Hiểm họa chết người từ những công trình xây dựng

Cần cẩu, cần trục thường có tải trọng 3-5 tấn, cao 160-200m, tay cần dài 70-80m. Do hạn chế về không gian nên cẩu tháp của một số công trình thường vươn ra ngoài đường, gây nguy hiểm cho người dân. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra. Tuy vậy người dân chỉ biết… phó mặc cho trời!

Hiểm họa trên trời và dưới đất

Tại một công trình xây dựng showroom ô tô Hyundai trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) cần cẩu bất ngờ mất thăng bằng và đổ sập chắn ngang đường.

Lúc này, trên đường có nhiều người qua lại nhưng đều kịp thời né tránh. Tài xế xe cẩu bị thương nhẹ. Giao thông bị ùn ứ trong nhiều giờ liền.

Tại Hà Nội, ngày 27/9, khi lắp kính trên tầng 7 tòa nhà, công nhân đã điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6. Lúc này, cần trục bên trái của Gondola tuột khỏi bộ phận đối trọng, rơi từ tầng 6 xuống mặt đường Lê Văn Lương. Cần trục rơi trúng vào đầu chị Dương Thị Hằng (SN 1987, quê Bắc Ninh), đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường, tử vong tại chỗ.

Nhiều công trình trên địa bàn TP. HCM không có lưới rào chắn, vật liệu xây dựng để bừa bãi… Chẳng hạn như công trình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh) cẩu tháp đua nhau vươn ra ngoài đường, lơ lửng trên đầu người tham gia giao thông, khiến mỗi lần đi qua đây nhiều người không khỏi cảm giác rùng mình sợ hãi. Tuy nhiên, các đơn vị thi công thường xuyên không thực hiện việc cảnh báo cho người dân, người tham gia giao thông khi vận hành cẩu tháp.

Vụ cần cẩu đổ sập trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp)

Cần có sự chấn chỉnh kịp thời, tránh buông lỏng quản lý

Những sự việc đáng tiếc xảy ra khiến cho dư luận vô cùng bức xúc xen lẫn sợ hãi mỗi khi đi qua những công trình xây dựng được ví như “hung thần” này. Thế nhưng điều đáng nói là những vụ việc tương tự đã xảy ra trước đó nhưng rất ít người phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi bất cẩn, vô trách nhiệm trong xây dựng. Tai họa cứ rình rập người dân, còn câu hỏi về trách nhiệm thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo anh N.T (ngụ Q.Thủ Đức), cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để người lao động được an tâm khi làm việc và người dân có được sự an toàn khi đi lại qua những khu vực này. Các công trình cần được che chắn kỹ càng để tránh rơi “những vật thể” xuống. Còn khi tiến hành cẩu, nâng cần gắn bảng cảnh báo để người dân chú ý, tránh trường hợp đáng tiếp xảy ra.

Cùng quan điểm với anh N.T, anh K.D (ngụ Q.Tân bình) cho biết: “Mỗi lần đi làm qua những công trình này là một lần tôi sợ hãi, đọc nhiều tin tức trên mạng thấy nhiều công trình không đảm bảo an toàn lao động tôi thực sự lo ngại. Đôi khi tôi nghĩ, tính mạng người dân bây giờ phải phó mặc cho trời mất”.

Cần Cẩu “vươn” ra trên đầu người dân

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng quy định có các điều: Công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống. Riêng đối với cần trục tháp (cần cẩu) thì giới hạn vùng nguy hiểm từ chu vi xây dựng công trình xa ít nhất 5m, từ vị trí cần cẩu vận chuyển xa ít nhất 7m. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành… Xét theo quy định này, có thể thấy nhiều công trình đang xây dựng đều đã vi phạm.

Để bảo đảm tính mạng cho người dân, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý đối với những công trình xây dựng hơn nữa, tránh hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”. Đặc biệt là đối với các cần cẩu, khi không vận hành cần tháo dỡ, di chuyển cẩu tháp vào trong công trường, tránh để trên lề đường hoặc vào khu dân cư thì mới phần nào giải quyết được “hung thần” quanh những công trình xây dựng.

Cần Cẩu “vươn” ra trên đầu người dân

Tuệ Minh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hiem-hoa-chet-nguoi-tu-nhung-cong-trinh-xay-dung-d73307.html