Hết vướng mặt bằng đến vướng nguồn vốn

Trong khi các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết thì các dự án giao thông quốc gia đang triển khai xây dựng trên địa bàn Đồng Nai lại gặp khó khăn về nguồn vốn thực hiện.

Thi công các hạng mục tại dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây. Ảnh:P.T

Thi công các hạng mục tại dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây. Ảnh:P.T

* Cơ bản gỡ xong vấn đề vướng mặt bằng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án giao thông quốc gia đang được triển khai thực hiện gồm: xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Các dự án này thời gian qua đều rơi vào cảnh chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có các dự án đi qua đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này đã cơ bản hoàn thành.

Đối với dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây, hiện chỉ còn vướng mặt bằng ở khu vực phía bên trái tuyến quốc lộ 1 (theo hướng Bắc - Nam) gồm các hạng mục mở rộng tuyến và kết nối quốc lộ 1 với tỉnh lộ 769. Theo UBND huyện Thống Nhất, các thủ tục đối với công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân trong khu vực này đã hoàn thành. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa có kinh phí chi trả nên người dân chưa thể di dời để bàn giao mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - vận tải), chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự kiến chậm nhất dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý III-2020. Để đảm bảo tiến độ thì dự án sẽ phải bàn giao mặt bằng chậm nhất vào quý I-2020.

Trong khi đó, việc bàn giao mặt bằng của các địa phương đối với dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã cơ bản hoàn tất.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai trên địa bàn 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành dài hơn 27km thuộc các gói thầu từ A5-A7. Để thực hiện dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai, Nhà nước phải thu hồi 197 hécta đất, thuộc sở hữu của hơn 1.220 hộ dân. Đến nay, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư.

Riêng tại huyện Long Thành, ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay, đến nay, hồ sơ bồi thường đối với các hộ dân còn lại đã hoàn thành và chỉ còn chờ chủ đầu tư chuyển kinh phí để chi trả. Sau đó, người dân sẽ di dời để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án, đến nay vấn đề mặt bằng đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn Đồng Nai cơ bản đã được giải quyết. Đối với các hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng, hiện đơn vị đang bổ sung nguồn vốn để chi trả. “Tại huyện Nhơn Trạch cần bổ sung hơn 60 triệu đồng, còn tại huyện Long Thành cần bổ sung hơn 150 triệu đồng. Nguồn vốn cần bổ sung để chi trả cho các hộ dân phải di dời để thực hiện dự án hiện không lớn” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Riêng đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hiện đang trong giai đoạn triển khai công tác giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh cũng đã chốt thời điểm phải hoàn tất giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong quý I-2020.

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn 4 huyện, thành phố của Đồng Nai gồm: Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh. Diện tích đất phải thu hồi để phục vụ dự án là 395 hécta với 884 hộ dân bị thu hồi đất. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này tại các địa phương Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn tất.

Riêng đối với huyện Xuân Lộc, là địa phương có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất với 274 hécta của 520 hộ dân nên tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng có chậm hơn.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay, hiện nay, địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp cho công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo tiến độ UBND tỉnh yêu cầu.

* Lại gặp khó khăn ở nguồn vốn

Trong số 3 dự án giao thông quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh, dự án xây dựng, mở rộng nút giao Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã triển khai công tác xây dựng.

Sau khi cơ bản giải quyết được điểm “nghẽn” về mặt bằng, hiện 2 dự án này lại đang đối mặt với các khó khăn về nguồn vốn xây dựng.

Ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, chủ đầu tư dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây cho biết, nhà thầu đã thi công được 7/11 mố, trụ, lao lắp dầm được 6/10 nhịp, đổ bê tông cốt thép bản mặt cầu. Ngoài ra, nhà thầu đã thi công xong phần mở rộng mặt đường song hành trên quốc lộ 1 và phần đường công vụ đoạn từ đầu tuyến về ngã tư Dầu Giây và nhánh rẽ Hà Nội - Đà Lạt; đã thông xe cầu Gia Đức và đường hai đầu cầu, hoàn thiện hệ thống thoát nước trên phạm vi được bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện tiếp dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Cụ thể theo ông Hoàng Văn Mậu, theo phương án tài chính, nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây được lấy từ nguồn hoàn thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) sau khi hoàn thành dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc. Thế nhưng, đến thời điểm này Bộ Tài chính cũng như các cơ quan chức năng của Chính phủ lại chưa thống nhất được vấn đề chi trả nguồn vốn này. “Đây cũng là lý do khiến chúng tôi chưa bố trí được vốn để chi trả cho các hộ dân phía bên trái tuyến của dự án” - ông Hoàng Văn Mậu cho hay.

Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, nguồn vốn hiện đang là khó khăn lớn nhất đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, do thời gian thi công dự án kéo dài, không hoàn thành trong thời gian hiệp định vay vốn nên việc giải ngân cho dự án hiện không thể thực hiện. “Nguồn vốn để thực hiện dự án rất lớn nên chúng tôi cũng không có khả năng tạm ứng để thực hiện. Do đó, vấn đề vốn để thực hiện dự án hiện nay là cực kỳ khó khăn” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/cac-du-an-giao-thong-quoc-gia-trien-khai-tren-dia-ban-dong-nai-het-vuong-mat-bang-den-vuong-nguon-von-2986679/