Hết thương mại rồi công nghệ, Mỹ lại gia tăng tấn công truyền thông Trung Quốc

Mỹ vừa có động thái đưa 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ vào nhóm phái bộ nước ngoài, trùng hợp với các bước đi và tuyên bố khác phản ánh sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Mỹ đã giáng đòn thứ 3 trong năm nay vào các cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Đầu tiên, 5 cơ quan truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc hồi tháng 2 đã bị chỉ định là phái bộ nước ngoài và đến mùa Hè đã có thêm 4 cơ quan nữa bị liệt vào danh sách này.

Trụ sở hãng thông tấn Tân Hoa xã tại Mỹ. (Nguồn: New York Times)

Trụ sở hãng thông tấn Tân Hoa xã tại Mỹ. (Nguồn: New York Times)

Mới đây, Mỹ liệt thêm 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài, bao gồm: Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing ReviewEconomic Daily.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích quyết định này là nhằm đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người tiếp nhận thông tin, “nên phân biệt giữa tin tức do báo chí tự do viết và tin tức tuyên truyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán”.

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, Hồ Tích Tiến cho rằng những hạn chế mới của Mỹ càng làm đầu độc bầu không khí của giới truyền thông hai nước hoạt động trên lãnh thổ của nhau. Ông thừa nhận truyền thông Trung Quốc đã bị thiệt hại và cảnh báo Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa và mục tiêu có thể là các phương tiện truyền thông Mỹ ở đặc khu hành chính Hong Kong.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia Wu Fei từ Viện Chính sách Thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Tế Nam tại Quảng Châu, lưu ý rằng giới chức Mỹ muốn kiểm soát luồng thông tin về các sự kiện ở Mỹ mà báo chí nước ngoài, đặc biệt là truyền thông Trung Quốc, cung cấp.

Ông nói: “Tất cả những điều này là sự tiếp nối của chính sách chống Trung Quốc mà Mỹ đã đưa ra. Nếu (Tổng thống Donald) Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc, sẽ theo đuổi chính sách đối đầu với Trung Quốc. Nếu Joe Biden đắc cử, ông ấy cũng hầu như không thể thay đổi mô hình chính trị đã được thiết lập. Quyết định liệt hoạt động của 15 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ là phái bộ nước ngoài khó có thể bị bãi bỏ".

Đồng thời, ông Wu Fei cũng không cho rằng quyết định này có liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ, do người dân Mỹ trước hết quan tâm đến những vấn đề nội bộ, chính sách thuế, sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

"Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên truyền thông Trung Quốc vì thông tin về chính sách của Mỹ trên báo chí Trung Quốc giống như tin tức từ tuyến đầu. Tin tức từ Mỹ thu hút rất nhiều người xem ở Trung Quốc, rất nhiều nhà báo đang hiện diện ở Mỹ, vì thế Mỹ muốn kiểm soát tình trạng của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và luồng thông tin từ Mỹ", ông Wu Fei nhận định.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Nam Kinh, ông Zheng Anguang cho rằng cuộc tấn công vào quyền tự do của các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở Mỹ liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump diễn ra không mấy suôn sẻ do tiếp tục tụt hậu với đối thủ trong các cuộc thăm dò, nên ông cần phải làm chệch hướng sự chú ý khỏi chính trường trong nước.

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/het-thuong-mai-roi-cong-nghe-my-lai-gia-tang-tan-cong-truyen-thong-trung-quoc-127197.html