Hi hữu: Bệnh nhi phải cắt u gan mà không được truyền máu

Mặc dù phải phẫu thuật cắt khối u gan nhưng gia đình bệnh nhi lại yêu cầu các bác sĩ 'không được truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân cho bệnh nhi'.

Ca phẫu thuật hiếm gặp

Bé Nguyễn G.B. (11 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) nặng 28kg nang có khối u gan cách đây 6 tháng vừa được ê-kíp bác sĩ phẫu thuật bệnh viện Quốc tế City mổ cắt khối u gan 10cm. Sau 2 giờ 10 phút phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp.

Các bác sĩ cho biết, người nhà bệnh nhân yêu cầu chỉ đồng ý phẫu thuật khi bệnh viện không truyền máu của người khác cho bệnh nhân trong quá trình mổ. Trước yêu cầu trên, ban đầu, các bác sĩ của bệnh viện có chút ngần ngại.

Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ, hội đồng Khoa học kỹ thuật của bệnh viện đã quyết định phẫu thuật cho bé.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường, người trực tiếp phẫu thuật cho bé B. trải lòng: “Ánh mắt bệnh nhi cứ đeo đuổi tôi mãi. Sau nhiều đêm trăn trở trước tình thế khó khăn, tôi quyết định nhận lấy trọng trách này để cứu bé B.. Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để khi cắt gan ít bị chảy máu".

"Chúng tôi sử dụng máy Truyền Máu Hoàn Hồi, hút máu em bé ra. Sau khi lọc, chúng tôi bơm trả lại cho cơ thể của em. Khi chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng của bệnh nhi thì thấy có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều", BS Cường nói thêm.

Cũng theo ông, trước tình hình trên, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận. Phẫu tích tỉ mỉ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bị bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan.

BS Cường nói, đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã bị cắt. Trong suốt cuộc mổ, lượng máu bị mất khoảng 200ml. Sau đó, bệnh viện đã dùng máy truyền máu hoàn hồi để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi.

Các bác sĩ tập trung phẫu thuật cho bệnh nhi

Gia đình vui vì con thoát tử thần

Sau cuộc phẫu thuật, đại diện gia đình bé Nguyễn.G.B. vô cùng cảm kích và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bệnh viện. Mẹ bệnh nhi nói: “Chúng tôi thật may mắn khi tìm đến bệnh viện. Từ đội ngũ bác sĩ cho tới điều dưỡng của bệnh viện đều chăm sóc, giải thích cặn kẽ chân thành. Chúng tôi vô cùng biết ơn bác sĩ Cường và toàn bộ ê kip mổ, cũng như bệnh viện đã giành giật sự sống từ bàn tay tử thần cho bé B.”.

Sau 34 năm trong nghề bác sĩ phẫu thuật Gan- Mật Tụy, đây là ca đầu tiên BS Nguyễn Tấn Cường phẫu thuật cắt gan cho bệnh nhân thuộc giáo phái Giê-hô-va.

Bác sĩ chia sẻ: “Những trường hợp này thường gây khó khăn, sóng gió cho các cơ sở y tế trong việc đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo của bệnh nhân. Ví dụ, nếu phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách mà không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào thay thế máu được và gây nguy hiểm cho bệnh nhân”.

Các bác sĩ cho biết, khối u gan của bé phát triển rất nhanh, nếu chúng ta không can thiệp thì thời gian sống còn của bé chỉ được vài tháng. Tính trung bình cứ 100 trẻ có khối u gan ác tính thì 30% trẻ sẽ sống kéo dài 3-5 năm.

Bệnh nhân sau phẫu thuật nên tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để có những điều trị, can thiệp kịp thời nếu khối u tái phát.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hi-huu-benh-nhi-phai-cat-u-gan-ma-khong-duoc-truyen-mau-a401353.html