2000, Ủy ban Sông Mekong dự đoán rằng các nền kinh tế của các thành viên có thể hưởng lợi tới 30 tỷ USD từ việc xây dập dọc con sông.

Nhưng, New York Times hồi tuần này nhấn mạnh rằng con số trên đã bị đảo chiều chuyển sang mức thiệt hại 7 tỷ USD.

Xuất khẩu điện và khai mỏ chiếm khoảng 1/3 GDP của Lào. Nếu Trung Quốc đe dọa cắt nguồn nước tới Lào, nền kinh tế nước này sẽ bất ổn.

Chắc chắn Bắc Kinh không thể cắt nguồn nước cho một quốc gia, vì việc này cũng ảnh hưởng các nước khác mà con sông chảy qua. Nếu bất kỳ một động thái nào như vậy được thực hiện thì điều này cũng ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Bất kỳ một động thái nào như vậy cũng được xem là một hành động tập thể chống lại toàn bộ Đông Nam Á, thay vì chỉ một quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng mối đe dọa này làm suy yếu tính đoàn kết của Đông Nam Á.

Nếu xảy ra một cuộc chiến nước ở Đông Nam Á thì cuộc xung đột ở Mekong sẽ phức tạp hơn nhiều các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông. Những tranh chấp ở Biển Đông chỉ giới hạn ở việc các thực thể nào nằm trong vùng biển thuộc quốc gia nào và có thể được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.

Nhưng đối với Mekong, chủ quyền đối với dòng sông không bị tranh chấp. Phần nào chảy trong lãnh thổ Trung Quốc thì thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh quản lý đoạn sông đó thế nào là trách nhiệm riêng của Bắc Kinh và không bị quyết định hay ảnh hưởng bởi quốc tế hay các quốc gia Mekong khác.

Do đó, đây không phải là một câu hỏi về chủ quyền quốc gia mà là sở hữu chung, một khuôn khổ và khái niệm ít rõ ràng hơn nhiều theo luật pháp quốc tế và trong cộng đồng quốc tế. Nhưng một điều rõ ràng là, Trung Quốc “nắm đằng chuôi” khi là quốc gia ở thượng nguồn.

Các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ sông Mekong đã cố gắng đi đến thương lượng tập thể nhưng không thành công. Vào năm 1995, họ đã cho ra đời Ủy ban sông Mekong (MRC) trong nỗ lực nhằm tạo sự đoàn kết và để phát triển một chính sách chung cho con sông. Nhưng rất khó để duy trì tinh thần chung.

Thế giới ngày càng chú ý tới vấn đề Mekong

Một ngư dân đánh bắt trên sông Mekong tại Wiang Kaen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan (Ảnh: AFP)

Các lo ngại chiến lược đối với việc Trung Quốc kiểm soát Mekong đang gây quan ngại cả ở bên ngoài khu vực. Vào năm 2012, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng “trong 10 năm tới, các vấn đề về nước sẽ góp phần vào sự bất ổn tại các quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Bảy năm sau đó, dường như Washington ngày càng tập trung vào vấn đề này.

Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng “Mekong đã xuống mực nước thấp nhất trong một thập niên qua - một vấn đề có liên quan tới quyết định của Trung Quốc nhằm chặn dòng chảy ở thượng nguồn. Trung Quốc cũng có kế hoạch nạo vét lòng sông. Trung Quốc thực hiện các cuộc tuần tra ngoài lãnh thổ sông”.

Một tài liệu được Nghị viện châu Âu công bố hồi năm ngoái nói rằng “Trung Quốc không tham vấn các quốc gia ở hạ lưu về các dự án xây đập và cũng thường xuyên xả lượng lớn nước từ các hồ chứa mà hầu như không có cảnh báo trước, gây ngập lụt ở hạ lưu”.

Nhưng cộng đồng quốc tế không có nhiều lựa chọn nhằm gây ảnh hưởng đối với các vấn đề Mekong như ở Biển Đông, nơi Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đã tham gia vào các hoạt động được gọi là tự do hàng hải. Không rõ là các quốc gia bên ngoài có thể hoặc sẽ tạo áp lực tương tự đối với Trung Quốc về Mekong hay không.

Mỹ gần đây đã đưa ra sáng kiến Đối tác Năng lượng Mekong Mỹ-Nhật Bản (JUMP), vốn nhằm giúp phát triển các nguồn cung cấp điện của khu vực. Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công bố một gói hỗ trợ ban đầu trị giá 14 triệu USD cho các nước lưu vực Mekong nhằm chống tội phạm và buôn lậu xuyên quốc gia. Các nguồn quỹ tương tự khác dành cho sông Mekong có thể sớm được triển khai.

Hồi tháng trước, quốc hội Mỹ đã tranh luận về việc liệu có lập một “Quỹ chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc” trị giá khoảng 375 triệu USD, trong đó ít nhất 25 triệu “sẽ dành trợ giúp các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam cho một chương trình thực thi pháp luật chống tội phạm xuyên quốc gia trên sông Mekong”.

Nhưng bất kỳ cuộc tuần tra nào được Mỹ hậu thuẫn hoặc tài trợ sẽ trở nên vô nghĩa nếu Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngăn dòng chảy vào Đông Nam Á để gây ra một cuộc khủng hoảng mới trên dòng Mekong.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hiem-hoa-cuoc-chien-nuoc-tu-cac-dap-thuy-dien-cua-trung-quoc-tren-song-mekong-552789.html